Triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026

Dân chủ, kỹ lưỡng, đúng luật, đúng tiến độ

- Thứ Tư, 20/01/2021, 06:55 - Chia sẻ
Ngày mai, 21.1, Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Theo đánh giá của Hội đồng Bầu cử quốc gia tại phiên họp vừa qua, công việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử được triển khai khẩn trương, bài bản. Tuy nhiên, khối lượng công việc từ nay đến khi cuộc bầu cử diễn ra vô cùng lớn, đòi hỏi từng cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải chủ động với tinh thần trách nhiệm cao nhất, bảo đảm dân chủ, kỹ lưỡng, đúng pháp luật và đúng tiến độ để cuộc bầu cử thành công tốt đẹp.

Bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 (cuộc bầu cử) được ấn định diễn ra vào ngày Chủ nhật, 23.5 tới, là sự kiện chính trị, có ý nghĩa quan trọng đối với cả nước và từng địa phương để lựa chọn, bầu được những đại biểu ưu tú, đại diện cho Nhân dân cả nước tại Quốc hội Khóa XV, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và các đại biểu đại diện cho Nhân dân địa phương tại HĐND các cấp, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương trong nhiệm kỳ 2021 - 2026. Việc tổ chức thành công cuộc bầu cử được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị trong năm 2021.

	Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp thứ hai Hội đồng Bầu cử quốc gia ngày 18.1 Ảnh: Lâm Hiển
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp thứ hai Hội đồng Bầu cử quốc gia ngày 18.1
Ảnh: Lâm Hiển

Báo cáo tại phiên họp thứ hai của Hội đồng Bầu cử quốc gia, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết số 45 ngày 20.6.2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử, Hội đồng Bầu cử quốc gia xác định công tác ban hành văn bản chỉ đạo và hướng dẫn bầu cử là nhiệm vụ trọng tâm. Đến nay, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Thủ tướng Chính phủ, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính đã hoàn thành việc ban hành văn bản hướng dẫn theo đúng quy định của pháp luật.

Rà soát công việc tại các Tiểu ban của Hội đồng Bầu cử quốc gia cho thấy, Tiểu ban Nhân sự đã làm việc với các cơ quan hữu quan và đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội Khóa XV tại Phiên họp thứ 52; trình Hội đồng Bầu cử quốc gia thông qua Nghị quyết hướng dẫn về mẫu hồ sơ ứng cử, phiếu bầu cử và các loại mẫu văn bản sử dụng trong công tác bầu cử tại Phiên họp thứ hai...

Tiểu ban Văn bản pháp luật và Thông tin, tuyên truyền đã tập trung thực hiện nhiệm vụ phối hợp, theo dõi, đôn đốc việc soạn thảo, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn công tác bầu cử của các cơ quan hữu quan theo đúng yêu cầu của Hội đồng Bầu cử quốc gia. Tiểu ban cũng đã phối hợp với các cơ quan hữu quan đưa vào vận hành chuyên trang thông tin điện tử của Hội đồng Bầu cử quốc gia...

Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo đã chỉ đạo việc nghiên cứu, sưu tầm, hệ thống hóa các văn bản của Đảng và Nhà nước liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử. Hiện chỉ có một điểm vướng mắc là trường hợp xác minh tài sản của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp không thuộc phạm vi đối tượng điều chỉnh của Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 130 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thì chưa có hướng dẫn cụ thể sẽ xác minh như thế nào. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Trưởng Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo cho biết, Tiểu ban đã trao đổi với Chính phủ và thống nhất Chính phủ sẽ rà soát, có hướng dẫn cụ thể để thống nhất thực hiện.

Tiểu ban An ninh, trật tự và y tế cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khác các công việc thuộc lĩnh vực phụ trách; rà soát các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự và y tế chuẩn bị cho cuộc bầu cử; xây dựng kế hoạch phối hợp kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, trật tự và  y tế giữa Tiểu ban với Ủy ban Quốc phòng - An ninh và dự kiến tổ chức các Đoàn kiểm tra, giám sát tại một số địa phương, địa bàn trọng điểm...

Đánh giá tại Phiên họp thứ hai, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, đến thời điểm này, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã triển khai các công việc, nhiệm vụ theo đúng quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. “Các công việc chuẩn bị cho công tác bầu cử đã được thực hiện chất lượng, đúng tiến độ, nhất là các Tiểu ban và Văn phòng giúp việc cho Hội đồng Bầu cử quốc gia”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn

Trên cơ sở các công việc đã thực hiện thời gian qua, các thành viên Hội đồng Bầu cử quốc gia nhất trí cho rằng, khối lượng công việc tới đây vô cùng lớn, mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân cần chủ động, khẩn trương triển khai nhiệm vụ được giao theo đúng quy định của luật và với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Lưu ý vấn đề bảo đảm cơ cấu và chất lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bầu cử quốc gia Tòng Thị Phóng chỉ rõ, với tinh thần trách nhiệm chính trị cao nhất, lần này, chúng ta cố gắng có đủ đại diện của 54 dân tộc để từ sau ngày giành được chính quyền, trong Quốc hội có đầy đủ 54 dân tộc anh em. Để làm được điều này, Tiểu ban Nhân sự đang làm việc với Bộ Nội vụ, Ủy ban Dân tộc để rà soát cơ cấu dân tộc và địa bàn dân tộc. Các cơ cấu nữ, trẻ, đại diện giới văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học, doanh nghiệp có uy tín và các viện nghiên cứu khoa học... cũng được tính toán kỹ lưỡng để bảo đảm tính đại diện trong Quốc hội. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng chỉ rõ, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị cần sớm phân bổ kinh phí bầu cử cho các địa phương; chú trọng công tác tập huấn bầu cử trong cả nước.

 Từ kinh nghiệm triển khai cuộc bầu cử khóa trước, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia cho biết có một số hạn chế như: Việc phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam với Thường trực HĐND cùng cấp trong dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND ở một số địa phương còn chậm, thậm chí sát đến ngày tổ chức hội nghị hiệp thương mới có, khiến quá trình chuẩn bị hội nghị hiệp thương lần thứ nhất gặp khó khăn. Việc tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ của cử tri trong bầu cử ở một số nơi chưa thực sự chú trọng đến đặc thù vùng miền, tôn giáo, dân tộc, văn hóa, tập quán; một số nơi gặp khó khăn trong việc lấy ý kiến cử tri đối với chức sắc tôn giáo, người ứng cử là chủ đơn vị kinh tế tư nhân, hộ gia đình...

Một số hạn chế khác cũng được Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lưu ý như: Số lượng hội nghị tiếp xúc cử tri của các tỉnh, thành phố khác nhau, đối với bầu cử đại biểu Quốc hội, có nơi tổ chức trên 100 hội nghị, có nơi chỉ tổ chức dưới 10 hội nghị; tỷ lệ bình quân số ý kiến phát biểu tại hội nghị có nơi 20 ý kiến/hội nghị, có nơi 1 ý kiến/hội nghị, có nơi không có ý kiến nào. Một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ các hình thức vận động bầu cử thông qua phương tiện thông tin đại chúng theo Khoản 2, Điều 65 và Điều 67, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, đây là những vấn đề cần lường trước để chủ động xử lý, hướng dẫn, tập huấn kỹ lưỡng cho địa phương.

Quỳnh Chi