Tiến sĩ trẻ với những công trình khoa học giá trị
Năm 2024 là lần đầu tiên Giải thưởng Khuê Văn Các được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, nhằm tôn vinh các nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, tuổi không quá 35.
Đây là những nhà khoa học trẻ đang học tập, nghiên cứu và làm việc ở trong hoặc ngoài nước có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn thuộc 6 ngành/liên ngành: Luật học, Giáo dục học, Kinh tế học, Văn hóa - Nghệ thuật, Triết học - Chính trị học - Xã hội học và Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học - Nhân học.
Giải thưởng không chỉ tôn vinh ở thành tích nghiên cứu mang tính học thuật, mà còn lan tỏa giá trị của khoa học xã hội và nhân văn, thúc đẩy nghiên cứu giải quyết các vấn đề thực tiễn của xã hội, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Trong 18 gương mặt “vàng” được xướng danh, có TS trẻ Lý Viết Trường (Cao Lộc, Lạng Sơn). Anh hiện là Nghiên cứu viên của Phòng Nghiên cứu Khu vực học, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Từ năm 2015, khi còn là sinh viên Đại học, Lý Viết Trường đã có bài tạp chí đầu tiên đăng trên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật. Tính đến hiện tại, anh sở hữu hơn 30 công trình khoa học với 10 đầu sách, hơn 20 bài tạp chí và Kỷ yếu hội thảo quốc tế, quốc gia.
Toàn bộ các công trình khoa học của TS Lý Viết Trường đều tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu văn hóa vùng biên giới Việt - Trung nói chung, và văn hóa các dân tộc Nùng và Tày nói riêng. Những nghiên cứu này đã góp phần cung cấp một góc nhìn toàn diện, chuyên sâu về các lĩnh vực đời sống văn hóa, xã hội của các dân tộc thiểu số vùng biên giới Việt - Trung.
Trong số các công trình khoa học đó, có ba công trình được anh đánh giá là tiêu biểu nhất, bao gồm: Cuốn sách “Tương trợ cộng đồng trong nghi lễ vòng đời của người Nùng Phàn Slình ở Lạng Sơn”; Cuốn sách “Từ điển văn hóa Then”, Nhà xuất bản Thế giới ấn hành năm 2021; Bài viết “Vai trò và vị trí của thầy Tào người Nùng Phàn Slình ở thôn Sơn Hồng, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn”.
Nói về động lực thúc đẩy tham gia Giải thưởng Khuê Văn Các, TS Lý Viết Trường cho biết bản thân muốn thử sức, bởi từng xuất thân từ ngôi trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, một trong những trung tâm hàng đầu về Khoa học Xã hội và Nhân văn.
“Ban đầu, tôi chỉ nghĩ tham gia Giải để coi như một lần “vượt qua chính mình”, nên khi nghe tin lọt vào Top 18, tôi khá bất ngờ. Nhận được tin, tôi báo cáo với lãnh đạo cơ quan, người thân và bạn bè để chia sẻ niềm vui. Nhiều người gửi lời chúc tôi sẽ lọt vào top 10, tôi cảm ơn và nói rằng lọt vào top 18 đã là quá thành công và may mắn rồi. Bởi các thí sinh còn lại đều rất giỏi và có bề dày kinh nghiệm nghiên cứu”, TS Lý Viết Trường tâm sự.
Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Sinh ra và lớn lên tại một xã miền núi ở tỉnh nghèo biên giới Lạng Sơn, từ nhỏ, chàng trai trẻ Lý Viết Trường đã được tắm mình trong không gian văn hóa của người Nùng và Tày. Đó cũng là lý do khi bước vào con đường nghiên cứu khoa học, anh lựa chọn nghiên cứu về hai dân tộc này.
Trong quá trình theo học tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, sinh viên Lý Viết Trường được các thầy cô là những nhà khoa học đầu ngành dìu dắt để trở thành một nhà nghiên cứu về các dân tộc thiểu số, đặc biệt tập trung vào chính dân tộc của mình.
Năm 2018, sau khi hoàn thành chương trình Thạc sĩ, Lý Viết Trường được nhận vào làm việc tại Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển – Đại học Quốc gia Hà Nội. Tại đây, để phù hợp với hướng phát triển của Viện, anh đã xác định cho mình hướng nghiên cứu là Khu vực biên giới Việt – Trung. Anh nhận nhiệm vụ Thư ký hỗ trợ Chương trình Nghiên cứu Tai-Kadai Việt Nam - một chương trình tập trung nghiên cứu về các dân tộc thuộc nhóm Ngôn ngữ Tai-Kadai.
Quá trình nghiên cứu của TS Lý Viết Trường luôn gắn liền với người Nùng và Tày - hai dân tộc có sự gần gũi về mặt nguồn gốc, có nhiều điểm tương đồng về mặt văn hóa, ngôn ngữ,... Anh nhận ra không ai nghiên cứu về người Nùng, Tày tốt hơn chính những người Nùng, Tày nghiên cứu về dân tộc của mình. Bởi họ hiểu được căn tính tộc người, được sống trong không gian văn hóa Nùng và Tày, nói được ngôn ngữ và có chung suy nghĩ.
“Tôi chọn nghiên cứu về các vấn đề này, bởi thấy mình cần có trách nhiệm nghiên cứu về dân tộc của mình, có trách nhiệm nối tiếp các thế hệ đi trước như Nhà Dân tộc học Lã Văn Lô, GS Bế Viết Đẳng, GS.TS Hoàng Nam, PGS.TS Vương Toàn… Tôi nghiên cứu về dân tộc của tôi để trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, bản sắc văn hóa dân tộc của tôi không bị hòa tan”, TS Lý Viết Trường khẳng định.
Bên cạnh những nghiên cứu tập trung vào khía cạnh di sản Nùng và Tày, TS Lý Viết Trường còn đam mê nghiên cứu, so sánh văn hóa giữa người Nùng và Tày ở Việt Nam với người Choang ở Trung Quốc. Các dân tộc Nùng, Tày, Choang vốn là những dân tộc có nhiều điểm tương đồng về mặt văn hóa. Trong bối cảnh hai dân tộc sống ở hai vùng biên giới Việt – Trung, việc nghiên cứu này mang ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển hòa bình, hữu nghị của mối quan hệ láng giềng Việt Nam – Trung Quốc.
Hiện tại, hướng nghiên cứu của tiến sĩ trẻ bao gồm: Văn hóa tín ngưỡng các dân tộc Nùng, Tày, Choang; nguồn gốc và quan hệ tộc người vùng biên giới Việt - Trung; vốn xã hội của người Nùng, Tày; di sản văn hóa các dân tộc Nùng, Tày, Choang;..
Cuối tháng 12.2023, Lý Viết Trường cùng GS Đàm Dương Châu đã viết bài tham luận gửi Hội thảo quốc tế ở Trung Quốc về chủ đề "Quảng bá dân ca người Choang, và những kinh nghiệm trong việc quảng bá văn hóa phi vật thể". Bài tham luận sau đó đã được đăng trên Tạp chí Sư phạm Dân tộc Ba Mã, số tháng 1 năm 2024. "Bài báo quốc tế này là một trong những niềm tự hào về thành tích nghiên cứu của tôi", Tiến sĩ xứ Lạng nhấn mạnh.
Tuy mới ở thời điểm khởi đầu, nhưng các nghiên cứu của TS Lý Viết Trường đã có nhiều đóng góp với cộng đồng các dân tộc Nùng và Tày. Cụ thể, những nghiên cứu về tục múa sư tử (loòng phụ) được anh thực hiện từ khi còn là sinh viên, đến các bài báo đăng trên tạp chí, bài tham luận đăng trên kỷ yếu hội thảo… là cơ sở khoa học để tỉnh Lạng Sơn làm hồ sơ công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bên cạnh đó, những nghiên cứu về “Then”; hay “Tào” - các loại hình văn hóa phi vật thể nổi bật của các dân tộc Nùng và Tày được TS Lý Viết Trường nghiên cứu đã góp phần quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thế giới trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay.
Nói về dự định tương lai, TS Lý Viết Trường cho hay trước mắt sẽ tiếp tục theo học chương trình sau Tiến sĩ tại Trung Quốc, để nâng cao trình độ chuyên môn, mở ra những hướng phát triển mới. Anh cũng xác định kiên trì trên hành trình của bản thân, để trở thành một nhà nghiên cứu và tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học.