Đan Phượng phát triển nông nghiệp công nghệ cao

ĐÀO CẢNH 16/08/2016 08:27

Ngay sau khi về đích nông thôn mới (NTM), huyện Đan Phượng, Hà Nội đã tập trung đẩy mạnh sản xuất, đặc biệt là phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên các vùng rau, hoa, cây ăn quả và chăn nuôi để nâng thu nhập cho nông dân.

Nỗ lực ứng dụng công nghệ

Với chủ trương đẩy mạnh ứng dụng KHCN, coi đó là động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển, góp phần tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập của nông dân, trong những năm qua, huyện Đan Phượng đã triển khai nhiều dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, thu hút doanh nghiệp (DN) và hộ gia đình tham gia.

Đan Phượng đã bước đầu tiếp cận và làm chủ quy trình kỹ thuật canh tác các giống hoa thông thường, hoa cao cấp bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào và một số chế phẩm sử dụng trong phòng trừ dịch bệnh hại cây trồng tại các xã Hạ Mỗ, Đan Phượng, Song Phượng, Đồng Tháp...; đã ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý chất thải tại trang trại chăn nuôi bằng chế phẩm Bio-Mix 1, Bio - Mix 2 và bằng phương pháp hầm Biogas tại các hộ chăn nuôi lớn tại xã Trung Châu, Phương Đình.

Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tất Thắng tham quan mô hình nuôi cấy mô tại Trung tâm ứng dụng công nghệ cao
Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tất Thắng tham quan mô hình nuôi cấy mô tại Trung tâm ứng dụng công nghệ cao

Theo chân Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Tất Thắng tham quan khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Phương Đình chúng tôi thấy được nỗ lực và quyết tâm xây dựng và phát triển nền nông nghiệp tiên tiến của tập thể lãnh đạo và nhân dân toàn huyện. Đây là dự án có quy mô lớn, với diện tích 4ha, tổng mức đầu tư 165 tỷ đồng, đang tập trung sản xuất giống hoa lan hồ điệp. Đội ngũ nhân viên có trình độ cao trực tiếp tham gia vào quá trình ươm giống, tách mô và nuôi cấy trong điều kiện nhiệt độ, ánh sáng thích hợp nhằm đáp ứng nhu cầu sinh trưởng tốt nhất cho giống lan hồ điệp. Trao đổi với phóng viên, Trưởng ban Quản lý Dự án Dương Đình Thông cho biết: “Đan Phượng đã có rất nhiều dự án, mô hình về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, tuy nhiên, đây là một trong những mô hình mà chúng tôi thực hiện toàn bộ các thao tác từ ươm giống, nuôi cấy, thu hoạch đến tiêu thụ sản phẩm. Như vậy, chúng tôi có thể chủ động tạo ra những giống hoa chất lượng cao, quyết định được màu sắc, chủng loại, kích thước”.

Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tất Thắng cho biết, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Phương Đình với năng suất 3 - 4 triệu cây/năm là bước đệm để chuẩn bị cho mô hình nông nghiệp công nghệ cao lớn hơn với quy mô 22ha. Trong tương lai, các hộ sản xuất, HTX và nhiều đơn vị chuyên về hoa lan hồ điệp sẽ không phải nhập giống từ Đài Loan (Trung Quốc), từ đó giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập cho người trồng hoa. “Với quy trình bài bản đó, Đan Phượng tin tưởng sẽ có sản phẩm hoa đáp ứng thị trường Việt Nam và xuất khẩu sang thị trường châu Âu” - Bí thư Huyện ủy chia sẻ. 

Khó thu hút đầu tư

 Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Tất Thắng cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đầu tư về hạ tầng, thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đầu tư cho nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, DN đầu tư vào nông nghiệp. Bên cạnh đó, khuyến khích nông dân đầu tư phát triển nông nghiệp, tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp, góp phần làm cho bức tranh NTM thêm tươi sáng.

Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa, nấm, lúa... đã giúp không ít gia đình tại Đan Phượng vươn lên làm giàu, đóng góp lớn vào quá trình xây dựng NTM. Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Tịnh cho biết, từ khi bắt tay vào xây dựng NTM, huyện đã tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Theo đó, toàn bộ diện tích trồng lúa và trồng rau màu kém hiệu quả đã được chuyển đổi, hình thành các vùng trồng hoa tập trung mang lại hiệu quả cao. Trên địa bàn huyện có nhiều mô hình trồng hoa ly với thu nhập lên đến hàng tỷ đồng. Ngoài ra, rất nhiều mô hình làm nấm, mộc nhĩ cũng mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Ông Tịnh cũng cho hay, những năm gần đây, các dự án ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đã tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương với mức thu nhập 5 -6 triệu đồng/tháng; đồng thời, đóng góp nguồn vốn xã hội hóa vào xây dựng các công trình dân sinh, góp phần vào thành công của chương trình xây dựng  NTM.  Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất hoa lan hồ điệp chất lượng cao tại xã Đan Phượng” đã góp phần nâng cao nhận thức về sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, tạo ra mô hình sản xuất hoa cao cấp, cho doanh thu đạt 4 - 5 tỷ đồng/ha/năm.

Dù đã được huyện Đan Phượng chú trọng, quan tâm và nỗ lực lớn, tuy nhiên, việc thu hút và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao đến từng hộ nông dân vẫn còn nhiều khó khăn. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tất Thắng cho biết, sản xuất chất lượng cao yêu cầu kỹ thuật chăm sóc rất tỉ mỉ, hệ thống nhà vườn phải được đầu tư bài bản, do đó cần vốn lớn và lao động trình độ kỹ thuật cao. Bởi vậy, người dân chưa “mạnh dạn” đầu tư để thay đổi. Còn đối với các DN, nhà đầu tư, Bí thư Huyện ủy cho rằng, hiện nay, giá cho thuê đất tương đối cao, việc giải phóng mặt bằng cũng còn khá nhiều vướng mắc, khiến cho việc thu hút đầu tư chậm trễ.

Phó Trưởng phòng Kinh tế Nguyễn Hữu Tịnh cho rằng, khi nông dân cho thuê đất thì sẽ thiếu việc làm. Do đó phải bảo đảm quyền lợi cho nông dân khi tham gia mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện để người nông dân là công nhân với thu nhập cao trên chính mảnh ruộng của họ.Phát triển nông nghiệp là một trong 3 nội dung lớn của Chương trình 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020” của Thành ủy Hà Nội. Huyện Đan Phượng đã và đang nỗ lực để tiếp tục là cánh chim đầu đàn trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Thủ đô.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đan Phượng phát triển nông nghiệp công nghệ cao
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO