Đàm phán gian nan
Các nhà đàm phán thương mại của Mỹ và Trung Quốc bước vào vòng đàm phán thứ hai, diễn ra trong hai ngày 17 - 18.5 tại Washington, D.C., nhằm ngăn chặn nguy cơ nổ ra cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Mặc dù Trung Quốc đã có động thái nhượng bộ, song các nhà quan sát cho rằng, hai bên khó đạt được thỏa thuận thương mại chiều lòng Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Chiến thuật “cây gậy và củ cà rốt”
Thông báo của Nhà Trắng cho biết, đoàn đàm phán của Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc, cố vấn kinh tế hàng đầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình làm Trưởng đoàn, làm việc với đoàn đàm phán của Mỹ do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu. Cũng theo Nhà Trắng, các cuộc gặp lần này là sự tiếp nối các cuộc thảo luận giữa hai bên diễn ra tại Bắc Kinh cách đây hai tuần, tập trung vào việc tái cân bằng quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trước đó, Washington đã cảnh báo, sẽ áp thuế nhập khẩu cao hơn đối với các mặt hàng nhập từ Trung Quốc, với tổng trị giá khoảng 150 tỷ USD. Đáp lại, Bắc Kinh cũng công bố danh mục các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Mỹ như đậu nành, ô tô và máy bay hạng nhẹ, với tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD đối mặt với mức thuế nhập khẩu cao hơn khi vào thị trường Trung Quốc.
![]() Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dẫn đầu đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc sang Washington |
Vòng đàm phán lần này được đánh giá là khó khăn hơn, trong bối cảnh Washington tiếp tục thúc ép Trung Quốc cắt giảm thặng dư thương mại với Mỹ 200 tỷ USD vào năm 2020, đồng thời giảm thuế đối với tất cả sản phẩm xuống mức không cao hơn mức Mỹ áp đặt đối với các mặt hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh cho rằng đề xuất này không công bằng. Tại cuộc thương lượng đầu tiên giữa Mỹ - Trung, hai bên đã trao cho nhau danh sách yêu cầu nhằm giải tỏa căng thẳng thương mại. Theo Tân Hoa xã, các cuộc đàm phán đã diễn ra trong không khí thẳng thắn, tích cực và đạt được đồng thuận trên một số điểm. Tuy nhiên, hai bên vẫn tồn tại những bất đồng rất lớn trên một số vấn đề.
Các nhà quan sát cho biết, bước vào vòng đàm phán thương mại thứ hai, Mỹ sử dụng cách tiếp cận “cây gậy và củ cà rốt”. Một mặt, chính quyền của Tổng thống Donald Trump tỏ ra cứng rắn hơn với Bắc Kinh trong vấn đề thương mại. Phát biểu với phóng viên tại Nhà Trắng ngày 17.5, ông Trump chỉ trích Trung Quốc và một số đối tác thương mại khác của Mỹ “quá được nuông chiều” trong thương mại với Mỹ; đồng thời nêu rõ, Washington đặt mục tiêu đạt thỏa thuận toàn diện với Bắc Kinh. Mặt khác, Tổng thống Trump cho biết, có thể tìm cách giúp công ty viễn thông ZTE của Trung Quốc làm ăn trở lại với các công ty của Mỹ.
Năm ngoái, ZTE bị phát hiện bán các sản phẩm chứa linh kiện do Mỹ sản xuất cho Triều Tiên và Iran. Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã áp lệnh cấm các công ty của Mỹ bán linh kiện cho ZTE trong 7 năm, đẩy công ty này đối mặt với nguy cơ đóng cửa. Ông Trump cho rằng, việc xem xét lại chính sách đối với ZTE vì “Trung Quốc đã mất quá nhiều việc làm”. Tuy nhiên, giới quan sát nhìn nhận, động thái này là “quân bài” mặc cả của ông Trump trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc.
Nhượng bộ của Bắc Kinh
Giới chức Mỹ cho biết, ngay trong ngày đầu tiên diễn ra cuộc đàm phán thương mại vòng hai giữa Mỹ và Trung Quốc, Bắc Kinh đã có nhượng bộ khi đề xuất kế hoạch nhằm giảm 200 tỷ USD thâm hụt thương mại hàng năm của Mỹ với Trung Quốc, bằng cách tăng mua hàng hóa Mỹ và áp dụng một số biện pháp khác. Đề xuất này bằng đúng giá trị mà phía Mỹ yêu cầu khi hai bên tiến hành đàm phán ở Bắc Kinh cách đây 2 tuần.
Trong một động thái khác nhằm xoa dịu căng thẳng thương mại với Mỹ, Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 18.5 thông báo, hủy cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với mặt hàng cao lương nhập khẩu từ Mỹ. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, việc áp đặt các biện pháp mang tính trừng phạt sẽ “tác động tới chi phí sinh hoạt của lượng lớn người tiêu dùng (Trung Quốc) và sẽ không phục vụ lợi ích chung”. Tháng trước, Trung Quốc thông báo sẽ áp đặt mức thuế chống bán phá giá tạm thời đối với sản phẩm cao lương nhập khẩu từ Mỹ. Theo đó, quan chức hải quan Trung Quốc thu phí khoảng 179% giá trị lô hàng cao lương nhập khẩu từ Mỹ, sau khi một cuộc điều tra phát hiện rằng sản phẩm này đã được trợ cấp không công bằng và gây thiệt hại cho các nhà sản xuất trong nước. Việc Trung Quốc áp thuế đối với mặt hàng cao lương nhập khẩu từ Mỹ có thể làm ảnh hưởng đến nông dân tại các bang của Mỹ như Kansas, Texas, Colorado và Oklahoma, đều là những nơi đa số người dân ủng hộ đảng Cộng hòa. Trung Quốc là một trong những quốc gia tiêu thụ nhiều nhất cao lương của Mỹ. Theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, năm ngoái, Trung Quốc đã nhập khẩu 4,8 triệu tấn cao lương từ Mỹ.
Các nhà phân tích cho rằng, bản thân Bắc Kinh cũng mong muốn đạt được thỏa thuận với Washington tại vòng đàm phán thương mại thứ hai. Điều này được thể hiện qua hai gương mặt mới tham gia đoàn đàm phán là Luo Wen và Han Jun, đại diện của Bộ Công nghiệp và công nghệ thông tin và Bộ Các vấn đề Nông nghiệp và nông thôn Trung Quốc. Qua đó, cho thấy Bắc Kinh muốn đạt được đột phá trong cả hai lĩnh vực được thương lượng nhiều nhất trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung.
Thêm vào đó, Trung Quốc dường như cũng cảm nhận được tương lai bất trắc của kết quả đàm phán thương mại với Mỹ, trong bối cảnh Tổng thống Trump luôn thể hiện yếu tố khó lường trong mọi quyết định. Nhiều ngày trước, ông Trump tuyên bố trên Twitter rằng ông và Chủ tịch Tập Cận Bình đang hợp tác chặt chẽ nhằm “mở đường sống” cho ZTE. Tuy nhiên, ngày 16.5, ông Trump lại đổi giọng, “chẳng có gì xảy ra với ZTE, ngoại trừ việc nó sẽ là một phần nhỏ trong thỏa thuận lớn hơn về thương mại Mỹ - Trung”.
Các nhà phân tích cho rằng, ngay cả khi có động thái “xuống nước”, Trung Quốc khó có thể chấp nhận những yêu cầu khác của Mỹ, như việc buộc Bắc Kinh từ bỏ hành vi thương mại mà Mỹ cho là thiếu công, chấm dứt chính sách bảo hộ các ngành công nghiệp tiên tiến cũng như quy định buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc… Amy Celico, nhà phân tích chiến lược toàn cầu thuộc Albright Stonebridge Group cho rằng, Trung Quốc khó có thể chấp nhận thay đổi những chính sách được coi là “xương sống” của nền kinh tế. Hơn nữa, nếu Mỹ chấp nhận một thỏa thuận sơ bộ nhằm giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc thì điều này cũng có thể làm suy yếu mục tiêu thuế ban đầu của Tổng thống Trump nhằm buộc Trung Quốc từ bỏ các chính sách mà chính quyền Mỹ cho là hòng đánh cắp công nghệ của Mỹ.