“Đàn bầu Việt Nam thật kỳ diệu!”

Nguyên Anh thực hiện 01/12/2016 08:33

“Lần đầu tiên được nghe và biểu diễn cùng đàn bầu, chúng tôi vô cùng kinh ngạc. Chỉ với một dây mà đàn bầu có thể tạo ra thế giới âm thanh kỳ diệu” - Song ca Bỉ Barbara Wiernik và Nicola Andrioli chia sẻ sau buổi biểu diễn cùng nghệ sĩ đàn bầu Nguyễn Quang Hưng trong khuôn khổ Liên hoan Âm nhạc châu Âu 2016.

- Barbara, tiết mục “Bèo dạt mây trôi” của chị đã được khán giả Việt Nam đón nhận nhiệt liệt. Chị học tiếng Việt từ bao giờ vậy?

- Barbara Wiernik: Ồ, tôi chưa từng học tiếng Việt. Nguyễn Quang Hưng thu âm bài hát đó và gửi cho tôi. Tôi đã phải nghe đi nghe lại rất nhiều lần, học cách phát âm, cố nhớ từng âm tiết, từng giai điệu. Tôi rất vui khi khán giả Việt Nam đã thích tiết mục đó của chúng tôi. Âm nhạc quả là tuyệt vời.

- Lần đầu tiên nghe và chơi cùng đàn bầu, anh chị cảm thấy thế nào?

- Nicola Andrioli: Ngay khi nghe bản nhạc mà Nguyễn Quang Hưng gửi, tôi đã vô cùng ngạc nhiên. Chỉ với một dây mà đàn bầu có thể tạo ra cả thế giới âm thanh diệu kỳ. Điều này thật khác với cây đàn piano mà tôi chơi, quá nhiều dây (cười). Được biểu diễn trực tiếp cùng đàn bầu, với tôi, là một đặc ân.

- Barbara Wiernik: Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận xét của Nicola. Đàn bầu đúng là một nhạc cụ kỳ diệu. Nguyễn Quang Hưng cũng rất tài năng, có thể chơi theo chúng tôi một cách dễ dàng, không chỉ trong bài Bèo dạt mây trôi, mà kể cả những bài hát có giai điệu hiện đại của chúng tôi nữa. Một sự kết hợp rất tuyệt.

Song ca Bỉ biểu diễn cùng nghệ sĩ đàn bầu Nguyễn Quang Hưng - Ảnh: Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Hà Nội
Song ca Bỉ biểu diễn cùng nghệ sĩ đàn bầu Nguyễn Quang Hưng - Ảnh: Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Hà Nội

- Anh chị có thường xuyên biểu diễn cùng nghệ sĩ bản địa như với Nguyễn Quang Hưng lần này không?

- Nicola Andrioli: Tôi từng biểu diễn cùng một ca sĩ Hàn Quốc, nhưng lần này, với Nguyễn Quang Hưng và đàn bầu, là một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt.

- Thực tế, rất ít khán giả tưởng tượng ra tình huống đàn bầu chơi jazz…

- Nicola Andrioli: Với tính ngẫu hứng cao, tôi ví jazz như một nồi lẩu thập cẩm, ai, nhạc cụ nào cũng có thể chơi được. Trong jazz chúng ta có thể hiểu được nhau, ngay cả khi đến từ những nền văn hóa khác nhau, chơi các thể loại âm nhạc khác nhau, bằng các nhạc cụ khác nhau. Jazz kết nối mọi người, xóa nhòa mọi khoảng cách. Trước đây tôi chưa từng chơi với nghệ sĩ Việt Nam, nhưng như bạn thấy đấy, chúng tôi đã hòa nhịp khá ăn ý, chỉ sau một buổi tập.

- Ngoài các tiết mục chơi cùng đàn bầu, phần lớn chương trình hòa nhạc tại Hà Nội (tối 28.11) và TP Hồ Chí Minh (tối 30.11) nằm trong album đầu tay của anh, chị?

- Barbara Wiernik: Album này rất đặc biệt bởi nó là kết quả hợp tác của chúng tôi sau 3 năm. Album đã được giới thiệu ở Bỉ nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi đưa ra nước ngoài. Các tác phẩm đều do Nicola viết nhạc trước, sau đó tôi soạn lời, tưởng tượng ra những câu chuyện sao cho phù hợp với từng nốt nhạc của Nicola. Thực ra, bản thân âm nhạc của Nicola đã rất phong phú, có câu chuyện rồi, nhiệm vụ của tôi là lấp đầy ý nghĩa của giai điệu.

- Nicola Andrioli: Đúng là rất khó để tìm ra câu chuyện chỉ thông qua âm thanh, nhưng Barbara đã làm rất tốt việc này. Bước tiếp theo có thể là tôi sẽ phổ nhạc cho phần lời của Barbara. Tôi sẽ cố gắng tưởng tượng ra câu chuyện của cô ấy, bằng giai điệu.

- Đi đến đâu anh chị cũng tìm kiếm chất liệu để đưa vào tác phẩm của mình. Sau chuyến lưu diễn này, có thể sẽ có tác phẩm nào đó mang âm hưởng Việt Nam không?

- Barbara Wiernik: Biết đâu đấy! Chúng ta không bao giờ biết trước điều gì sẽ xảy ra.

- Nicola Andrioli: Tuy thời gian ở Việt Nam không dài, nhưng chúng tôi cũng đã đi thăm một số nơi. Con người Việt Nam thật cởi mở, thân thiện. Đó là điều gây ấn tượng nhất và có thể là nguồn cảm hứng cho tôi.

 - Xin cảm ơn anh, chị!

 “Tôi rất vui khi được cùng với cây đàn bầu tham gia sự kiện giao lưu văn hóa này. Tôi đã phải tính toán kỹ lưỡng để vừa giữ được âm hưởng truyền thống của đàn bầu, vừa hòa hợp với giai điệu hiện đại của các bạn Bỉ. Ngoài Bèo dạt mây trôi, trong 2 tiết mục biểu diễn chung, tôi đã chọn âm hưởng của ca Huế để hòa tấu cùng tiếng đàn piano bay bổng của Nicola Andrioli và giọng ca trong sáng của Barbara Wiernik”.

 Nghệ sĩ Nguyễn Quang Hưng

    Nổi bật
        Mới nhất
        “Đàn bầu Việt Nam thật kỳ diệu!”
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO