Đan Mạch thúc đẩy luật bản quyền gương mặt để chặn đứng nạn deepfake
Bộ Văn hóa Đan Mạch vừa đề xuất một dự luật mới nhằm giải quyết nguy cơ tiềm ẩn từ công nghệ deepfake bằng cách cấp cho công dân "bản quyền" hình ảnh và giọng nói của mình.
Bộ trưởng Văn hóa Đan Mạch Jakob Engel-Schmidt giải thích, dự luật được đề xuất nghiêm cấm sử dụng hình ảnh hoặc giọng nói của một cá nhân mà không có sự đồng ý của họ; cho phép người dân khi phát hiện các đặc điểm của họ bị sử dụng để tạo ra nội dung deepfake, có quyền yêu cầu các nền tảng đang lưu trữ nội dung này gỡ bỏ; thậm chí có quyền yêu cầu bồi thường. Bản quyền hình ảnh này sẽ không áp dụng cho hoạt động vẽ châm biếm hoặc minh họa, nhưng cấm cụ thể việc sử dụng deepfake trong các buổi biểu diễn nghệ thuật. Luật này sẽ chỉ có hiệu lực trong phạm vi Đan Mạch.

Sáng kiến lập pháp này được đưa ra sau các sự cố liên quan đến việc phát tán video giả mạo Thủ tướng Đan Mạch và các nỗ lực pháp lý để xử lý những đối tượng sử dụng hình ảnh thật của người dân, đặc biệt là những người nổi tiếng để tạo ra video deepfake khiêu dâm.
Dự luật nói trên đã được các đảng trong Quốc hội Đan Mạch ủng hộ và nhiều khả năng sẽ được Quốc hội nước này thông qua vào mùa thu năm nay. Nếu được thông qua, đây sẽ là một bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống lại công nghệ deepfake. Công nghệ này sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo nên một bản sao số giống người thật về ngoại hình và giọng nói, thường bị lợi dụng cho các mục đích xấu.
Bộ trưởng Engel-Schmidt bình luận rằng, "công nghệ hiện đã vượt xa luật pháp" và dự luật được đề xuất sẽ giúp bảo vệ nghệ sĩ, người của công chúng và cả người dân khỏi hành vi trộm cắp danh tính kỹ thuật số, điều mà giờ đây có thể thực hiện được chỉ bằng vài cú nhấp chuột nhờ sức mạnh của AI tạo sinh. Ông đưa ra ví dụ về các nghệ sĩ âm nhạc đã phát hiện các bài hát trực tuyến được cho là của họ, nhưng thực chất lại được tạo ra bằng cách sử dụng bản sao giọng nói do AI. Danh ca người Canada Celine Dion hồi tháng 3 đã cảnh báo người hâm mộ về nội dung do AI tạo ra có sử dụng giọng nói và hình ảnh giống cô đang lan truyền trên mạng. Trước đó, hơn 200 nghệ sĩ đã ký một bức thư ngỏ lên tiếng phản đối các mối đe dọa liên quan đến AI trong ngành công nghiệp âm nhạc.
Bà Athina Karatzogianni, chuyên gia tại Đại học Leicester, Anh, cho biết, đề xuất của Đan Mạch là một trong hàng trăm sáng kiến chính sách trên toàn thế giới nhằm giảm thiểu những tác hại tiềm ẩn từ việc lạm dụng AI tạo sinh. Theo bà, nội dung deepfake vừa xâm hại quyền cá nhân, vừa tạo ra tác động chính trị - xã hội, xói mòn các giá trị nền tảng của một nền dân chủ, như bình đẳng và minh bạch.
Sau bước đi đầu tiên này, Chính phủ Đan Mạch dự kiến thúc đẩy thêm một đạo luật nhằm áp dụng mức phạt đối với các công ty không tuân thủ yêu cầu xóa nội dung deepfake được tạo ra bởi công nghệ trí tuệ nhân tạo.