Về phía Bộ Y tế có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cùng đoàn công tác. Về phía tỉnh Hà Tĩnh có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh Trần Thế Dũng; Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải...
Bày tỏ lòng biết ơn trước những công lao, đóng góp to lớn của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đối với dân tộc, Đoàn công tác của Bộ Y tế nguyện hứa sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy những giá trị mà Đại danh y đã để lại cho nền y học và văn hóa nước nhà.
Những ngày này, nhân Kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-2024), tại khu mộ (thôn Hải Thượng, xã Sơn Trung) và khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông (thôn Bảo Thượng, xã Quang Diệm) có hàng trăm đoàn khách tới dâng hương tưởng nhớ Đại danh y Lê Hữu Trác.
Ông Nguyễn Trọng Tùng, trú tại TP. Hà Tĩnh chia sẻ: “Hôm nay cùng với gia đình đến thăm và thắp hương tại tại khu mộ và khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông, tôi vô cùng xúc động và tự hào. Đây không chỉ là dịp để bày tỏ lòng thành kính trước công lao to lớn của Đại danh y mà còn là cơ hội để hậu thế chiêm nghiệm, học hỏi về những phẩm chất đạo đức cao quý, hết lòng vì người dân của ông”.
Đặc biệt, với học sinh, được tới thắp hương, tưởng nhớ Hải Thượng Lãn Ông là dịp để các em thêm hiểu biết về Đại danh y, vun đắp lòng tự hào trước tài đức và những đóng góp của tiền nhân.
Không chỉ dâng hương tưởng niệm, người dân cũng đến tìm hiểu các chuyên đề về cuộc đời và sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông cùng các sản vật, sản phẩm OCOP của huyện Hương Sơn tại khu mộ (xã Sơn Trung); tham quan các hạng mục công trình thuộc khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông (xã Quang Diệm).
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là một lương y tài đức vẹn toàn, một trí thức bậc thầy, một nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam thế kỷ XVIII. Đại danh y đã để lại cho hậu thế những di sản quý giá về y học, văn học, văn hóa, khoa học... Việc UNESCO vinh danh Danh nhân Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là sự ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của cá nhân Đại danh y đối với xã hội, cộng đồng. Qua đó, giúp thế giới nhận diện và tôn vinh những đóng góp to lớn của nền y học cổ truyền Việt Nam trên bản đồ y học quốc tế.
Lê Hữu Trác (1724-1791), quê ở làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương, nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên). Thân phụ ông là cụ Lê Hữu Mưu (1675-1739), từng đỗ tiến sỹ và làm quan đến chức Hữu thị lang Bộ Công. Thân mẫu là bà Bùi Thị Thưởng, con gái Tướng công Bùi Diệm Đăng, quê ở xứ Bàu Thượng, xã Tình Diệm, huyện Hương Sơn, nay là xã Quang Diệm (Hương Sơn, Hà Tĩnh). Lê Hữu Trác là người có tư chất thông minh, ông từng đậu Tam trường, sau đó tiến thân bằng con đường binh nghiệp. Tuy nhiên, sau khi xông pha trận mạc, ông cảm thấy không phù hợp. Năm 1746, lấy cớ anh trai mất, ông rời quân ngũ trở về quê ngoại Hương Sơn để phụng dưỡng mẹ già. Tại đây, Lê Hữu Trác đã dành phần đời còn lại chuyên tâm nghiên cứu y thuật, chữa bệnh cứu người.
Sinh thời, Hải Thượng Lãn Ông là vị Đại danh y không chỉ có tài năng lỗi lạc trong chữa bệnh cứu người, mà hễ có người dân nào đau ốm, bệnh tật cầu đến ông thì bất kể giàu, nghèo, sang, hèn, ông đều tận tâm, tận lực cứu chữa… Đạo hạnh của Hải Thượng Lãn Ông có thể xem như một sự hóa thân làm bồ tát cứu độ chúng sinh của Phật Dược Sư. Vì thế, tại chùa Tượng Sơn (xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn), ông được thờ như một vị phật.
Cuối tháng 11.2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký quyết định công nhận khu mộ và khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (huyện Hương Sơn) là di tích Quốc gia đặc biệt.