Đắk Nông khống chế lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng
Hưởng ứng chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030, mục tiêu của tỉnh Đắk Nông đến năm 2020 phải khống chế tỷ lệ lây nhiễm HIV ở cộng đồng dân cư ở mức 0,3%; đồng thời không tăng trong các năm sau đó.
Hiện nay, tỉnh cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo công tác tuyên truyền được thuận lợi, công tác chăm sóc và điều trị người bị lây nhiễm được tiếp cận hỗ trợ với dịch vụ tốt hơn. Bên cạnh đó, hệ thống dịch vụ, theo dõi đánh giá công tác phòng, chống HIV/AIDS được triển khai chặt chẽ từ tuyến tỉnh đến thôn, buôn, bon nhằm đảm bảo ngăn chặn lây nhiễm đúng quy định của Bộ Y tế. Đặc biệt, việc xây dựng Phòng tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Đăk R’lấp và Trung tâm Y tế huyện Cư Jút đã góp phần giảm thiểu số người lây nhiễm bệnh.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 557 trường hợp lây nhiễm HIV, với 202 ca chuyển sang AIDS và có 112 trường hợp tử vong. Tỷ lệ nam giới nhiễm HIV cao gấp hơn 3 lần nữ giới; 63/71 xã, phường, thị trấn đều có trường hợp nhiễm HIV; độ tuổi nhiễm HIV/AIDS tập trung từ 20 đến 49 tuổi là hơn 90%.
Thông qua việc triển khai thực hiện chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn 2020, tỉnh đã hạn chế, ngăn chặn tốc độ gia tăng của căn bệnh xã hội này. Kết quả đã có 100% các huyện, thị xã trên địa bàn đưa hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trở thành một trong những mục tiêu trong chương trình phát triển KT-XH địa phương. Cùng với đó các hoạt động thông tin, truyền thông được triển khai đồng bộ như: tổ chức các hoạt động hưởng ứng tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; trực tiếp tư vấn tại các vùng dân cư, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cho các bà mẹ, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; truyền thông tuyên truyền tìm hiểu và phát hơn 30.000 tờ rơi, hơn 20.000 sách, 10.000 áp phích, pano…
Từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030, toàn tỉnh tiếp tục tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong các đối tượng, ngành nghề về tính chất của HIV/AIDS; tầm quan trọng của công tác phòng, chống HIV/AIDS trong sự phát triển của đời sống kinh tế, xã hội hiện nay. Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông để thay đổi hành vi dự phòng lây nhiễm, đặc biệt là tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ nhận thức còn hạn chế. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành đến các địa phương thông qua việc tuyên truyền các văn bản pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS đến mọi đối tượng. Mục tiêu đặt ra là tỷ lệ người dân nhận thức sâu về tác hại của HIV/AIDS trong độ tuổi từ 15- 49 đạt 80%, giảm tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con xuống 2%, tăng người nhiễm bệnh được điều trị bằng thuốc kháng virus HIV đạt 80%… ; tăng tỷ lệ số dân cộng đồng không kỳ thị, phân biệt đối xứ với các đối tượng nhiễm là 80%.