Hỏi: Đăng ký hộ tịch là gì? Những khó khăn, thách thức trong công tác đăng ký, thống kê hộ tịch tại Việt Nam?
Trả lời:
Đăng ký hộ tịch là việc ghi lại liên tục, thường xuyên, bắt buộc, mang tính phổ cập các dữ liệu thống kê về các sự kiện hộ tịch xảy ra và đặc điểm của sự kiện đó phù hợp với luật pháp, quy định và chính sách của từng quốc gia bao gồm các sự kiện quan trọng như: sinh, tử, kết hôn, ly hôn, nhận con nuôi, tử vong thai nhi.
Đăng ký, thống kê hộ tịch tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền con người, quyền, nghĩa vụ công dân, góp phần vào các biện pháp quản lý dân cư một cách khoa học, phục vụ xây dựng, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Do đó, công tác đăng ký, thống kê hộ tịch phải được thực hiện đầy đủ, kịp thời, chính xác từ cấp xã thì mới bảo đảm độ tin cậy cho bức tranh toàn cảnh của ngành, của đất nước. Đăng ký, thống kê hộ tịch là nhiệm vụ trọng tâm trong quản lý nhà nước về dân cư và luôn được các quốc gia quan tâm thực hiện. Đăng ký và thống kê hộ tịch cũng đóng vai trò quan trọng đối với mọi công dân thông qua việc bảo đảm đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử và các sự kiện hộ tịch khác, ghi lại nguyên nhân tử vong; cung cấp giấy tờ hộ tịch, qua đó công dân có thể tiếp cận các dịch vụ của Chính phủ như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, việc làm, an sinh xã hội, và các dịch vụ khác.
Đăng ký, thống kê hộ tịch cũng đóng vai trò quan trọng nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững 2030 (SDGs). Dữ liệu từ hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch cho phép đo lường được nhiều chỉ tiêu SDGs.
Việt Nam đang thực hiện Chương trình hành động quốc gia Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 - 2024. Công tác đăng ký, thống kê hộ tịch tại Việt Nam thời gian qua mặc dù có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn gặp một số khó khăn, thách thức. Đó là cơ chế phối hợp thực hiện nghiệp vụ thống kê, công bố số liệu sinh, tử liên ngành còn nhiều hạn chế, chưa có số liệu chính thức về tỷ lệ tử vong được đăng ký khai tử, về tỷ lệ các ca tử vong ở cơ sở y tế có giấy chứng nhận về nguyên nhân chính gây tử vong theo chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Việc xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu điện tử liên ngành vẫn chưa được hoàn thiện. Kinh phí triển khai Chương trình đăng ký, thống kê hộ tịch chưa đáp ứng được yêu cầu; cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ công tác đăng ký hộ tịch tại một số địa bàn còn hạn chế.
Hệ thống đăng ký, thống kê hộ tịch cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách dữ liệu nhằm định hướng xây dựng, thực hiện và giám sát thực hiện các chính sách có liên quan (y tế, văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội, xây dựng...), nâng cao chất lượng cuộc sống cho tất cả người dân, bao gồm giải quyết bất bình đẳng giới, bảo đảm không để ai bị bỏ lại phía sau và nhận biết các vấn đề sức khỏe mới nổi, ví dụ như đại dịch Covid-19. Mỗi cá nhân, tổ chức cần nhận thức được tầm quan trọng, vai trò của công tác thống kê hộ tịch, làm tốt phần việc của mình, giúp các cơ quan có thẩm quyền kịp thời nghiên cứu, xây dựng chính sách đúng đắn, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân.
_________
(Chuyên mục được thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của Bộ Tư pháp, UNFPA và Vital Strategies)