Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, PGS.TS Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương đã chia sẻ liên quan tới vấn đề đào tạo của nhà trường đáp ứng xu thế mới hiện nay, cũng như lời khuyên về cách đăng ký nguyện vọng giúp thí sinh tăng cơ hội trúng tuyển.
Đảm bảo sinh viên được tiếp cận liên ngành
- Thưa PGS.TS Phạm Thu Hương, Trường Đại học Ngoại thương đã có những sự thay đổi như thế nào trong chương trình đào tạo để đáp ứng xu thế mới hiện nay?
PGS.TS Phạm Thu Hương: Với sự thay đổi rất nhanh của công nghệ cũng như những thay đổi bất thường của toàn cầu, việc người lao động phải thích ứng được với sự thay đổi là rất quan trọng.
Vì vậy, một xu hướng chung hiện nay của các trường đại học khi phát triển các ngành đào tạo là tính đến sự liên ngành để làm sao người lao động có thể đáp ứng, thích nghi được sự thay đổi của thị trường, môi trường.
Tại Trường Đại học Ngoại thương, các ngành đào tạo đều được cấu trúc để đảm bảo rằng sinh viên không chỉ đơn thuần phát triển chuyên sâu trong ngành của mình, mà các bạn được tiếp cận liên ngành với các ngành khác. Nhờ đó, khi có bất cứ một sự thay đổi nào, người lao động đều có thể dễ dàng đáp ứng các yêu cầu đặt ra.
Với người học, khả năng học tập suốt đời rất quan trọng. Những gì các bạn học trong 4 năm đại học tạo cho các bạn nền tảng. Nhưng quan trọng hơn, các bạn phải biết cách làm thế nào để cập nhật kiến thức và thích ứng được với những thay đổi. Chúng tôi tin rằng, từ cách tiếp cận về ngành và liên ngành như vậy, sinh viên tham gia học tập tại Trường Đại học Ngoại thương sẽ dễ dàng thích ứng với nhu cầu của thị trường lao động.
Qua số liệu thống kê, tất cả các ngành của Trường Đại học Ngoại thương hiện nay có tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường rất cao và khá đồng đều giữa các ngành. Do vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi phương châm phát triển của mình là cho các bạn nền tảng chuyên sâu của ngành, nhưng đồng thời giúp các bạn tiếp cận liên ngành.
Bên cạnh việc phát triển các ngành đào tạo, chương trình đào tạo đáp ứng xu thế thay đổi của thị trường, chúng tôi cũng đưa vào chương trình đào tạo của tất cả các ngành các học phần liên quan đến công nghệ, liên quan đến đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Hiện nay, 100% chương trình đào tạo của Trường Đại học Ngoại thương có các học phần này.
Tôi muốn nhấn mạnh lại rằng, quan trọng hơn cả là người học có được khả năng tự học và chủ động tìm kiếm kiến thức. Khi thị trường lao động thay đổi và trong chính các ngành nghề cũng có những thay đổi về bản chất, người lao động cần có đủ khả năng trên mới dễ dàng thích ứng. Đó cũng là điểm chúng tôi cho rằng quan trọng nhất trong nhiệm vụ giáo dục của mình.
- Một trong những ngành học mới tại Trường Đại học Ngoại thương được nhiều thí sinh quan tâm là chuyên ngành Truyền thông Marketing tích hợp, thuộc ngành Marketing. Một số bạn thắc mắc, học truyền thông tại Trường Đại học Ngoại thương có gì khác so với các trường khối ngành khoa học xã hội và nhân văn. Bà có thể đưa ra giải đáp?
PGS.TS Phạm Thu Hương: Về cách phát triển ngành của Trường Đại học Ngoại thương, chúng tôi duy trì theo nguyên tắc căn bản mở và linh hoạt. Không chỉ Truyền thông Marketing tích hợp mà ở toàn bộ các ngành khác, sinh viên đều được trang bị nền tảng căn bản của ngành để tiếp cận được tất cả yêu cầu công việc cơ bản nhất. Đồng thời, các bạn cũng có sự linh hoạt trong các lĩnh vực khác nhau của ngành đó.
Chúng tôi đưa sinh viên vào thực tế và để các bạn trải nghiệm thực tế. Từ trải nghiệm này, các bạn sẽ có những sáng tạo mới. Chúng tôi luôn tin rằng, có thể các bạn trẻ chưa có giải pháp toàn diện, nhưng ý tưởng thì có rất nhiều. Để sinh viên đưa ra các ý tưởng, trên cơ sở đó có những giải pháp hay, giải pháp thích ứng mới là điều Trường Đại học Ngoại thương luôn khuyến khích.
Trong chương trình Truyền thông Marketing tích hợp, cũng như Marketing số của Trường Đại học Ngoại thương, chúng tôi cũng đưa các bạn vào trải nghiệm thực tiễn ngay từ năm thứ nhất. Sinh viên sẽ có những thời gian "thực chiến" để trải nghiệm, sáng tạo mà không sợ thất bại. Qua các thất bại trong quá trình này, các bạn sẽ có những giải pháp toàn diện hơn và trưởng thành hơn sau 4 năm học đại học.
Sai lầm thí sinh thường mắc phải khi đăng ký xét tuyển
- Nhiều thí sinh rất lo lắng việc chọn sai ngành sẽ mất đi nhiều cơ hội ở tương lai. Bà có thể đưa ra lời khuyên: trong rất nhiều ngành học tại Trường Đại học Ngoại thương, thí sinh làm thế nào để lựa chọn ngành học phù hợp nhất với bản thân?
PGS.TS Phạm Thu Hương: Tôi cho rằng đầu tiên, thí sinh cần chọn ngành học xuất phát từ mong muốn cá nhân. Sau đó, phải rất tỉnh táo để đánh giá được mong muốn đó có phù hợp với khả năng của mình hay không, từ đó mới đưa ra quyết định lựa chọn ngành học.
Tuy nhiên, như tôi đã nói, thời gian học đại học là thời gian tạo nền tảng, nhưng chúng ta có cả một quá trình phát triển rất lâu dài.
Cho nên, trên cơ sở nền tảng đó, các bạn vẫn có thể có những điều chỉnh trong tương lai. Khi biết khai thác từ nền tảng đã tích lũy, biết thích ứng với thay đổi của thị trường, chúng ta có thể kết hợp làm việc trong nhiều ngành khác nhau, không nhất thiết chỉ giới hạn trong một ngành.
- Qua công tác tuyển sinh các năm, bà có thể đưa ra tư vấn cho các thí sinh: Đâu là những sai lầm các bạn thường mắc phải khi đăng ký xét tuyển? Thí sinh cần làm thế nào để tăng tối đa cơ hội trúng tuyển vào Trường Đại học Ngoại thương?
PGS.TS Phạm Thu Hương:Qua kinh nghiệm xét tuyển các năm, chúng tôi thấy có rất nhiều thí sinh điểm rất cao nhưng vì các bạn quá yêu thích một chương trình nên chỉ đăng ký 1 - 2 nguyện vọng. Cũng có những thí sinh đặt mục tiêu “kiểu gì cũng phải vào Ngoại thương”, cho nên đặt hết tất cả nguyện vọng có thể vào rất nhiều chương trình.
Để có thể trúng tuyển, tất nhiên phụ thuộc vào năng lực của chúng ta. Tuy nhiên, khi đăng ký nguyện vọng, tôi khuyên các em không nên chỉ đưa ra một lựa chọn duy nhất. Vẫn nên có các nguyện vọng “ít mong đợi hơn” để đảm bảo có nhiều cơ hội, an toàn trúng tuyển. Trường hợp trúng tuyển rồi mà vẫn mong muốn một ngành, một chương trình khác, các em có thể tham gia các đợt xét tuyển tiếp theo.
Với những thí sinh đăng ký toàn bộ các chương trình, tôi cũng có một lời khuyên rằng: các em nên tìm hiểu thật kỹ về từng ngành, nghiên cứu xem ngành nào thật sự phù hợp với mong đợi và khả năng của mình, đồng thời là xu hướng phát triển của thị trường lao động để có những lựa chọn tập trung. Cần tránh việc đến khi trúng tuyển vào ngành không mong muốn hoặc không phù hợp với khả năng, chúng ta mới suy nghĩ, đắn đo. Sự lựa chọn khi đắn đo trong một thời gian ngắn như vậy, chưa chắc đã là lựa chọn tốt nhất.
Một sai lầm khác chúng tôi nhận thấy qua các năm là có những thí sinh rất tự tin vào khả năng trúng tuyển của mình, nên đăng ký phần lớn vào các chương trình, các ngành ở mức yêu cầu rất cao. Một số bạn lại không tự tin, chỉ đăng ký những ngành, những chương trình tại các trường đại học có thể chưa phải mong muốn của mình.
Phương thức tuyển sinh, quy định về tuyển sinh hiện nay tạo điều kiện rất nhiều cho thí sinh, vậy nên tôi khuyên các em nên chia các nguyện vọng đăng ký của mình thành 3 nhóm, sắp xếp theo thứ tự từ trên xuống dưới.
Thứ nhất là nhóm nguyện vọng các em mong muốn, yêu thích nhất, có thể cao hơn khả năng của mình một chút. Nhóm thứ hai là nguyện vọng các em cảm thấy phù hợp với khả năng của bản thân. Nhóm thứ ba là những nguyện vọng có thể thấp hơn một chút so với khả năng để đảm bảo sự an toàn.
Phân chia như vậy vừa đảm bảo không mất đi cơ hội vào được ngành mình thích, trường mình thích; đồng thời cũng đảm bảo rằng nếu như có rủi ro xảy ra, thí sinh vẫn có một cơ hội được mở ra để suy nghĩ và quyết định.
-Xin cảm ơn PGS.TS Phạm Thu Hương!