Khắc phục một bước tình trạng chậm gửi tài liệu
Nhận định về thành công của Kỳ họp thứ Bảy, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh có "5 cái nhất". Một là, tuy điều chỉnh chương trình nhiều lần, nhưng Quốc hội đã quyết định nhanh nhất nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, để lại ấn tượng sâu sắc với cử tri cả nước. Đơn cử như việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15. Hai là, hồ sơ Chính phủ trình đã có tiến bộ hơn, nhiều tài liệu đã được gửi từ sớm.
Ba là, Quốc hội đã thông qua nhiều luật và Nghị quyết. Cụ thể, Kỳ họp thứ Bảy đã thông qua 11 luật, 21 Nghị quyết. Trong đó, riêng lĩnh vực quốc phòng an ninh có 5/11 luật, khối lượng công việc rất lớn, phải làm ngày, làm đêm. Bốn là, các luật, Nghị quyết được thông qua với tỷ lệ đại biểu Quốc hội biểu quyết, tán thành rất cao, có những luật được thông qua với tỷ lệ tán thành đạt 95 - 96%, thậm chí Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp được thông qua với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt tán thành. "Điều này chứng tỏ công tác chuẩn bị rất tốt, cách làm rất chặt chẽ", Phó Chủ tịch Quốc hội nhận định. Năm là, kết quả kiện toàn nhiều nhân sự cấp cao của Nhà nước cho thấy sự đoàn kết, thống nhất trong Quốc hội trên cơ sở sự lãnh đạo của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Bên cạnh đó, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Kỳ họp thứ Bảy đã xem xét, quyết định rất nhiều nội dung quan trọng khác như: thực hiện các nội dung cải cách tiền lương, giảm thuế… Không khí làm việc của Quốc hội rất dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, trí tuệ và đồng thuận cao.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng nêu rõ, “Kỳ họp thứ Bảy là Kỳ họp dài, với số lượng công việc lớn, phức tạp, nhưng chúng ta đã hoàn thành tất cả các nội dung chương trình đề ra, với kết quả rất tốt. Công tác nhân sự được tiến hành thận trọng, chặt chẽ, dân chủ, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng. Các luật và Nghị quyết được Quốc hội thông qua với đại đa số đều đồng thuận, đạt trên 90%, chứng tỏ, báo cáo giải trình, tiếp thu rất thuyết phục”.
Đối với phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, “chủ tọa điều hành chất vấn rất hài hòa, tạo điều kiện cho người trả lời có thời gian chuẩn bị. Chỉ riêng một động tác nhỏ như trước giờ giải lao, chủ tọa mời các đại biểu phát biểu hết ý kiến để trong thời gian nghỉ Bộ trưởng có thêm thời gian để chuẩn bị câu trả lời đã minh chứng cho nhận định này”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng đánh giá cao Kỳ họp thứ Bảy đã khắc phục một bước việc gửi tài liệu chậm. Chính phủ, các Ủy ban của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc đã có nhiều cố gắng, đặc biệt Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định rất sát sao trong công tác này, giục giã và ấn định thời hạn cuối cùng mà các cơ quan phải gửi báo cáo. Nhờ sự đôn đốc chặt chẽ như vậy mà Chính phủ đã có nhiều cố gắng hơn trong các Kỳ họp khác về việc gửi tài liệu.
Bám sát theo quy định, gửi tài liệu trước 20 ngày
Đi sâu phân tích nguyên nhân thành công của Kỳ họp thứ Bảy, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chỉ rõ, "chúng ta đã bám sát sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, của Trung ương, Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự đảng Chính phủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có sự phối hợp tốt với Chính phủ, trong đó có những việc Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp bàn bạc, trao đổi. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội phối hợp tốt với các bộ, cơ quan, bao gồm các cơ quan Đảng và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể với tinh thần làm việc rất khẩn trương, trách nhiệm, tận tâm, tận lực, không quản ngày đêm".
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, “kỳ họp này tiếp tục phát huy được vai trò của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội. Nếu đại biểu Quốc hội không đồng thuận, không nhiệt huyết, không dân chủ, không quyết tâm thì không có kết quả nêu trên".
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị cần phải tiếp tục rút kinh nghiệm đó là, tuy gửi tài liệu đã sớm hơn các kỳ họp trước, nhưng vẫn chưa đúng quy định (theo quy định phải gửi trước 20 ngày). Để khắc phục tình trạng này, cần theo đúng chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đó là, tất cả các tài liệu Chính phủ gửi sang không đợi thẩm tra mà đưa trước lên mạng để các đại biểu Quốc hội tiếp cận. Đây là bài học hay, cần phát huy.
Đối với phiên thảo luận tổ, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đã làm rất tốt, thảo luận tổ xong, cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra có báo cáo tiếp thu, giải trình bước đầu về ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ. Như vậy, khi thảo luận tại hội trường sẽ tiết kiệm thời gian hơn và chúng ta không phát biểu lại những ý kiến đã phát biểu tại tổ. Lưu ý vẫn còn 1 – 2 dự án Luật không có báo cáo tiếp thu, giải trình bước đầu về ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc định đề nghị cần khắc phục tình trạng này, không để sót.
Nhấn mạnh yêu cầu phải bảo đảm gửi tài liệu trước 20 ngày, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, bộ, ngành gửi tài liệu đến Quốc hội theo đúng quy định, để Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra.
“Hội đồng Dân tộc các Ủy ban của Quốc hội căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội bám sát tiến độ chuẩn bị của cơ quan soạn thảo, kịp thời đôn đốc, nhắc nhở hoàn thiện tài liệu, chủ động tổ chức nghiên cứu, thẩm tra”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.