Đào tạo sát với thực tế
Riêng năm 2023 toàn tỉnh có 7 huyện, thành phố đã ban hành kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng. Kết quả, toàn tỉnh đã tổ chức 82 lớp với 9 đơn vị tham gia đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho 2.490 đối tượng, với tổng kinh phí hơn 13 tỷ đồng.
Các lớp đào tạo góp phần nâng cao trình độ nguồn nhân lực, giúp người dân dễ dàng tìm kiếm việc làm hoặc tự phát triển sản xuất, kinh doanh, gia tăng hiệu quả kinh tế cho bản thân, gia đình. Ở nhiều địa phương, đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã làm thay đổi nhận thức, phương thức sản xuất, góp phần giảm nghèo hiệu quả.
Thời gian qua, nhiều chính sách được ban hành đã tạo sức hút trong tuyển sinh. Trong số này có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng đối với người dân tộc thiểu số, người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bên cạnh đó, để nắm bắt nhu cầu thực tế, xây dựng phương án mở lớp học, các ngành, địa phương tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động. Trên cơ sở kết quả rà soát, cơ quan chức năng sẽ xây dựng kế hoạch đào tạo sát với tình hình thực tế và nhu cầu đào tạo nghề, tránh tình trạng đào tạo tràn lan không có định hướng.
Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông Hoàng Viết Nam cho biết, chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ngày càng được nâng cao. Người học nghề đã tiếp cận, áp dụng những kiến thức khoa học kỹ thuật mới, tiên tiến vào quá trình sản xuất. Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh được gắn kết chặt chẽ giữa khâu sản xuất với khâu tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh.
Theo kế hoạch, năm 2024, tỉnh Đắk Nông sẽ tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 4.000 người, trong đó trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên dưới ba tháng là hơn 2.600 người. Chương trình đào tạo nghề sẽ gắn với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu phát triển các ngành, nghề chủ lực của địa phương và cung ứng nguồn nhân lực theo nhu cầu thị trường.
Đa dạng hóa ngành học
Ông Hoàng Viết Nam chia sẻ, Đắk Nông đã hoàn thiện bộ giáo trình nghề trọng điểm về trồng cây công nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, từng bước đáp ứng yêu cầu chuẩn quốc gia.
Các ngành nghề gắn với tạo nguồn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài như: cơ khí hàn, xây dựng dân dụng, điện - điện lạnh, may công nghiệp, chăm sóc sức khỏe…
Cũng theo ông Hoàng Viết Nam, tỉnh chú trọng gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Đào tạo nghề phải sát với nhu cầu học nghề của người lao động và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. "Đắk Nông ưu tiên tổ chức đào tạo nghề có sự liên kết 3 bên, giữa doanh nghiệp - cơ sở GDNN - người lao động", ông Nam cho hay.
Các cơ sở GDNN trước khi tổ chức lớp đào tạo nghề phải phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể để xác định các phương án tự tạo việc làm tại chỗ hoặc ký hợp đồng với các doanh nghiệp để tuyển dụng lao động.
Định hướng đến năm 2025, Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông trở thành một cơ sở đào tạo nghề đa cấp, đa ngành, ứng dụng vào sản xuất và đời sống. Trường hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức trong nước đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Trường mở rộng quan hệ và hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn, ngang tầm với các trường trong khu vực Tây Nguyên.