Đại Việt sử lược - kho thông tin tư liệu cổ giá trị

Cát Phượng 19/09/2012 08:33

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vừa phát hành bộ Đại Việt sử lược do nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần dịch, hiệu đính và chú giải. Đây được coi là kho tư liệu đa dạng, tin cậy về nhà Lý và lịch sử trung đại Việt Nam.

Không một người Việt nào lại không kiêu hãnh về nhà Lý, một triều đại lớn được dựng lên trên cơ sở đồng lòng tôn lập của đông đảo quan lại triều đình và các bậc cao tăng trong những năm đầu thế kỷ XI. Đó là triều đại để lại những dấu ấn rất lâu dài và sâu sắc cho nền văn hóa Lý - Trần, văn hóa Thăng Long hay văn hóa Đại Việt. Tuy nhiên, phần lớn tư liệu lịch sử của chính triều đại này trước đây gần như chỉ mới được tập hợp và hệ thống từ ghi chép tản mạn của các bộ chính sử ra đời sau đó nhiều thế kỷ. Khoảng 50 năm trước, lần đầu tiên, một tác phẩm viết về nhà Lý ngay sau khi nhà Lý vừa sụp đổ mới được phát hiện và khai thác, đó là Đại Việt sử lược. Sách tuy đã bị thất truyền ở Việt Nam nhưng lại được tìm thấy trong Tứ khố toàn thư của Trung Quốc do nhà Mãn Thanh để lại. Một học giả lừng danh người Trung Quốc thời Mãn Thanh là Tiền Hy Tộ đã tiến hành hiệu đính và khắc in nhưng tên sách chỉ còn là Việt sử lược (bỏ bớt chữ ĐẠI). Khi đã có được bản chữ Hán trong tay, một số nhà nghiên cứu giàu tâm huyết và có vốn Hán học vững vàng đã tiến hành dịch ra Việt văn để giới thiệu rộng rãi với bạn đọc. Tuy nhiên, những gì đã công bố trước đây đều có chung đến ba hạn chế. Một là bản dịch còn có những chỗ chưa ổn. Hai là việc hiệu đính đã gần như bị lặng lẽ bỏ qua. Ba là công đoạn chú giải chỉ mới bước đầu tiến hành, gây không ít trở ngại cho những bạn đọc chưa có điều kiện tiếp cận với cổ học. Đó là chưa nói rằng các bản Việt văn đều được xuất bản khá lâu rồi, nay không mấy ai còn nữa, trong lúc đó nhu cầu tham khảo của đông đảo lực lượng cán bộ nghiên cứu và sinh viên các ngành khoa học xã hội rất lớn, không ai nỡ lòng dửng dưng.

Sau khi đã dịch, hiệu đính và chú giải hàng loạt thư tịch viết bằng chữ Hán cổ với số lượng trang in lên tới hơn một vạn, nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần đã giới thiệu bản dịch, hiệu đính và chú giải bộ Đại Việt sử lược. Sách vừa được nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản vào đầu tháng 9. Dù khó tính đến đâu thì ai cũng phải thừa nhận đây là một bản dịch rất nghiêm túc, một công trình hiệu đính công phu và đặc biệt, một hệ thống những lời chú giải gọn gàng, đầy đủ, sâu sắc và dễ hiểu. Có chăm chú đọc hàng ngàn lời chú giải trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ lịch sử đến địa lý, từ văn học đến nghệ thuật, từ thiên văn tới lịch pháp, từ quân sự đến ngoại giao, từ Phật học đến Đạo học và Nho học... mới thấy kho tri thức của nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần đáng nể. Bản Việt văn Đại Việt sử lược do nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành quả đúng là một tập hợp nhiều nguồn thông tin đa dạng và tin cậy về nhà Lý nói riêng, lịch sử trung đại Việt Nam nói chung. Chưa rõ cơ sở khoa học của tác giả Đại Việt sử lược là gì nhưng đây là tác phẩm sử học đầu tiên và duy nhất của thời trung đại trình bày về niên đại các Vua Hùng lập quốc tương đồng với kết quả nghiên cứu của giới khoa học lịch sử ngày nay.

Cuối cùng, có lẽ cũng cần nói thêm rằng, Đại Việt sử lược được đầu tư in ấn đẹp, cuối sách là nguyên bản Hán văn, một cố gắng đáng ghi nhận về quyết tâm bảo vệ di sản trước tác của cố nhân. Chắc chắn ai cũng sẽ cảm thấy vui khi đặt tác phẩm này lên giá sách của mình.

 Đại Việt sử lược gồm có ba quyển, mỗi quyển được giới thiệu thành một phần riêng nhưng tất cả được đóng thành một tập.

Quyển 1: Giới thiệu lịch sử nước nhà từ đầu cho đến năm 1009 (tức là trước khi Lý Công Uẩn được tôn lên ngôi).

Quyển 2: Giới thiệu lịch sử nước nhà từ năm 1010 (thời trị vì của Lý Thái Tổ) đến năm 1127 (là năm cuối đời của Lý Nhân Tông).

Quyển 3: Giới thiệu lịch sử nước nhà từ năm 1127 (năm đầu thời Hoàng Đế Lý Thần Tông) đến năm 1224 (năm cuối đời Hoàng Đế Lý Huệ Tông). Cuối quyển 3 còn có phần mục lục thống kê danh sách các vị Hoàng Đế của nhà Trần, từ đời Trần Thái Tông đến đời Trần Phế Đế.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đại Việt sử lược - kho thông tin tư liệu cổ giá trị
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO