Đàn bầu thiếu tài năng và tác phẩm
Khi giới thiệu âm nhạc Việt Nam tới bạn bè quốc tế, đàn bầu luôn có vị trí trang trọng. Tuy nhiên, theo NSND Nguyễn Tiến - nhiều năm gắn bó với đàn bầu, ở trong nước, đàn bầu dần ít xuất hiện trong lễ hội, chương trình ca múa nhạc. Cả việc đào tạo cũng như sáng tác cho nhạc cụ này không được quan tâm.
Cắt hệ, giảm giờ học
Tại tọa đàm Bảo tồn và phát triển cây đàn bầu Việt Nam mới đây, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đào tạo là một trong những giải pháp quan trọng để duy trì và phát triển đàn bầu. Tuy nhiên, theo NSƯT Bùi Lệ Chi - Trưởng bộ môn đàn bầu, khoa Nhạc cụ truyền thống - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam: đào tạo người chơi đàn bầu tại Học viện có chương trình 6 năm trung cấp và 4 năm đại học, và dạy chơi 2 nhạc cụ song song (đàn bầu và một loại nhạc cụ khác). Tuy nhiên, quá trình giảng dạy cho thấy học sinh không thể chơi 2 nhạc cụ giỏi như nhau. Bên cạnh đó, do không có hệ sơ cấp, hệ trung cấp tuyển học sinh từ 13 tuổi, với bài thi hết sức đơn giản của hệ sơ cấp. Đó là chưa nói tới việc 12 - 13 tuổi mới bắt đầu học đàn là quá muộn, ảnh hưởng lớn tới chất lượng đào tạo và biểu diễn sau này. NSƯT Hoàng Anh Tú, Đoàn ca múa nhạc Thăng Long đồng tình: “Kinh nghiệm 30 năm biểu diễn đàn bầu của tôi cho thấy, 8 tuổi học đàn, qua 7 năm sơ cấp, 4 năm trung cấp, 4 năm đại học, tổng cộng là 15 năm, khi ra trường tay nghề mới chuẩn xác, có thể ứng biến theo yêu cầu. Để làm chủ sân khấu, nghệ sĩ đàn bầu phải vừa chơi đàn vừa diễn, tay nghề chắc mới diễn sinh động, thuyết phục khán giả”.
“Trong chương trình đối ngoại, đàn bầu bao giờ cũng là số 1, nhưng có tác phẩm biểu diễn nhiều lần đến mức có nhà ngoại giao nghe và thuộc luôn giai điệu. Đúng là dở thật, nhưng không tìm đâu ra bài mới, nhiều khi phải huy động một số ca khúc hay chuyển soạn cho nhạc cụ này”. NSƯT QUANG VINH Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam |
Việc cắt hệ, giảm giờ học, rồi học song song hai nhạc cụ... sẽ khó đào tạo được nghệ sĩ đạt đỉnh cao với nhạc cụ này. Việc bỏ hệ sơ cấp, chỉ tuyển hệ trung cấp trong điều kiện đất nước không có trung tâm, trường lớp dạy hệ sơ cấp dẫn đến không đồng bộ, hàng chục năm nay không thể tìm thấy tài năng trẻ tại hội thi toàn quốc. Không những vậy, sắp tới, hệ trung cấp đào tạo âm nhạc cũng sẽ không còn. PGS. TS. Bùi Huyền Nga - nguyên Trưởng khoa Lý luận, Sáng tác, Chỉ huy cho biết: bỏ hệ trung cấp, với các khoa Piano và khoa Dây sẽ không có mấy trở ngại, nhưng khoa Nhạc cụ truyền thống gặp nhiều khó khăn. Bởi piano xã hội hóa được, đã có nhiều trung tâm mở ra; trong khi ngành nhạc cụ truyền thống khó hơn, học sinh Hà Nội có điều kiện nhưng ít học nhạc dân tộc, ở nông thôn lại không có điều kiện. Do đó, cần có các câu lạc bộ, trung tâm đào tạo nhạc cụ dân tộc, từ đó phát hiện người có năng khiếu theo chuyên nghiệp. Câu lạc bộ Nghệ thuật đàn bầu Việt Nam có thể mở rộng hoạt động, không chỉ dừng ở thành phố, mà cả các địa phương, và nên có chiến lược, lộ trình phù hợp để đào tạo.
![]() Nguồn: vannghequandoi.com.vn |
Ai viết cho đàn bầu?
Theo PGS. TS. Đỗ Xuân Tùng - nguyên Trưởng phòng Đào tạo Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam: “Muốn duy trì và phát triển nghệ thuật đàn bầu, trước hết phải có tác phẩm. Toàn bộ chương trình đếm ra không hết 10 ngón tay bài nhạc, vậy lấy gì để học? Hơn nữa, những tác phẩm trong chương trình dạy nếu nghiêm khắc nhìn nhận mới ở trình độ trung cấp, rất thiếu bài trình độ cao”. Mặt khác, trường nghệ thuật sân khấu đi sâu về đào tạo tuồng, chèo và âm nhạc cũng theo hướng đó, nhưng với Học viện, ngoài mảng nhạc cụ, còn có phần chơi tác phẩm mới, nên sáng tác cho đàn bầu và nhạc cụ dân tộc là vô cùng cần thiết.
Thực tế, người viết nhạc dân tộc không nhiều. Yêu cầu có tác phẩm cho nhạc cụ dân tộc, phù hợp với sân khấu biểu diễn hiện nay ít được nhạc sĩ quan tâm. Người ta có thể chi 50 triệu đồng thậm chí 200 triệu đồng cho một ca khúc, bản nhạc giao hưởng, nhưng không ai đặt viết tác phẩm cho đàn bầu... Ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, khoa Lý luận, Sáng tác, Chỉ huy hiện nay vẫn duy trì yêu cầu để tốt nghiệp, sinh viên phải viết 1 tác phẩm nhạc giao hưởng và 1 tác phẩm cho nhạc dân tộc, với hy vọng sau này ra trường, người sáng tác chú ý tới nhạc cụ dân tộc. Nhưng PGS.TS. Bùi Huyền Nga cho rằng, sinh viên viết cho nhạc cụ dân tộc không đầu tư nhiều công sức, không có vốn dân gian, nên chỉ làm cho đủ điều kiện ra trường. Để có tác phẩm chất lượng tốt, nhà trường cần mở nhiều môn tự chọn để sinh viên có thể học tập theo nhu cầu. Ví dụ, sinh viên khoa Lý luận, Sáng tác, Chỉ huy có thể học đàn bầu hoặc đàn nhị, nếu muốn sáng tác cho các nhạc cụ này; ngược lại, sinh viên khoa Nhạc cụ dân tộc có thể học lớp sáng tác để có tác phẩm đạt chất lượng.
Những tác phẩm hay cho nhạc cụ dân tộc cũng cần được khích lệ bằng giải thưởng. Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam nên phát động cuộc thi sáng tác cho nhạc cụ dân tộc nói chung, đàn bầu nói riêng, bổ sung tác phẩm trong giảng dạy và biểu diễn. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, Câu lạc bộ Nghệ thuật đàn bầu Việt Nam và nghệ sĩ cần vào cuộc; giảng viên khoa Nhạc cụ dân tộc cũng phải vận động để “cứu lấy mình”. Trước hết, người trong nghề phải trân trọng cây đàn này, thể hiện từ đào tạo nghệ sĩ, sáng tạo tác phẩm cũng như chế tác nhạc cụ, hướng đến biểu diễn chinh phục khán giả, từ đó duy trì và phát triển nghệ thuật đàn bầu.