Dakar Rally - khốc liệt và thương vong
Cuộc đua xe đường trường đầy thử thách và mạo hiểm Dakar Rally 2010 đang diễn ra tại Chile và Argentina. Ở ngay chặng đầu tiên, cuộc đua đã lại làm dấy lên tranh cãi gay gắt khi một nữ khán giả bị tử nạn. Dakar Rally là cuộc đua hấp dẫn và khốc liệt bậc nhất thế giới, song cũng đứng đầu về mức độ tang thương.

Đây là cái chết thứ 54 mà cuộc đua xe đường trường này gây ra kể từ khi ra đời năm 1979. Vụ tai nạn còn làm 4 người bị thương. Tai nạn này đã phủ một bóng đen lên giải đua gây nhiều tranh cãi và nhất là đối với nhà tổ chức ASO (Amaury Sport Organisation), bởi nó đã làm tiêu tan lời hứa biến Dakar Rally 2010 thành cuộc đua “kiểu mẫu” về mức độ an toàn.
Năm ngoái, trong lần đầu tiên tổ chức tại châu Mỹ, cuộc đua đã bị nhiều người chỉ trích, bởi dù đã tiến hành nhiều thay đổi nhưng cuộc đua không tránh được những vết xe cũ khi tay đua người Pháp Pascal Terry tử nạn. Xác của Terry được phát hiện cách đường đua khoảng 100m, ở tư thế đang ngồi trong bóng râm, cách chiếc WR450F khoảng 15m.

Điểm lại lịch sử của Dakar, trong tổng số 31 lần được tổ chức, chỉ 8 lần cuộc thi diễn ra suôn sẻ, không thương vong cho cả người đua lẫn người xem. Giới bình luận cho rằng, cuộc thi đã bị “dớp” khi ngay lần đầu tiên tổ chức năm 1979, tay đua Patrick Dodin qua đời sau một cú ngã. Còn năm 1986, Dakar đã khiến 5 người thiệt mạng, trong đó cha đẻ của cuộc đua là Thierry Sabine đã chết ngay cạnh ca sỹ người Pháp Daniel Balavoine, tay phi công Franois-Xavier Bagnoud cùng hai nhà báo trong một tai nạn máy bay trực thăng. Năm 1988 có số người thiệt mạng nhiều nhất, 8 người, bao gồm cả người đua, nhà báo, phụ nữ và trẻ em.
Trước tình hình đó, nhiều biện pháp an toàn đã được thắt chặt, như giới hạn tốc độ đua khi đoàn đua đi qua các ngôi làng và áp dụng hình phạt nặng đối với các trường hợp vi phạm. Nhiều biện pháp cảnh báo mức độ nguy hiểm cho người dân ở những vùng có đoàn đua đi qua như các tấm ápphích bằng tiếng địa phương, tăng cường giới hạn vòng cấm cho người đi cổ vũ… Trước khi cuộc đua 2010 bắt đầu, các nhà tổ chức đã lớn tiếng thông báo một chiến dịch vì sự an toàn của cuộc đua lớn chưa từng có, với tất thảy 1.600 cảnh sát được huy động và hàng ngàn thước phim cảnh báo được phát đi từ nhiều tuần trước đó.

Dakar Rally còn vấp phải sự phản đối gay gắt của các nhà bảo vệ môi trường. Gần đây, FUNAM, một tổ chức phi chính phủ vì môi trường của Argentina thậm chí còn cáo buộc cuộc đua Dakar là “một lời đe dọa nghiêm trọng đối với môi trường”, và là “sự sỉ nhục đối với dân cư địa phương”.
Theo đúng lịch trình, sau khi xuất phát tại Buenos Aires ngày 1.1.2010, các tay đua sẽ quay trở lại “cán đích” tại thủ đô của Argentina ngày 17.1.2010 với các chặng diễn ra trên cả hai đất nước ở Nam Mỹ. Hy vọng Dakar Rally dù đầu không xuôi nhưng đuôi sẽ lọt.