Đảm bảo tính “đúng”, “trúng” trong giám sát

- Thứ Năm, 16/09/2021, 21:27 - Chia sẻ
Giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật của địa phương là một trong những nhiệm vụ và kỹ năng quan trọng của đại biểu HĐND. Giám sát trúng, đúng và thường xuyên không chỉ phát huy tối đa hiệu quả của chính sách, kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập của chính sách cũng như việc tổ chức thực hiện của cơ quan chức năng mà còn tạo niềm tin của Nhân dân vào cơ quan dân cử…
Ban Dân tộc HĐND tỉnh Hà Giang giám sát về kết quả thực hiện một số chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và hộ nghèo tại huyện Hoàng Su Phì.

Giám sát tốt sẽ có kết quả tốt

Hoạt động giám sát của cơ quan dân cử nhiệm kỳ 2016-2021 được đánh giá có nhiều đổi mới và chất lượng. Nội dung giám sát được triển khai toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, qua đó kịp thời phát hiện những thiếu sót, bất cập, vướng mắc từ cơ sở để kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Nam Định là một trong những địa phương làm tốt công tác này. Trong nhiệm kỳ 2016-2021, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh chủ trì tổ chức 27 cuộc giám sát chuyên đề; thực hiện giám sát 18 nghị quyết của HĐND tỉnh; 78 Quyết định của UBND tỉnh và 612 Nghị quyết của HĐND các huyện, thành phố. Hoạt động giám sát của HĐND tỉnh đã góp phần đưa các chính sách của HĐND tỉnh vào cuộc sống, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Nhiều kiến nghị sau giám sát của HĐND tỉnh được giải quyết đã tạo chuyển biến trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; được Nhân dân đồng tình, ủng hộ. Đơn cử, từ kiến nghị của Thường trực HĐND tỉnh sau giám sát chuyên đề Công tác phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn, UBND tỉnh đã chỉ đạo sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc. Nhờ đó các công trình phòng, chống thiên tai trên địa bàn đã được kịp thời lập kế hoạch cải tạo, nâng cấp. Diện tích rừng phòng hộ khu vực ven biển của tỉnh được trồng dặm, trồng bổ sung và chăm sóc đảm bảo mật độ theo quy định. Các huyện, thành phố tập trung xử lý dứt điểm các vi phạm pháp luật về đê điều, đồng thời có biện pháp ngăn chặn không để phát sinh các vi phạm mới.

Còn với Hà Giang, nổi bật trong hoạt động giám sát của các Ban của HĐND tỉnh là không ngừng đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát. Phần lớn các cuộc giám sát được thực hiện trực tiếp tại cơ sở. Các đại biểu không chỉ "mắt thấy, tai nghe"  ý kiến, phản ảnh của Nhân dân địa phương mà còn chú trọng thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Trên cơ sở đó, tổng hợp, phân tích, lựa chọn, bảo đảm tính đa chiều, khách quan, đầy đủ, chính xác của thông tin. Nhờ đó, các kiến nghị, đề xuất của các Ban HĐND đã được UBND tỉnh, các cấp, các ngành có liên quan nghiêm túc tiếp thu và cơ bản giải quyết kịp thời, giúp cơ quan, đơn vị tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Qua thực tế triển khai hoạt động giám sát của cơ quan dân cử ở Nam Định, Hà Giang cho thấy, nơi nào thực hiện chặt chẽ, thường xuyên, làm “đúng”, “trúng” vấn đề, nơi ấy sẽ được cử tri và Nhân dân đồng tình, ủng hộ. Đồng thời, đó sẽ là những địa phương có sự phát triển ổn định, đời sống của người dân được bảo đảm.

Bài học từ thực tế

Có thể nói, đối với các đại biểu HĐND, giám sát là kỹ năng khó và phức tạp. Hoạt động giám sát đòi hỏi đại biểu, ngoài việc tiếp thu các kiến thức, kỹ năng về giám sát đã được Bộ Nội vụ hoặc Sở Nội vụ cung cấp, cần phải nắm vững các nội dung, quán triệt sâu sắc những quy định về hoạt động giám sát và các định hướng hoạt động giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nắm vững mục đích giám sát và phải danh mục hóa được các nội dung giám sát của HĐND.

Ngoài ra, đại biểu HĐND phải xác lập kỹ năng so sánh; xác lập cơ cấu đoàn giám sát, kỹ năng giám sát các cuộc báo cáo, nghe tường trình của các cơ quan có liên quan đến hoạt động giám sát của HĐND để đề xuất, kiến nghị xử lý các vấn đề qua hoạt động giám sát của đại biểu.

Trong những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn hoạt động giám sát của Ban HĐND tỉnh Hà Giang nêu rõ, các đại biểu phải lựa chọn kỹ nội dung giám sát. Nội dung giám sát phải mang tính bao quát, là những vấn đề lớn của địa phương, có tác động mạnh đến đời sống của cử tri và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua giám sát, những yêu cầu, kiến nghị xác đáng của các Ban HĐND tỉnh phải được thực thi nghiêm túc nhằm tạo đồng thuận cao trong cử tri và Nhân dân.

Tiếp theo, phải thực hiện tốt công tác chuẩn bị trước khi tổ chức giám sát. Từ khâu khảo sát vấn đề đến lập đề cương và xây dựng kế hoạch giám sát. Việc khảo sát nắm tình hình giúp các Ban xác định đúng đối tượng giám sát. Lập đề cương giám sát là nội dung hết sức quan trọng, quyết định đến kết quả giám sát. Đặc biệt, đề cương giám sát cần xây dựng chi tiết cho từng nhóm đối tượng (quản lý nhà nước về ngành hoặc lĩnh vực liên quan).

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm thực hiện giám sát tại địa phương, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Đà Nẵng Tô Văn Hùng cho biết, quá trình giám sát, HĐND thành phố đã tham khảo ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, tham vấn cộng đồng thông qua hội thảo, điều tra xã hội học. Việc giám sát đảm bảo tính độc lập, đồng thời có sự phối hợp của Đoàn ĐBQH, ban, ngành và của cả cơ quan chịu sự giám sát. Đặc biệt, việc giám sát phải bảo đảm nguyên tắc “đúng” và “trúng”. Đúng chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định. Đúng nhu cầu thực tế và nguyện vọng của nhân dân. Trúng thời điểm để kết quả giám sát trở nên thiết thực; đánh giá và kiến nghị giám sát phải trúng để bảo đảm tính thực thi.

Tùng Dương