Dân không phải chịu thuế giá trị gia tăng đầu ra thì không được khấu trừ thuế đầu vào cho doanh nghiệp

Thái Minh 29/04/2020 21:28

Tôi đồng tình nhiều nội dung của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế. Vì có những nội dung khi QH sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tài nguyên..., Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi nhưng khi đó, Chính phủ chưa tiếp thu. Lý do là chưa tổng kết được và chưa chắc chắn. Có những nội dung Ủy ban đề xuất thì chỉ 6 tháng sau Chính phủ lại kiến nghị QH sửa đổi như Luật Thuế giá trị gia tăng.

Tuy nhiên, một số nội dung của dự thảo Luật phải tính toán thêm, nếu để như dự thảo thì việc thực hiện sẽ khó khăn, tiếp tục gây vướng mắc. Cụ thể, về thuế giá trị gia tăng, Chính phủ đề nghị cho phép khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định của các doanh nghiệp, tổ chức có dự án đầu tư hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa...

Tôi không đồng tình với quy định như trong dự thảo Luật vì 3 lý do. Một là, về mặt nguyên lý của thuế giá trị gia tăng, không có thuế đầu ra thì không được khấu trừ thuế đầu vào. Tất cả những mặt hàng Chính phủ liệt kê trong Tờ trình về y tế, giáo dục, công nghệ... thì Luật Thuế giá trị gia tăng hiện nay đã quy định rõ: không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng. Ví dụ, con em chúng ta đi học trường tư thì học phí không bị tính thuế giá trị gia tăng. Mặt khác, đã gọi là khấu trừ thì phải có ai khấu trừ cho ai. Người tiêu dùng có phải chịu thuế giá trị gia tăng đầu ra của các dịch vụ y tế, giáo dục, khoa học, công nghệ đâu mà Nhà nước lại phải đi khấu trừ thuế đầu vào cho các hàng hóa được mua, nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ này? Quy định như thế là hoàn toàn sai. Hai là, ý của cơ quan soạn thảo là Nhà nước trừ thuế cho doanh nghiệp khi xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm tài sản cố định thì sau này, doanh nghiệp sẽ trừ khoản khấu trừ thuế đó vào giá dịch vụ. Giá dịch vụ là theo thị trường. Nếu có khấu trừ như đề xuất của cơ quan soạn thảo thì cũng không có gì bảo đảm sau này, người dân đi khám, chữa bệnh, con em chúng ta đi học sẽ được trừ đi khoản mà Nhà nước đã trừ cho doanh nghiệp. Ba là, chính sách áp dụng cho đa số. Nhưng thực tế, bây giờ vào bệnh viện tư nhân 1,5-2 triệu đồng/ngày phục vụ thì có phải đa số người dân được phục vụ không hay chỉ có một số rất ít người có điều kiện thôi? Còn chủ yếu, đại bộ phận người dân vẫn đi khám, chữa bệnh ở bệnh viện công, khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế chứ. Tôi đồng ý là phải khuyến khích xã hội hóa nhưng thực chất, nếu chúng ta áp dụng chính sách như vậy thì có bảo đảm được công bằng hay không? Vì thế, không nên quy định theo kiểu vơ đũa cả nắm, cứ hàng hóa mua để tạo tài sản cố định cho xã hội hóa là được khấu trừ thuế giá trị gia tăng. Tôi đồng ý khấu trừ nhưng phải trong trường hợp doanh nghiệp đó đăng ký nộp thuế theo hình thức khấu trừ và sản phẩm, dịch vụ anh cung cấp phải thuộc diện tính thuế giá trị gia tăng đầu ra. Tức là, người dân phải chịu thuế giá trị gia tăng đầu ra thì doanh nghiệp mới được khấu trừ thuế. Dân không phải chịu thuế đầu ra thì không được trừ thuế đầu vào cho doanh nghiệp. Vì nếu trừ thì dân cũng có được hưởng đâu? Phải rành mạch vấn đề đó.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Dân không phải chịu thuế giá trị gia tăng đầu ra thì không được khấu trừ thuế đầu vào cho doanh nghiệp
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO