Đại hội XII của Đảng sẽ tạo được đột phá
Chiều qua, 23.1, Đại hội XII của Đảng đã bàn về công tác nhân sự. Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân về nội dung hệ trọng này, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm VPQH, Tổng thư ký QH NGUYỄN HẠNH PHÚC nhấn mạnh, công tác nhân sự của Đại hội XII và sự chuẩn bị về nhân sự cho Đại hội XII của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI rất dân chủ, chặt chẽ, kỹ lưỡng. Với đề xuất của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI, sự sáng suốt của 1.510 đại biểu tham dự Đại hội, chúng ta sẽ bầu được những người ưu tú nhất, có tài, có đức, năng động, sáng tạo, quyết tâm đổi mới, dám làm, dám chịu trách nhiệm… tham gia Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII để thực hiện sứ mệnh lãnh đạo đất nước trong 5 năm tới. Đại hội XII sẽ tạo được đột phá.
Phải tiếp tục đổi mới
- Đại hội XII của Đảng vừa kết thúc Phiên thảo luận toàn thể về Dự thảo các văn kiện do Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI trình Đại hội. Ông đánh giá như thế nào về Phiên làm việc này?

- Ngay sau Phiên khai mạc, Đại hội đã dành nửa ngày thảo luận tại các Đoàn đại biểu về Dự thảo các văn kiện do Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI trình Đại hội và sau đó, đã dành 1 ngày rưỡi làm việc tại Hội trường, nghe báo cáo tham luận của các Đoàn về các nội dung được nêu trong Dự thảo các văn kiện. Đây là nội dung hết sức quan trọng trong chương trình nghị sự của Đại hội lần này vì các văn kiện này, sau khi được Đại hội thảo luận, thông qua sẽ là nền tảng cho sự phát triển của đất nước trong 5 năm tới.
Tiếp cận Dự thảo các văn kiện khá sớm, tôi thấy, Dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần này đã được chuẩn bị công phu, khoa học, tiếp thu được ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân và hơn 4,5 triệu đảng viên trong cả nước, từ cấp cơ sở lên. Cách làm hết sức dân chủ, khoa học, tập hợp được trí tuệ của toàn Đảng, toàn Dân. Cho nên khi thảo luận tại Đại hội này, các Đoàn đại biểu đều bày tỏ đồng tình rất cao với nội dung của Dự thảo các văn kiện và Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI.
- Ông thấy các đại biểu dành sự quan tâm đặc biệt cho những nội dung nào trong Dự thảo các văn kiện?
- Qua 2 ngày thảo luận tại Đoàn và tại Hội trường, nội dung được nhiều đại biểu dành sự quan tâm đặc biệt là hội nhập quốc tế. Hiện nay, chúng ta đang chuẩn bị cho một lộ trình đưa đất nước phát triển lên tầm cao mới trên cơ sở hội nhập quốc tế sâu, rộng. Điều này đòi hỏi phải có những đổi mới về thể chế kinh tế và đổi mới về chính trị để bộ máy các cơ quan Đảng, cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp năng động hơn nữa. Đây cũng là một trong những đòi hỏi bức thiết được các Đoàn đại biểu đặt ra. Một yêu cầu nữa là làm sao để cơ chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa phải được thể chế hóa một cách cụ thể hơn nữa và đẩy mạnh xã hội hóa trên tất cả các lĩnh vực. Từ kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế đến khoa học, công nghệ… đều phải đưa thị trường vào, phát triển mạnh kinh tế tư nhân, tạo tâm thế mới, khí thế mới để cả cộng đồng nhân dân, doanh nghiệp cùng tham gia phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang bước vào giai đoạn đi vào chiều sâu hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện các cam kết TPP, Cộng đồng ASEAN… thì tiếp tục đổi mới là tất yếu. Nếu không đổi mới thì chúng ta sẽ thất bại ngay trên chính sân nhà.
![]() Các đại biểu dự Đại hội |
Sự chuyển đổi chắc chắn về nhân sự cấp cao của Đảng
Các tiêu chuẩn đối với người được giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Trung ương đã rất rõ rồi. Điều quan trọng là phải nhận diện được con người đó có đúng như vậy không, có sàng lọc đúng như vậy không. Điều này đòi hỏi sự sáng suốt của các đại biểu tham dự Đại hội. Thực tế, trong các đại hội, công tác nhân sự là vô cùng hệ trọng. Từ chiều 23.1, chương trình nghị sự của Đại hội đã chuyển sang công tác nhân sự. Đại hội sẽ dành trọn 1 ngày (24.1) để các đoàn đại biểu trao đổi, nghiên cứu hồ sơ, lý lịch của các ứng cử viên, đối chiếu với các tiêu chuẩn... Tôi cho rằng, công tác nhân sự như vậy là rất kỹ, rất thận trọng, rất công khai và rất dân chủ vì lần này, số dư để bầu các Ủy viên Trung ương Khóa XII là rất lớn, từ 10 - 15%. Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm VPQH, Tổng thư ký QH NGUYỄN HẠNH PHÚC |
- Năm 1986, khi tiến hành công cuộc đổi mới, khẩu hiệu được đưa ra lúc đó là “đổi mới hay là chết?”. Trong bối cảnh hiện nay, như ông nói, áp lực hội nhập cũng buộc chúng ta phải tiếp tục đổi mới cả về thể chế kinh tế và chính trị, đổi mới hay là thất bại ngay trên sân nhà. Vậy cụ thể, về đổi mới chính trị, theo ông nên tập trung vào nội dung nào?
- Theo tôi, trước hết phải tập trung vào công tác cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước từ Trung ương xuống địa phương. Có thể chế kinh tế thông suốt rồi, tốt rồi, phải có cán bộ có năng lực vận hành thể chế tốt nữa thì mới đem lại hiệu quả. Xét đến cùng vẫn là yếu tố con người.
- Đại hội XII sẽ bầu các Ủy viên Trung ương Đảng Khóa XII. Đây cũng là nhân sự lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước trong 5 năm tới. Nhìn vào danh sách đề cử, ông thấy thế nào?
- Tôi rất tin với đề xuất của Hội nghị Trung ương 14 (Khóa XI), đồng thời với sự sáng suốt của 1.510 đại biểu tham dự Đại hội, chúng ta sẽ bầu được những người ưu tú nhất, có tài, có đức, năng động, sáng tạo, quyết tâm đổi mới, dám làm, dám chịu trách nhiệm… tham gia Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII để thực hiện sứ mệnh lãnh đạo đất nước trong 5 năm tới. Tôi nghĩ Đại hội XII sẽ tạo được đột phá.
- Dự kiến sẽ có 9 Ủy viên Bộ Chính trị Khóa XI không tham gia Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII, nhiều nhất trong các kỳ Đại hội. Theo ông, điều này có đặt ra khó khăn gì đối với Ban Chấp hành Trung ương khóa mới hay không?
- Một yêu cầu tất yếu của lịch sử là luôn phải có sự kế thừa và phát triển. Theo dự kiến nhân sự, vẫn còn 7 Ủy viên Bộ Chính trị Khóa XI tiếp tục tham gia Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII. Theo tôi, điều này không những không gây khó khăn gì mà ngược lại còn bảo đảm tính kế thừa và phát triển, thể hiện một sự chuyển đổi rất chắc chắn về nhân sự cấp cao của Đảng chứ không phải là chuyển đổi đồng loạt.
![]() Các đại biểu bên hành lang Đại hội |
- Theo Quy trình bầu cử được Đại hội thông qua tại Phiên họp trù bị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI nếu không được Đại hội giới thiệu thì sẽ không được nhận đề cử hoặc ứng cử, vậy, nếu được Đại hội giới thiệu thì như thế nào, thưa ông?
- Danh sách giới thiệu các đồng chí tham gia Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII đã được chọn lọc qua rất nhiều công đoạn, cân nhắc kỹ lưỡng từng vị trí đòi hỏi người như thế nào mới đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Khi danh sách đã trình ra Đại hội thì giới thiệu thêm người này, người khác là quyền của Đại hội. Tôi cho rằng, công tác nhân sự của Đại hội XII và sự chuẩn bị về nhân sự cho Đại hội XII của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI là rất dân chủ.
Lắng nghe ý dân mà quyết định
- Sau Báo cáo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày tại Phiên khai mạc Đại hội, dư luận đồng tình và đánh giá rất cao tinh thần đổi mới, tự chỉnh đốn của Đảng, đặc biệt là trong công tác cán bộ. Song, cũng có một số ý kiến cho rằng, công tác cán bộ của Đảng sẽ tốt hơn nữa nếu lắng nghe được ý kiến nhân dân nhiều hơn. Ông bình luận như thế nào về ý kiến này?
- Tôi cho rằng, nhân dân ở đây là thông qua từng đại biểu tham dự Đại hội. 1.510 đại biểu tham dự Đại hội lần này chỉ có gần 200 đại biểu ở Trung ương, còn lại đại đa số đại biểu là ở địa phương, ở cơ sở, ở sát với dân, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người dân. Các đại biểu chính là người mang hơi thở, tâm tư, nguyện vọng của người dân vào Đại hội, lắng nghe ý kiến nhân dân mà quyết định các vấn đề của Đại hội chứ không phải là ai đó vời vợi, xa rời nhân dân cả. Chính các đại biểu là người cân, đong, đo, đếm, nghiên cứu thật kỹ hồ sơ xem trong danh sách những người do Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI giới thiệu có ai không đáp ứng được yêu cầu, cần phải loại ra không. Bây giờ, đồng chí này ở dưới địa phương, ở bộ, ngành khác, tôi không hiểu hết con người đồng chí đó được nhưng Đoàn đại biểu ở địa phương đó, bộ, ngành đó người ta hiểu rất rõ, không giấu được. Anh giấu được mình tôi, chứ giấu thế nào được hàng trăm, hàng nghìn người khác? Cho nên, cách làm công khai như vậy là rất tốt, rất hiệu quả.
- Ông nghĩ như thế nào về một cơ chế cụ thể hơn để có thể giám sát được hoạt động của Đảng?
- Hiện nay, Hiến pháp đã nêu rất rõ rồi: Đảng lãnh đạo toàn diện, chịu trách nhiệm về quyết định của mình và chịu sự giám sát của nhân dân. Đảng tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Đảng không đứng trên luật, trên Hiến pháp. Đảng ban hành nghị quyết nào cũng phải trên cơ sở luật pháp. Đó cũng là một cơ chế kiểm soát quyền lực, trách nhiệm của Đảng.
- Xin cảm ơn ông!