Đắk Lắk: Bị đình chỉ, nhiều cơ sở thẩm mỹ, nha khoa vẫn ngang nhiên hoạt động

Mặc dù bị xử phạt hành chính và đình chỉ hoạt động nhưng nhiều cơ sở thẩm mỹ, nha khoa trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) vẫn ngang nhiên hoạt động. Có những cơ sở vừa bị đình chỉ liền “thay tên đổi họ” trên bảng quảng cáo rồi công khai đón khách.

Ghi nhận tại TP. Buôn Ma Thuột, hàng loạt thẩm mỹ viện, nha khoa từng bị đình chỉ vẫn ngang nhiên hoạt động và thực hiện các dịch vụ trước đó đã bị đình chỉ vì không có giấy phép hoạt động.

Bị đình chỉ vẫn hoạt động

Tại cơ sở thẩm mỹ viện JK Medical (số 89C, đường Lý Thái Tổ, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) có rất đông khách hàng đến để nghe tư vấn chăm sóc sắc đẹp.

dbnd_tl_z6313435672293-37ef79e4852f43626853b35290f936d6.jpg
Dù bị đình chỉ nhưng thẩm mỹ viện JK Medical vẫn mở cửa đón khách và tư vấn các dịch vụ

Khi được hỏi về dịch vụ xóa sẹo, nhân viên tại đây cho biết sẵn sàng thực hiện và có phòng phẫu thuật riêng, lần đầu sẽ được giảm giá từ 4,5 triệu đồng xuống 1,5 triệu đồng (nếu thực hiện ngay).

“Chị có thể chia làm nhiều liệu trình, tiêm hoặc dùng máy can thiệp sâu dưới da để làm xóa sẹo.”, một nhân viên tại thẩm mỹ viện tư vấn.

Ngày 20.1.2025, cơ sở thẩm mỹ JK Medical do bà Nguyễn Thị Xuyên (đại diện pháp luật) đã bị Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk xử phạt hành chính số tiền 25 triệu đồng về hành vi “sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người” mà không có giấy phép.

Cụ thể, cơ sở này không được cấp phép thực hiện các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng… trên cơ thể người. Cùng với hình thức phạt tiền, cơ sở của bà Xuyên bị đình chỉ hoạt động 4,5 tháng để khắc phục vi phạm.

Tuy nhiên, từ ngày 3.2 cơ sở này đã mở cửa đón khách. Dù không được cấp phép các thủ thuật xâm lấn nhưng đơn vị này vẫn quảng cáo, tư vấn và thực hiện dịch vụ xóa sẹo.

Tương tự, ngày 31.12.2024, cơ sở nha khoa Chi Lăng (số 14 Trần Nhân Tông, phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) đã bị phạt hành chính 45 triệu đồng, buộc đình chỉ hoạt động 18 tháng vì “cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh” thế nhưng cơ sở này vẫn mở cửa đón khách.

dbnd_tl_z6313435662897-76aeec9266627edb9d0474d8a373cfa3.jpg
dbnd_tl_z6313435666968-46128b31f5484e000a5044c45809c9bc.jpg
Cơ sở nha khoa Chi Lăng bị phạt, buộc đình chỉ hoạt động 18 tháng nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động

Trong vai một khách hàng có nhu cầu khám răng, phóng viên được các nhân viên đưa vào bàn hướng dẫn các dịch vụ. Khi được yêu cầu thực hiện niềng răng thì cơ sở này hẹn một ngày khác vì hiện… không có bác sĩ.

Hay tại cơ sở viện thẩm mỹ Mega Kangjin (số 06 Trần Nhật Duật, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), năm 2024, trong vai khách hàng, phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân đã được cơ sở này tư vấn về các dịch vụ tiêm filler. Tại đây, nhân viên tư vấn nói sẽ có bác sĩ để thực hiện ngay dịch vụ khi khách hàng đăng ký...

Thế nhưng, sau khi phản ánh về dịch vụ mà cơ sở này không được phép làm, thẩm mỹ viện này đã "thay tên đổi họ" thành viện thẩm mỹ Sohee và ngang nhiên hoạt động với hệ thống nhân viên đã từng tư vấn cho phóng viên.

dbnd_c_z6317764940914-49999b39428234da20871ddd08bd2c10.jpg
Cơ sở viện thẩm mỹ Mega KangJin (số 06 Trần Nhật Duật, TP. Buôn Ma Thuột) với chiêu "ve sầu thoát xác" biến thành viện thẩm mỹ Sohee để tiếp tục hoạt động

Hoạt động bất chấp vì lợi nhuận cao

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, đại diện lãnh đạo Phòng Y tế TP. Buôn Ma Thuột khẳng định, hiện có nhiều thẩm mỹ viện, spa hoạt động chui hoặc đã bị đình chỉ nhưng vẫn lén lút hoạt động trở lại. Trong năm 2024, đơn vị đã tham mưu cho UBND TP. Buôn Ma Thuột thực hiện nhiều đợt kiểm tra từ tháng 5 đến 12.2024 và đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh thẩm mỹ, phun xăm và spa đang rất phát triển và diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người. Các cơ sở này bên ngoài phần lớn thuộc loại hình thẩm mỹ không xâm lấn, phun xăm không dùng thuốc gây tê và spa… nên ít bị kiểm tra, nhưng bên trong lại lén lút tiêm filler, botox, phẫu thuật cắt mí, nâng cằm, thậm chí là nâng mũi…

“Đặc biệt, nhiều cơ sở làm spa bình thường ở tầng dưới, thực hiện các thủ thuật tiêm filler, botox, phẫu thuật không được phép ở tầng trên, trong không gian sinh hoạt của gia đình để đối phó với các đợt kiểm tra. Có trường hợp khi đoàn kiểm tra ập vào thì cơ sở thẩm mỹ đóng cửa, không chấp hành để kiểm tra rồi phi tang chứng cứ. Đến khi mở được cửa kiểm tra, phát hiện có thiết bị vi phạm thì nhân viên nói mình đến chơi, không biết chủ là ai để đối phó cơ quan chức năng nên chúng tôi phải chuyển hồ sơ sang cơ quan công an.", lãnh đạo Phòng Y tế TP. Buôn Ma Thuột cho hay.

dbnd_tl_z6313418319251-38836bfff5914c986cc51da7369e213f.jpg
Thời gian qua, nhiều cơ sở thẩm mỹ viện, nha khoa trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột liên tục bị xử phạt về hành vi khám, chữa bệnh trái phép

Đại diện lãnh đạo Phòng Y tế TP. Buôn Ma Thuột nói thêm, hiện nay chế tài xử lý chưa đủ mạnh cũng là lỗ hổng để các cơ sở thẩm mỹ, nha khoa hoạt động không phép, vô tư tái phạm. Tổng hợp các hành vi vi phạm của các thẩm mỹ viện, nha khoa thì mỗi cơ sở chỉ bị phạt tổng cộng 105 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 1 thời gian. Cần quy định với những hoạt động có xâm lấn tại các cơ sở không có giấy phép, người thực hiện không có bằng cấp, chứng chỉ sang hành vi hình sự, chế tài mạnh để ngăn chặn. Chế tài xử phạt hành chính quá thấp, trong khi lợi nhuận của hoạt động chui quá cao nên các thẩm mỹ viện, nha khoa "lờn thuốc".

Chánh Thanh tra Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết: "Tới đây Sở sẽ thực hiện công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tái phạm. Đồng thời, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với ngành chức năng chấn chỉnh, chứ không để ban hành các quyết định xử phạt một cách vô nghĩa được”.

Trong năm 2024 và hơn 1 tháng đầu năm 2025, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã kiểm tra đột xuất và ra quyết định xử phạt 18 cơ sở nha khoa, thẩm mỹ với số tiền hơn 924 triệu đồng. Sở Y tế cũng xử phạt bổ sung, đình chỉ 17/18 cơ sở từ 3 đến 22,5 tháng, tước giấy phép hành nghề có thời hạn 1 số người. Riêng tháng 1.2025, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã xử phạt 9 cơ sở với số tiền 329 triệu đồng, đình chỉ 8/9 cơ sở từ 4,5 đến 18 tháng.


Theo báo cáo của Phòng Y tế TP. Buôn Ma Thuột, trong năm 2024 đơn vị này đã kiểm tra và ra quyết định xử phạt hành chính 32 cơ sở với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. UBND TP. Buôn Ma Thuột cũng ra quyết định đình chỉ 5 thẩm mỹ viện, spa không có giấy phép hoạt động nhưng đã thực hiện các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, tiêm filler, botox. Có 12 cơ sở bị phạt bổ sung buộc gỡ bỏ hình ảnh quảng cáo không đúng sự thật trên các trang mạng…

Sức khỏe

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh: “Chấm dứt bệnh lao là mục tiêu cao cả”
Sức khỏe

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh: “Chấm dứt bệnh lao là mục tiêu cao cả”

Ngày 24.3, tại Lễ kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống Lao 24.3.2025 và Hội nghị tổng kết công tác phòng chống Lao năm 2024, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Việt Nam đã đạt tỷ lệ điều trị thành công bệnh lao trên 90% trong năm 2024, vượt mức trung bình toàn cầu là 88%.

Tỷ lệ điều trị bệnh lao thành công đạt 89%
Sức khỏe

Tỷ lệ điều trị bệnh lao thành công đạt 89%

Đó là thông tin được đưa ra tại chương trình kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống lao 24.3 do Chương trình Chống lao quốc gia tổ chức hôm nay tại Hà Nội, với mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng về những ảnh hưởng của bệnh lao tới sức khỏe con người và xã hội.

Lưu ý khi đưa trẻ uống vaccine Rota
Sức khỏe

Lưu ý khi đưa trẻ uống vaccine Rota

Để đảm bảo vaccine phát huy tối đa hiệu quả và an toàn, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần chuẩn bị chu đáo và tuân thủ các hướng dẫn quan trọng sau đây của Bộ Y tế và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc - UNICEF Việt Nam

Hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống lao 24.3: Chẩn đoán sớm, điều trị đúng
Sống khỏe

Hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống lao 24.3: Chẩn đoán sớm, điều trị đúng

Hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống lao 24.3, ngành y tế đang đẩy mạnh sàng lọc chủ động, phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh lao trong cộng đồng. Với khẩu hiệu "Việt Nam cam kết, đầu tư, hành động để chấm dứt bệnh lao", công tác phòng, chống lao được triển khai đồng bộ từ tuyến thành phố đến tận xã, phường, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần kiểm soát hiệu quả căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này.

Mỗi năm Việt Nam có hơn 84.500 ca tử vong do hút thuốc chủ động và 18.800 ca tử vong do các bệnh gây ra bởi phơi nhiễm với khói thuốc thụ động. Ảnh: PV
Sức khỏe

Chính sách “cốt lõi” hướng tới mục tiêu giảm thiểu tiêu thụ thuốc lá tại Việt Nam

Giới chuyên gia nhìn nhận, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là một chiến lược then chốt và hiệu quả để giảm tiêu thụ thuốc lá, đặc biệt là đối với những người có thu nhập thấp và trẻ em. Tăng thuế thuốc lá sẽ góp phần cải thiện sức khỏe của người lao động, qua đó tăng năng suất, giảm chi phí y tế, tạo điều kiện tăng chi cho giáo dục, gia tăng tiết kiệm để phục vụ cho các hoạt động đầu tư và kinh doanh.