Dân chủ và trách nhiệm
Sau 3 ngày làm việc khẩn trương và tích cực, với tinh thần dân chủ, trách nhiệm, Kỳ họp thứ Hai, HĐND tỉnh Yên Bái Khóa XVII thực sự là diễn đàn để các đại biểu cùng đánh giá thực tế và bàn giải pháp phát triển KT - XH, nâng cao đời sống dân sinh.
Kỳ họp thứ Hai HĐND tỉnh Yên Bái thật sự sôi nổi khi vào phiên thảo luận. Các đại biểu thẳng thắn đưa ra những ý kiến nhận xét, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ KT - XH 6 tháng đầu năm và cho rằng các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng thực hiện nhiệm vụ, thể hiện qua việc: đẩy mạnh phát triển sản xuất; tăng thu ngân sách; cải cách hành chính; nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy nhà nước; thực hiện tốt các chính sách xóa đói, giảm nghèo. Đặc biệt các cấp, các ngành đã tăng cường bám sát cơ sở giải quyết khó khăn, vướng mắc để ổn định và từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, nhiều đại biểu còn băn khoăn về những chỉ tiêu KT - XH không đạt hoặc đạt thấp so với kế hoạch, trong đó có những chỉ tiêu phải tăng cường chỉ đạo quyết liệt mới hoàn thành kế hoạch đề ra, như: tốc độ tăng trưởng kinh tế; đầu tư xây dựng cơ bản; sản xuất công nghiệp; tổng đàn gia súc chính; tỷ lệ che phủ rừng...
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế tuy đạt 10,86% nhưng các yếu tố đầu vào như vốn huy động, tỷ lệ giải ngân không đạt kế hoạch. Trong lĩnh vực nông nghiệp, các đại biểu cho rằng nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong việc lựa chọn cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Cây chè là sản phẩm chính của tỉnh nhưng việc phát triển ngành chè đang gặp nhiều khó khăn. Sản lượng chè búp tươi giảm 11,9% so với cùng kỳ. Tình trạng sản xuất chè bẩn xảy ra ở nhiều nơi đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín và chất lượng của ngành chè Yên Bái. Các đại biểu đề nghị tỉnh cần có biện pháp xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất và tiêu thụ chè bẩn; đồng thời quan tâm xây dựng thương hiệu chè và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị, ứng dụng công nghệ mới vào quá trình sản xuất và chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm. Về chăn nuôi, đại biểu Nguyễn Tiến Luật (Văn Chấn) cho rằng, Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ trâu bò bị chết do rét đậm, rét hại. Tuy nhiên, các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện chính sách này còn chậm, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện chỉ tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Về phát triển đầu tư, đại biểu các huyện Yên Bình, Trấn Yên phản ánh tiến độ triển khai thực hiện các công trình xây dựng cơ bản còn chậm, chất lượng chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu do công tác chuẩn bị hồ sơ, thẩm định phê duyệt dự án và cấp vốn còn chậm; việc đền bù giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn. Các đại biểu đề nghị UBND tỉnh có giải pháp nâng cao năng lực hoạt động của các công ty tư vấn thiết kế và ban quản lý dự án, nhất là đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng. Về công tác khai thác khoáng sản, đại biểu Giàng A Tông (Mù Cang Chải) cho rằng, công tác quản lý nhà nước về khai thác, chế biến khoáng sản còn nhiều bất cập. Số giấy phép cấp nhiều nhưng số doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả rất thấp (20%). Đặc biệt, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn đang gây bức xúc, nổi lên là tình trạng ô nhiễm môi trường; phá hỏng đường giao thông; sạt lở đất đá, vùi lấp đồng ruộng, ảnh hưởng xấu đến sản xuất và đời sống người dân. Đại biểu đề nghị UBND xem xét lại việc cấp phép đầu tư và có biện pháp xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động khoáng sản.
Về lĩnh vực văn hóa xã hội, nhiều đại biểu cho rằng các chỉ tiêu về giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, xây dựng làng bản, gia đình văn hóa tuy đã đạt kế hoạch nhưng chất lượng chưa cao và chưa bền vững. Đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn. Về lĩnh vực giáo dục - đào tạo, nhiều đại biểu đánh giá chất lượng giáo dục - đào tạo đã từng bước được nâng lên. Tỷ lệ học sinh chuyển lớp, chuyển cấp, đạt giải quốc gia, thi đỗ đại học đều cao hơn so với năm học trước. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục - đào tạo chưa đồng đều giữa các vùng miền. Đặc biệt, ở các xã vùng khó khăn, tỷ lệ học sinh bỏ học vẫn còn ở mức cao; chất lượng phổ cập chưa bền vững. Công tác phổ cập giáo dục mầm non còn nhiều khó khăn. Một số địa phương quy hoạch điểm trường cách khu dân cư quá xa, gây khó khăn cho việc huy động trẻ ra lớp. Chế độ, chính sách đối với giáo viên mầm non còn bất cập, dẫn đến tình trạng nhiều giáo viên chưa yên tâm công tác, thậm chí có người bỏ việc, hoặc xin chuyển đi nơi khác.
Về lĩnh vực y tế, đại biểu Phạm Thị Thanh Trà (TP Yên Bái) phản ánh cơ sở vật chất, trang thiết bị của ngành Y tế còn nhiều khó khăn, nhất là ở tuyến huyện sau khi chia tách, thành lập các cơ quan y tế nhiều nơi chưa có trụ sở làm việc. Mặc dù tỉnh đã có chính sách thu hút cán bộ y tế nhưng chưa đủ mạnh nên hiệu quả thấp (trong 2 năm thực hiện Đề án mới thu hút được 2 cán bộ). Trong khi đó, số cán bộ y tế trình độ cao, chuyển từ các cơ sở y tế công lập ra ngoài công lập và từ trong tỉnh ra ngoài tỉnh đang có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển nguồn nhân lực y tế. Nguyên nhân chính do chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ y tế còn bất cập, môi trường và điều kiện làm việc chưa tốt. Đại biểu đã đề xuất, tỉnh phải nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý tài chính ở các cơ sở y tế; đồng thời có chính sách “giữ chân” đối với đội ngũ cán bộ y tế trình độ cao đang làm việc tại địa phương. Các lĩnh vực khác như giao đất, giao rừng, phát triển tiểu thủ công nghiệp; phòng chống HIV; chính sách đối với cán bộ cơ sở; phát triển hệ thống truyền thanh cơ sở; xây dựng cầu Tuần Quán; quản lý biên chế... cũng được đại biểu bàn thảo và đề xuất nhiều giải pháp khắc phục những bất cập liên quan.
Với tinh thần dân chủ và trách nhiệm, phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ Hai, HĐND tỉnh Yên Bái Khóa XVII thực sự là diễn đàn để các đại biểu cùng đánh giá thực tế và bàn giải pháp phát triển KT - XH, nâng cao đời sống dân sinh.