Đảng cộng sản Việt Nam đã hình thành một hệ thống các quan điểm cơ bản về công cuộc đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội
* Nhân dân Việt Nam rất tự hào và kính trọng khi nhắc đến Phidel và nhân dân Cuba Như tin đã đưa, trong khuôn khổí chuyến thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Cuba của TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG, Tổng bí thư đã trả lời phỏng vấn Báo Granma, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba. Tổng bí thư nhấn mạnh: Điều kiện mỗi nước có khác nhau, hoàn cảnh lịch sử có khác nhau, nhưng chúng ta có rất nhiều điểm tương đồng. Không có lý do gì mà quan hệ của hai Đảng không phát triển trong thời gian tới. Qua chuyến thăm lần này, hai bên đã thống nhất sắp tới sẽ tiếp tục tăng cường trao đổi, gặp gỡ cấp cao. Trao đổi kinh nghiệm vô cùng quan trọng. Sắp tới sẽ tiến hành những hội thảo lý luận của Đảng giữa hai nước chúng ta. ĐBND trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Granma: Xin chào Tổng bí thư! Trước hết chúng tôi xin cảm ơn Tổng bí thư đã dành thời gian để trả lời phỏng vấn Báo Granma. Chúng tôi đã chuẩn bị câu hỏi, nhưng xin phép hỏi Tổng bí thư một sự kiện vừa mới xảy ra trước cuộc phỏng vấn này, đó là cuộc gặp của Tổng bí thư với Lãnh tụ Phidel Castro?
TBT Nguyễn Phú Trọng: Tôi vừa mới ở chỗ đồng chí Phidel về đến đây. Cuộc gặp diễn ra gần 2 tiếng đồng hồ. Nếu còn thời gian thì chắc là vẫn tiếp tục, nhưng phải về để trả lời phỏng vấn các đồng chí. Tôi thấy đồng chí Phidel khỏe hơn lần trước tôi gặp, tháng 9.2010. Cuộc gặp rất thân tình và thú vị, như là anh em thân thiết trong nhà, không nghi lễ. Đồng chí gợi cho chúng tôi những điều rất cần phải suy nghĩ, không chỉ nói về chính trị mà nói nhiều về nghiên cứu khoa học. Rất say sưa. Đồng chí cũng gợi lại những kỷ niệm rất sâu sắc khi sang thăm Việt Nam năm 1973, những kỷ niệm đối với đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp; những ngày ở thành cổ Quảng Trị nóng như thế nào và đã gặp những ai? Và đồng chí nói, trong bài phát biểu của tôi tại cuộc mittinh ở cầu cảng Hải Phòng có nhắc đến những lời của đồng chí. Tình cảm của Lãnh tụ Phidel với Việt Nam rất sâu nặng.
![]() | |
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời phỏng vấn Báo Granma | Ảnh: Trí Dũng |
Tôi đến đã thấy đồng chí để trên bàn bài nói chuyện của tôi tại Trường Đảng cao cấp Nico Lopez. Đồng chí nói đã đọc ngay và in bài nói chuyện cỡ chữ to thành 41 trang; hỏi tôi có bao nhiêu người dự, thành phần có những ai, ở ngoài trường đến dự có đông không?... Rất cụ thể. Đồng chí còn nói, bài mà tôi nói chuyện tại Trường Đảng cao cấp Nico Lopez rất hay, làm sáng tỏ nhiều vấn đề. Tôi nói với đồng chí là sau khi phát biểu xong, có ba người đặt câu hỏi thì đồng chí hỏi ngay là họ hỏi về vấn đề gì? Tôi cũng nói, sau khi trả lời tất cả các câu hỏi thì các bạn vỗ tay nhưng không hiểu có tán thành thật không? Đồng chí trả lời: người ta vỗ tay tán thành hay không thì cũng biết ngay thôi, nhưng mà người ta tán thành đấy.
Đồng chí cũng nói, tôi theo dõi đồng chí suốt từ hôm qua đến giờ, và biết hôm qua tôi có xuống thăm tỉnh nông nghiệp Pinar del Rio. Đồng chí còn hỏi, Việt Nam bây giờ làm nông nghiệp thế nào, trồng những cây gì, năng suất bao nhiêu, xuất khẩu thế nào, có hợp tác xã không…? Rất cụ thể. Đồng chí cũng thẳng thắn bày tỏ, việc tôi nói ở Trường Đảng cao cấp Nico Lopez là rất cần thiết và rất đúng.
Kể những câu chuyện như thế để muốn toát lên tinh thần là: Lãnh tụ Phidel vẫn rất sáng suốt, minh mẫn, nghiên cứu rất sâu, rất kỹ với một tư duy và phương pháp luận cụ thể. Tôi nghĩ những người lãnh đạo, những người làm công tác nghiên cứu, hay bất cứ công việc gì đều phải có tư duy rất cụ thể này, chứ không nên chung chung. Tinh thần rất thiết thực. Cuối cùng đồng chí nắm tay và nói hôm nay tôi rất vui.
Đồng chí Tổng biên tập Granma hỏi về cuộc gặp với Phidel thì tôi nói những chuyện cụ thể - cũng phải với tư duy cụ thể.
Trong cuộc gặp, tôi có nói với Lãnh tụ Phidel rằng, đối với nhân dân Việt Nam, mỗi khi nhắc đến đồng chí Phidel và nhân dân Cuba đều rất kính trọng, rất tự hào.
Granma: Chúng tôi rất quan tâm đến chính sách đổi mới của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, tại Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản Cuba lần thứ VI (tháng 4.2011) và Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Cuba (tháng 1.2012) đã vạch ra đường lối cập nhật hóa mô hình kinh tế, có nhiều điểm khá giống với Việt Nam. Xin Tổng bí thư cho biết, đường hướng, chính sách mà Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã vạch ra nhằm tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ của đường lối đổi mới trong thời gian tới? Và qua đó chúng tôi có thể học hỏi được từ đường lối, chính sách của Việt Nam để triển khai công việc ở đất nước chúng tôi?
TBT Nguyễn Phú Trọng: Những điều tôi nói ở Trường Đảng cao cấp Nico Lopez là tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của chúng tôi. Xin nhấn mạnh thêm: quá trình hình thành nên đường lối, chính sách đổi mới không hề đơn giản. Để có được đường lối đổi mới như ngày nay, tập trung gần đây nhất là tại Nghị quyết Đại hội XI của Đảng chúng tôi, Việt Nam đã phải trải qua một thời gian rất dài.
Nếu gọi là đổi mới tính từ năm 1986 – đấy là đổi mới toàn diện. Còn tính ra trước đó, từ những năm cuối của thế kỷ XX cho đến Đại hội XI vừa qua, là tròn 30 năm. Giai đoạn từ 1981 – 1986, chúng tôi gọi là tiền đổi mới. Và phải trải qua những bước thử nghiệm, tổng kết thực tiễn, tổng kết lý luận, làm từng việc một, rồi dần dần mới hình thành ra được đường lối đổi mới năm 1986 tại Đại hội VI.
Tôi chỉ lấy hai ví dụ, trong nông nghiệp để có được sản lượng lúa 47 triệu tấn của năm 2011, thì phải từ năm 1980 – 1981 khi chúng tôi đưa ra Chỉ thị Khoán 100, giao khoán cho nông dân, mới bắt đầu cởi mở trong nông nghiệp. Đến sau Đại hội VI, năm 1987, Bộ Chính trị mới có Chỉ thị, gọi là Khoán 10, rất nhanh chóng đi vào cuộc sống. Lúc đó nông nghiệp mới bung ra và phát triển được. Cho nên đến năm 1988, chúng tôi vẫn phải nhập khẩu 50 – 60 vạn tấn gạo nhưng đến năm 1989, Việt Nam đã có gạo đủ ăn ở trong nước, lại còn xuất khẩu được 1 triệu tấn gạo. Hay trong công nghiệp, năm 1981 – 1982, Chính phủ mới có Nghị định để làm kế hoạch ba phần, đã hạn chế dần từng bước tập trung quan liêu, giao quyền cho doanh nghiệp, bằng Chỉ thị 25, 26 nổi tiếng trong công nghiệp.
Trong thành phần kinh tế và quan hệ sản xuất, đến năm 1986, chúng tôi chưa dám nói sản xuất hàng hóa, chưa dám nói cơ chế thị trường. Mãi đến năm 1991, chúng tôi mới bắt đầu phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Lúc bấy giờ chưa gọi là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong quan hệ đối ngoại, chúng tôi đã bị Mỹ bao vây cấm vận hơn 20 năm, mãi đến năm 1991 cũng mới tuyên bố Việt Nam sẵn sàng là bạn của tất cả các nước, vì hòa bình, độc lập và phát triển mà lúc này cũng chưa nói hội nhập, sau này mới nói hội nhập từng bước một. Nói hội nhập thì mới đầu là hội nhập kinh tế, dần dần mới nói đến tích cực và chủ động hội nhập kinh tế. Và cho đến gần đây, tại Đại hội XI mới nói là hội nhập quốc tế, chứ không chỉ nói hội nhập kinh tế quốc tế.
Hay trong xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, lúc đầu chúng tôi cũng chỉ nói Đảng là của giai cấp công nhân Việt Nam. Qua nhiều lần thảo luận và nhiều Đại hội thì gần đây chúng tôi mới nói, Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng của giai cấp công nhân Việt Nam, nhưng đồng thời là của nhân dân lao động và của cả dân tộc. Trước đây chúng tôi chỉ nói Nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân và mãi đến năm 1995, mới nói xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Xin gợi một vài ví dụ để nói rằng, để xây dựng và hình thành đường lối đổi mới của Đại hội XI của Đảng, chúng tôi phải trải qua quá trình rất dài, rất khó khăn, phức tạp trong đổi mới tư duy. Đây là cuộc đấu tranh gian khổ trong tư duy chung và tư duy mỗi con người. Qua tiếp xúc với các đồng chí Cuba, tôi thấy nhiều đồng chí nhắc đến đổi mới tư duy, không chỉ ở trên Trung ương mà cả xuống cơ sở cũng thấy nói về đổi mới tư duy.
Đến nay, có thể nói, đường lối đổi mới của chúng tôi đã hình thành suốt 30 năm qua và đến Đại hội XI thì đã hình thành một hệ thống các quan điểm cơ bản về công cuộc đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Còn nội dung đường lối đổi mới là gì – thì trong bài nói tại Trường Đảng cao cấp Nico Lopez đã nêu - xin không nhắc lại. Mục tiêu chung của chúng tôi là từ nay đến giữa thế kỷ XXI, Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Còn cụ thể thì đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trong Chiến lược của chúng tôi giai đoạn 2011 - 2020 đã xác định 3 khâu đột phá để thực hiện mục tiêu trên. Đó là kết cấu hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực và cải cách thể chế.
Granma: Thưa Tổng bí thư, Đảng Cộng sản Cuba và Đảng Cộng sản Việt Nam có quan hệ đoàn kết, hữu nghị tốt đẹp. Xin Tổng bí thư cho biết những triển vọng hợp tác giữa hai Đảng và nhân dân hai nước?
TBT Nguyễn Phú Trọng: Như chúng ta biết, hai Đảng chúng ta đều là hai đảng cộng sản, đều được tổ chức ra và hình thành nên trong quá trình đấu tranh cách mạng. Đây là kết quả của quá trình vận động cách mạng, sáp nhập từ nhiều tổ chức lại mà thành. Việt Nam cũng thế mà Cuba cũng vậy. Ở Việt Nam, Đảng Cộng sản ra đời năm 1930, còn Cuba thì tôi nhớ chính thức là năm 1965. Ngày nay, hai đảng chúng ta đều trở thành đảng cầm quyền và cùng xây dựng chủ nghĩa xã hội, và chỉ có một đảng lãnh đạo. Chúng ta đều kế thừa những tư tưởng độc lập dân tộc của Cha ông, của truyền thống kết hợp với chủ nghĩa Mác – Lênin và đều là những dân tộc anh hùng, kiên cường trong đấu tranh cách mạng. Hai đảng chúng ta có quan hệ hợp tác rất sớm, nhiệm vụ cách mạng lại giống nhau, cho nên một cách tất yếu khách quan, chúng ta có mối quan hệ chặt chẽ. Và trong thực tế, chúng ta thường xuyên gặp gỡ để trao đổi kinh nghiệm, cùng phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo, kể cả trong quan hệ song phương cũng như trên các diễn đàn đa phương quốc tế.
Việt Nam vừa tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Cuba vừa tiến hành Đại hội lần thứ VI trong cùng một năm (năm 2011). Sau Đại hội XI, chúng tôi đã cử phái viên sang báo cáo về tình hình Đại hội của Đảng chúng tôi với các đồng chí Cuba. Việt Nam tiến hành Hội nghị Trung ương 4 bàn chuyên đề về xây dựng Đảng thì Đảng Cộng sản Cuba tổ chức Hội nghị toàn quốc của Đảng, cũng bàn về xây dựng Đảng. Việt Nam đang tiến hành đường lối đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội. Cuba đang thực hiện chiến lược cập nhật hóa mô hình kinh tế đi lên chủ nghĩa xã hội.
Điều kiện và hoàn cảnh lịch sử mỗi nước có khác nhau, nhưng chúng ta có rất nhiều điểm tương đồng. Không có lý do gì mà quan hệ của hai Đảng không phát triển trong thời gian tới. Qua chuyến thăm lần này, hai bên đã thống nhất sắp tới sẽ tiếp tục tăng cường trao đổi, gặp gỡ cấp cao và tiến hành những hội thảo lý luận giữa hai Đảng, hai nhà nước.
Granma: Xin trân trọng cảm ơn sự chia sẻ của Tổng bí thư. Xin được chuyển đến nhân dân Việt Nam lời chào và chúc chuyến thăm của Tổng bí thư thành công và đạt nhiều kết quả tốt đẹp.