Hành trình của “bốn cậu T.”
Những ngày hè thu năm 1958, “bốn năm sau tắt tiếng thần công lịch sử” (chữ dùng của Nguyễn Tuân), Nguyễn Huy Tưởng cùng các văn nghệ sĩ Nguyễn Tuân, Văn Cao, Nguyễn Văn Tý, Lưu Quang Thuận lên đường đi thực tế Điện Biên. Các ông vừa qua một cuộc đấu tranh tư tưởng trong văn nghệ kéo dài đằng đẵng chẳng vui vẻ gì. Giờ được “tháo cũi xổ lồng”, ai nấy đều hào hứng, như được trở về với những chuyến đi công tác, đi chiến dịch hồi kháng chiến chín năm.
Không phải các ông không biết những khó khăn, gian khổ trước mắt. Điện Biên xa xôi cách trở. Bị chiến tranh tàn phá. Bị bỏ hoang suốt bấy nhiêu năm. Khắp nơi chỉ cây dại, cỏ hoang, những bãi mìn giặc gài lại, những quả bom chưa nổ hết mà nhiều khi người dân đi kiếm củi, hay trâu nhà thả rông giẫm phải vẫn phát nổ, không bị chết cũng mất chân. Giờ bộ đội lên kiến thiết xây dựng lại cũng chỉ mới bắt đầu…
Dẫu sao mặc lòng, đó cũng chính là những thực tế mà các ông muốn dấn mình, những thử thách mà các ông quyết vượt qua để thể hiện tấm lòng mình trước Đảng và nhân dân. Rằng trước sau các ông luôn là những chiến sĩ trên mặt trận văn nghệ! Rằng các ông đâu phải những văn nghệ sĩ sống trong tháp ngà, không cần biết đến thực trạng đất nước.
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Nhà xuất bản Trẻ xuất bản cuốn “Bốn năm sau và những trang viết về Điện Biên” của Nguyễn Huy Tưởng, do con trai nhà văn - Nguyễn Huy Thắng - biên soạn và chú dẫn. Tập sách gồm tiểu thuyết Bốn năm sau; những trang nhật ký của ông trong thời gian 4 tháng ở Điện Biên; và thư từ giữa ông với người thân, bạn bè, cán bộ, chiến sĩ... thấm đẫm tâm sự về Điện Biên. Cùng với đó là những bức ảnh Hoàng Thúy Toàn chụp “bốn ông T.” khi mới tới Điện Biên.
Ngày 30.7, đoàn hào hứng lên đường chưa hẹn ngày trở lại. Chẳng may, mới đến Mộc Châu, Văn Cao bị rách dạ dày, phải mổ cấp cứu, không tiếp tục chuyến đi được nữa. Đoàn còn lại bốn người mà theo cách gọi của kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện trong bức thư gửi Nguyễn Huy Tưởng ở Điện Biên, là “bốn cậu T.” (Tưởng, Tuân, Tý, Thuận). Vô hình trung, cách gọi ấy đã gợi đúng tính chất cùng hội cùng thuyền của nhóm các ông. Hay còn được nói rõ trong bức thư của tổ trưởng Nguyễn Huy Tưởng gửi Nguyễn Xuân Sanh về tổ của mình: “không có những vấn đề đấu tranh tư tưởng”, “nhất trí với nhau về nhiều vấn đề”, “không phải đối phó với nhau nên có nhiều phấn khởi”…
Những tháng ở Điện Biên, các ông được phân công mỗi người về một đơn vị. Như Nguyễn Huy Tưởng được phân về c17, còn gọi là Đại đội vườn ươm; Lưu Quang Thuận xuống nông trường… Thật may trong mấy ngày các ông mới lên, còn ở một chỗ với nhau, có một thanh niên từ Hà Nội lên mang theo chiếc máy ảnh. Anh là sinh viên đang theo học ở Liên Xô, nghỉ hè được về thăm gia đình, đã kết hợp lên chơi với anh trai là bộ đội đang công tác ở Điện Biên để biết đất lịch sử. Hoàng Thúy Toàn, tên người sinh viên ấy - vâng, chính là dịch giả Thúy Toàn được nhiều người biết đến sau này - đã không bỏ lỡ cơ hội đến chào các văn nghệ sĩ nổi tiếng mà mình ngưỡng mộ. Và anh đã xin được nhập đoàn, theo hầu các ông trong mấy ngày còn ở chơi. Với chiếc máy ảnh Liên Xô thuộc loại rẻ tiền nhất, anh đã chụp được những bức ảnh quý giá, ghi lại hình ảnh những Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Văn Tý, Lưu Quang Thuận đi thăm hầm Đờ Cát, đứng trên đồi A1 còn nguyên vẻ chiến trường xưa…
Những điều mắt thấy, tai nghe và cả “một chút ít tay làm”
Xuống đơn vị, Nguyễn Huy Tưởng cùng sinh hoạt, ăn, ở, tham gia lao động sản xuất như mọi thành viên khác của đại đội. Ông cùng làm giàn cho cây su su leo, cùng các chiến sĩ đi Mường Pồn lấy giống cam ngon nổi tiếng về ươm trồng... Tối đến, khi mọi người đã yên ngủ để mai lao động tiếp, ông lại chong đèn ngồi viết trên một thứ bàn dã chiến đóng bằng tre. Khi là những trang nhật ký ghi lại những gì đã trải qua trong ngày; khi là những bức thư gửi bạn bè ở Hà Nội; khi là một bài cho báo, cho đài về thực tế lao động mà mình và anh em trong tổ đang trải qua ở Điện Biên. Và cũng nghiêm túc và trách nhiệm như thế, ông viết nhận xét, hướng dẫn cách viết tin cho chiến sĩ Thành, hay gợi ý cho chiến sĩ Hùng Mạnh về một vở kịch anh chàng đang dựng, để đại đội lấy làm tiết mục tham gia hội diễn Sư đoàn…
Mặt khác, Nguyễn Huy Tưởng cũng rất chú trọng tìm hiểu, lấy tư liệu về đất và người Điện Biên. Cùng Nguyễn Tuân, ông đi bộ hàng chục kilomet thăm Bản Phủ, Tây Trang; lên tận xã Nà Ư trên sườn núi cao thăm bà chủ tịch người Mèo để có được những trải nghiệm sống động cùng người dân nơi đây. Ông cũng đi thăm những gia đình có hoàn cảnh éo le, như người dưới xuôi lên làm ăn sinh sống bỏ lại quê hương bản quán; người dân sở tại bị mất hết nhà cửa do đạn bom; chia sẻ nỗi đau mất mát với người nhà những nạn nhân bị bom mìn…
Đặc biệt, ông dành nhiều thời gian tìm hiểu về bộ đội, quan tâm các khía cạnh đời sống và công việc của các chiến sĩ lên xây dựng lại Điện Biên, những chủ thể của công cuộc kiến thiết nơi đây mà cũng là đối tượng ông mong muốn thể hiện trong các sáng tác của mình. Tất cả được ghi lại tỉ mỉ, lấp đầy hai cuốn sổ dày ông mang theo cho đến khi trở về Hà Nội để kịp kỳ họp Quốc hội.
Kết quả tức thời của chuyến đi, với Nguyễn Huy Tưởng chắc chắn là không tồi. Từ những chuyện mắt thấy, tai nghe và cả “một chút ít tay làm” như chính lời ông; từ những tư liệu thu thập được qua công phu tìm hiểu, nắm bắt vấn đề; và nhất là từ những tâm tình, gửi gắm của chiến sĩ, đồng bào Điện Biên, Nguyễn Huy Tưởng đã viết nên những trang văn đầy hào hứng, chí tình, như Thực tế ở Điện Biên, Chiết cam Mường Pồn (bút ký), Điện Biên Phủ của chúng em (sách thiếu nhi), Bốn năm sau (tiểu thuyết)…
Có thể với thời gian, cuộc sống đặt ra nhiều vấn đề mới, chi phối đời sống văn học và định lại nhiều giá trị một thời. Song thiết nghĩ, những trang viết nồng nhiệt, chân thành của Nguyễn Huy Tưởng về Điện Biên vẫn luôn đem đến cho người đọc cảm xúc tốt đẹp. Ngày hôm nay, trong không khí kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ta càng thấy quý tấm lòng của nhà văn với mảnh đất chiến trường xưa, ngay khi nó còn ngổn ngang, “lẫn lộn giữa hoang vu và bàn tay người, giữa gian khổ và cố gắng” (nhật ký Nguyễn Huy Tưởng, 22.8.1958); càng trân trọng cái nhìn tích cực của ông, khi tin chắc: “sự nghiệp kiến thiết Điện Biên có một sức hấp dẫn lạ lùng”(thư gửi Tố Hữu, tháng 10.1958).