Thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng
Quặng Apatit là một trong những nguyên liệu đóng vai trò quan trọng trong sản xuất phân bón chứa lân, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, theo đánh giá của Công ty TNHH Apatit Việt Nam, với trữ lượng các loại quặng apatit hiện Công ty đang được cấp phép và đã có chủ trương được cấp phép thì thời gian tới rất khó để Công ty đáp ứng đủ nhu cầu quặng apatit cho các đơn vị trong Tập đoàn. Cụ thể, khó khăn về nguồn nguyên liệu quặng III cung cấp cho các nhà máy tuyển; khó khăn về nguồn nguyên liệu quặng apatit loại II (quặng II) để xây dựng mới hoặc chuyển đổi NMT hiện có để tuyển quặng II.
Hiện nay, nhu cầu sử dụng quặng tuyển tăng cao, trong khi sản lượng quặng tuyển từ quặng III không thể tăng được theo nhu cầu (do thiếu nguồn nguyên liệu), để bổ sung nguồn nguyên liệu quặng tuyển từ quặng II là cần thiết. Tuy nhiên, việc triển khai lập dự án xây dựng nhà máy tuyển quặng loại II gặp khó khăn bởi với trữ lượng, công suất khai thác quặng II hiện có, Công ty không đủ cơ sở nguyên liệu để xây dựng nhà máy.
Đánh giá về khả năng cung cấp các loại quặng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam Nguyễn Văn Sơn, cho biết: Trên cơ sở các Giấy phép hiện có của Công ty, thực trạng nguồn tài nguyên quặng apatit Công ty đang quản lý sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu quặng cho các đơn vị trong Tập đoàn giai đoạn đến năm 2030, cũng như sau năm 2030, cụ thể: giai đoạn đến năm 2030, quặng tuyển từ quặng III sẽ không đáp ứng được nhu cầu của các đơn vị trong Tập đoàn (từ 2026 - 2030: Sản xuất quặng tuyển bình quân đạt 450- 500 nghìn tấn, đáp ứng được 36% đơn vị trong Tập đoàn).
Giai đoạn 2031- 2040: quặng I đáp ứng được 87% nhu cầu của các đơn vị trong Tập đoàn, đến năm 2040 sẽ hết quặng I; quặng II đáp ứng được nhu cầu của các đơn vị trong Tập đoàn, đế/n năm 2037 sẽ hết quặng II; quặng tuyển từ quặng III đáp ứng được 21% nhu cầu của các đơn vị trong Tập đoàn và đến năm 2040 sẽ hết quặng III.
Về chất lượng quặng, Tổng giám đốc Công ty CP DAP số 2 Vinachem Vũ Việt Tiến cho biết: "Có thể nhận thấy chất lượng quặng qua các năm qua ngày càng suy giảm, cụ thể: hàm lượng P2O5 trong quặng giảm và hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại (Fe2O3, Al2O3, MgO,...) trong quặng có xu hướng tăng. Việc chất lượng quặng giảm ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem".
Theo ông Tiến, chất lượng quặng xấu ảnh hưởng đến nhiều vấn đề như: Công suất chạy máy; định mức tiêu hao; tổn thất gyps và định mức tiêu hao nguyên liệu; Chất lượng quặng suy giảm khiến chất lượng axit photphoric giảm (hàm lượng P2O5 giảm và hàm lượng oxit kim loại tăng) và chất lượng sản phẩm DAP giảm tương ứng. Đồng thời, chất lượng quặng xấu làm cho hệ thống đường ống, thiết bị nhanh bị bám tắc, ăn mòn, gây hư hỏng, suy giảm tuổi thọ thiết bị, rút ngắn thời gian vận hành hệ thống...
Trước thực trạng trên, Công ty CP DAP số 2 - Vinachem đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm ổn định sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng quặng apatit như tận dụng tối đa nguồn tài nguyên có trong quặng, thu hồi P2O5 từ bãi thải gyps; tìm các giải pháp điều chỉnh công nghệ nhằm đảm bảo sản xuất ổn định, giảm định mức tiêu hao; sử dụng chất trợ lọc nhằm nâng cao hiệu quả lọc, giảm tổn thất P2O5 thất thoát theo bã gyps, nâng cao hiệu suất thu hồi P2O5 trong quặng..."Tuy nhiên, để đảm bảo được kế hoạch sản xuất kinh doanh, Công ty mong muốn Tập đoàn, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tạo điều kiện, sớm tháo gỡ khó khăn tại các khai trường để nâng cao sản lượng khai thác quặng III có chất lượng tốt, từ đó sẽ có nguồn quặng tuyển cao, ổn định cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón DAP", Tổng Giám đốc Công ty CP DAP số - 2 Vinachem chia sẻ.
Đổi mới sáng tạo, chế biến sâu quặng apatit
Tham luận tại hội nghị Triển khai thực hiện Quy hoạch khoáng sản Quốc gia theo Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18.7.2023 của Thủ tướng Chính phủ, Phó Viện trưởng, Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam, GS. TS. Vũ Thị Thu Hà đã chia sẻ về một số định hướng giải pháp chế biến quặng apatit nghèo. Theo đó, năm 2020, Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam đã đặt mục tiêu dài hạn là làm chủ được công nghệ và thiết bị chế biến sâu quặng apatit loại II Việt Nam bằng phương pháp hóa học, thu sản phẩm đạt tiêu chuẩn hàm lượng P2O5 không dưới 31%, đồng thời có hàm lượng các tạp chất có hại, đặc biệt là MgO đáp ứng yêu cầu làm nguyên liệu sản xuất phân bón (hàm lượng MgO không vượt quá 1,5%), để có thể triển khai sản xuất thử nghiệm ở qui mô bán công nghiệp. Thông qua việc phối hợp với Phòng thí nghiệm trọng điểm về Công nghệ lọc hóa dầu thực hiện một số nhiệm vụ KHCN cấp cơ, đến nay Công ty đã thu được một số kết quả KHCN ban đầu rất khả quan, từ đó đã phát triển được công nghệ làm giàu quặng apatit loại II nghèo (đã đăng ký độc quyền sở hữu trí tuệ) bằng axit hữu cơ. Điều này góp phần tăng hiệu quả sử dụng, đồng thời nâng cao giá trị gia tăng cho nguồn quặng phosphat-dolomit nghèo, góp phần tránh lãng phí tài nguyên và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường.
Để hướng tới triển khai ứng dụng công nghiệp, còn cần phải tiến hành các nghiên cứu sâu rộng hơn, có tính hệ thống hơn, ở quy mô lớn hơn quy mô phòng thí nghiệm, đồng thời chú trọng toàn diện chỉ tiêu chất lượng của sản phẩm tinh quặng sau làm giàu (bao gồm không chỉ hàm lượng P2O5, hàm lượng MgO mà còn phải bao gồm cả giá trị MER), bởi vì chất lượng của tinh quặng có ảnh hưởng trực tiếp đến khâu sau, tức là quá trình sản xuất phân bón DAP.
GS. TS. Vũ Thị Thu Hà nhấn mạnh: "Điểm mấu chốt là phải đưa đổi mới sáng tạo vào để nâng cao giá trị gia tăng cho toàn bộ chuỗi giá trị sản phẩm phân bón phốt pho. Cụ thể là, cần tạo ra các dòng sản phẩm phân bón chứa phốt pho tiên tiến và hiệu quả hơn nữa, khi đó giá trị của chuỗi tăng lên, phần lợi nhuận của khâu hạ nguồn sẽ bù trừ chi phí cho khâu thượng nguồn (chế biến quặng nghèo)".
Phó Hiệu trưởng Trường Hóa và Khoa học sự sống, Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS. TS La Thế Vinh đã chia sẻ về việc chế biến quặng apatit thành một số sản phẩm có ứng dụng quan trọng trong công nghiệp và đời sống. Theo đó, Việt Nam có nguồn quặng apatit tại Lào Cai rất giá trị. Trên thế giới, quặng apatit không chỉ được dùng để chế biến ra các sản phẩm phân bón mà còn được chế biến ra nhiều sản phẩm khác để phục vụ công nghiệp, đời sống như: Thuốc trừ sâu, chất chống cháy, vật liệu mới... Đặc biệt, hiện nay quặng apatit còn được quan tâm để sản xuất một số loại pin có chứa phốt phát như pin Lithium sắt phốt phát dùng cho xe điện; các chất bán dẫn có chứa phốt pho...
"Tuy nhiên, hiện nay quặng apatit ở Việt Nam đang được ứng dụng chủ yếu trong sản xuất phân bón, phụ phẩm cho thức ăn chăn nuôi và một số hợp chất khác trong công nghiệp hoá chất...và vẫn chưa phải ở mức độ chế biến thực sự sâu và rộng để đáp ứng được cho các ngành có yêu cầu cao như ngành điện tử, công nghiệp bán dẫn... hy vọng trong tương lai lĩnh vực chế biến sâu quặng apatit sẽ đáp ứng được nguồn nguyên liệu cho một số ngành công nghệ cao mà Việt Nam và các nước đang cần", PGS. TS La Thế Vinh chia sẻ.
Cũng tại hội nghị, Phó Tổng giám đốc Phụ trách Tập đoàn Nguyễn Hữu Tú đã chỉ đạo định hướng cụ thể, giao nhiệm vụ tới từng nhóm ngành, từng đơn vị của Vinachem để triển khai đồng bộ và hiệu quả đưa các giải pháp được trao đổi tại hội nghị vào áp dụng thực tiễn. Cùng với đó, Tập đoàn đã đề xuất các kiến nghị với các cơ quan quản lý có thẩm quyền để cùng đưa ra giải pháp thúc đẩy việc triển khai thực hiện quy hoạch khoáng sản quốc gia theo quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18.7.2023 của Thủ tướng Chính phủ.