Trong tâm thức dân gian của người dân, đặc biệt ở vùng núi Tản Ba Vì, núi Ba Vì là ngọn "chủ sơn" của nước Việt, là nơi phát tích của truyền thuyết về Sơn Tinh - Thủy Tinh, về Đức Thánh Tản - vị thần đứng đầu hàng "Tứ bất tử" trong thần điện Việt. Ngài không chỉ là thành hoàng bảo trợ cho làng xã mà còn được nhân dân tôn thờ là Phúc thần, Thượng đẳng tối linh thần.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh, "vượt qua không gian và thời gian, Đức Thánh Tản được coi là vị anh hùng trị thủy, anh hùng văn hóa, anh hùng dân tộc từ thuở mở mang bờ cõi".
Qua truyền thuyết được lưu truyền trong đời sống tâm linh của Nhân dân, Tản Viên Sơn Thánh là nhân vật anh hùng sáng tạo văn hóa, tạo ra lửa, khơi nguồn nước cứu nạn dân chúng, dạy dân các nghề nghiệp khác nhau và được tôn thờ như một vị tổ sư bách nghệ.
Tôn vinh công trạng, ân đức của Ngài, nhân dân tôn kính, lập nhiều đền thờ trên địa bàn huyện Ba Vì và ở nhiều nơi trong vùng văn hóa xứ Đoài. Ông Nguyễn Đức Anh cho biết, kết quả tổng kiểm kê hiện nay trên địa bàn huyện Ba Vì có 397 di tích, trong đó có tới hơn 100 di tích thờ Đức Thánh Tản.
Cụm di tích đền thờ Tản Viên Sơn Thánh (gồm đền Hạ, đền Trung, đền Thượng) được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia năm 2008; Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2018.
Theo ngọc phả còn lưu giữ tại di tích đền Trung, xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Thánh Tản sinh ngày rằm tháng Giêng, hóa Thánh ngày 6.11 Âm lịch tại đỉnh núi Tản Viên, nơi sau này được nhân dân lập đền thờ Ngài, chính là đền Thượng.
"Trải qua hàng nghìn đời, việc thờ cúng, tế lễ để tưởng nhớ Ngài đã ăn sâu vào đời sống nhân dân. Vào những ngày này, nhân dân các dân tộc khu vực núi Ba Vì thường tổ chức lễ hội, dâng hương, dâng các sản vật do chính người dân làm ra lên Đức Thánh để tri ân công đức của Ngài và cầu cho mưa thuận gió hòa, nhân cường, vật thịnh, dân sinh ấm no, gia đình hạnh phúc", ông Nguyễn Đức Anh nói.
Ngay sau lễ dâng hương đã diễn ra lễ đúc chuông tại đền Trung. Đây là hạng mục nằm trong dự án tôn tạo đền Trung, được triển khai từ năm 2012 đến nay bằng nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa. Chuông có kích thước cao 2,15m, đường kính 1,08m, nặng 968kg, bằng chất liệu đồng đỏ.
Chuông đồng được thiết kế bốn mặt Xuân - Hạ - Thu - Đông, tượng trưng cho bốn mùa của thiên nhiên, thời tiết và lễ hội truyền thống của dân tộc, tạo nên một vòng tuần hoàn trọn vẹn. Mỗi mùa thỉnh chuông ứng với mỗi mặt mang ước vọng về bốn mùa mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc, mọi việc khởi dựng thành công tốt đẹp.
Việc đúc chuông đồng nhằm bày tỏ lòng thành kính và hoàn thiện các nghi thức tế lễ, thỉnh Đức Thánh các dịp lễ tiết và lễ hội hàng năm.