ĐẠI HỘI TÂN TRÀO: HIẾN CHÍNH DÂN TỘC DÂN CHỦ
Tôi mong không phạm sai lầm gì nghiêm trọng khi khẳng định rằng: “Quốc dân đại biểu Đại hội Tân Trào là “Quốc hội lâm thời” nước ta”. Bởi vì Đại hội đã tuyên bố Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Đại hội bầu ra tức như Chính phủ nhân dân lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời Đại hội thông qua “Chương trình Mười điểm” giao cho Chính phủ lâm thời thực thi thì tôi nghĩ chúng ta có thể coi chương trình mười điểm là “Hiến pháp lâm thời” nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chương trình Mười điểm, Hiến pháp lâm thời, theo tôi biểu hiện trung thành: TƯ TƯỞNG HIẾN CHÍNH của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Tư tưởng ấy vừa biến thành ý chí của toàn dân qua Đại hội Quốc dân Tân Trào. Tư tưởng Hiến chính Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã hình thành như thế nào trong suốt 30 năm Người bôn ba hải ngoại? Tư tưởng ấy mang những yếu tố cấu thành gì? Đó là một vấn đề lớn vượt khả năng nghiên cứu của một cá nhân. Ở đây tôi chỉ xin phép được gợi vài ý thô thiển để góp vào suy nghĩ chung của chúng ta.
Bài 1: Những mầm mống tư tưởng Hiến chính
Ta có thể nhận thấy tư tưởng Hiến chính của Nguyễn Ái Quốc đã nảy mầm là do sự kết hợp công lý và pháp lý Đông Tây qua sự quan sát thực tế chế độ dân chủ ở các nước Tây Phương lẫn đất nước của Lênin. Quý hơn nữa do đó mà vững vàng hơn.
Chúng ta hãy nhớ lại ba sự kiện:
1. Bản yêu sách của dân An Nam
Bản này ông Nguyễn gửi Hội nghị Versailles (1919) ngoài 6 điểm đòi các quyền lợi cho dân chủ, 2 điểm cuối cùng đòi một chế độ cai trị, căn cứ vào luật của Nghị viện Pháp chứ không căn cứ vào Sắc lệnh của Hành pháp và đòi bên cạnh Nghị viện Pháp phải có “Đại biểu thường trực người Việt Nam do người bản xứ bầu ra”. Đó là một dạng của chế độ Hiến chính. Khi viết bản yêu sách thành lời ca để cổ động, tuyên truyền rộng rãi, Nguyễn Ái Quốc nêu rõ quan điểm của mình về “Pháp quyền”:
“Bảy xin Hiến pháp ban hành
Trăm điều phải có thần linh pháp quyền” (1)
Tôi xin nhấn mạnh: Trăm điều phải có thần linh pháp quyền. Rõ ràng hai câu ca trên bao hàm khái niệm “Nhà nước pháp quyền”. Hiện nay khái niệm ấy mới thành phổ biến mà 73 năm trước đây (bài này được viết năm 1974 - BT), Bác Hồ đã nêu lên rồi và nêu lên với mức cao xưa nay chưa từng thấy trong lý luận “Nhà nước pháp quyền”. Pháp quyền nâng lên tới mức: Thần linh chỉ đạo trăm điều của cuộc sống trần thế.
GS. Vũ Đình Hòe (1912 - 2011) là một trí thức lớn của dân tộc. Ông tốt nghiệp cử nhân Luật, Đại học Đông Dương nhưng không ra làm công chức của chính quyền Bảo hộ Pháp mà dạy học ở các trường tư thục nổi tiếng Thăng Long và Gia Long. Ông tham gia Đảng Dân chủ Việt Nam trong Mặt trận Việt Minh. Tháng 8.1945, ông được cử đi dự Quốc dân Đại hội Tân Trào để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Sau Cách mạng tháng Tám, ông làm Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục trong Chính phủ lâm thời. GS. Vũ Đình Hòe là một trong sáu đại biểu Quốc hội đầu tiên của Hà Nội, được bầu làm Bộ trưởng Tư pháp từ 1946 - 1960. Bài Đại hội Tân Trào: Hiến chính dân tộc dân chủ được GS. Vũ Đình Hòe viết năm 1995. |
2. Bản án chế độ thực dân Pháp
Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc cho xuất bản ở Paris cuốn sách này, tố cáo với dân Pháp và thế giới tội ác trời không dung, đất không tha của nhà cầm quyền thực dân ở Đông Dương giày xéo lên các quyền con người. Chúng đang phản lại lý tưởng cao cả nêu trong Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Đại cách mạng Pháp làm nền tảng cho bản Hiến pháp 1791 của Cộng hòa Pháp, bản Hiến pháp dân chủ được nhân loại coi là mẫu mực với những nguyên tắc vĩnh hằng “Tự do - bình đẳng - bác ái”.
Ông Nguyễn phanh phui kiểu pháp quyền - pháp trị thực dân vô pháp vô thiên với nhận thức đúng đắn về dân chủ, ngày nay ai cũng hiểu pháp quyền là gắn hữu cơ với quyền của mỗi công dân và mỗi con người thì ở đâu còn áp bức là không có pháp quyền, pháp chế gì cả, càng không có nhà nước pháp quyền. Tinh thần đó toát ra từ những bài báo của Nguyễn Ái Quốc hồi đó ở Paris.
3. Nhời hô hoán cùng Vạn quốc hội
Đấu tranh bằng lời nói chỉ là màn dạo đầu, Hiến pháp không phải là món quà bằng ngửa tay mà xin được. Cuối năm 1924, Nguyễn trở về gần biên giới Việt Nam, chuẩn bị vào cuộc chiến đấu đối đầu với kẻ thù dân tộc. “Tuy vậy” - ông nói, “chúng tôi vẫn khinh sự chiến tranh”. Nên ông gửi thư cho Hội Vạn quốc. Bản này năm 1926, ông viết bằng chữ Quốc ngữ, cùng ký tên với hai cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh là “Danh sự hội viên” của Hội Phục Việt. Lời lẽ thật đanh thép: “Chúng tôi yêu sách với Vạn quốc QUYỀN ĐỘC LẬP TỨC KHẮC CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM. Nếu không được thế “thì có thể” biết trước rằng bao lâu DÂN CHÚNG TÔI SẼ KHỞI NGHĨA, và biết đâu rằng cuộc chiến tranh ở Đông Dương chẳng phải là ngọn lửa mới lên, sau sẽ bốc cháy, cả vùng Thái Bình Dương, làm cho thế giới bị một cái đại nạn vô tiền tuyệt hậu ru?”.
Quả là một tối hậu thư!
Tuy nhiên nếu Pháp và Vạn quốc tỉnh ngộ sớm thì nhân dân Việt Nam sẽ: “Xếp đặt một nền Hiến pháp”. Một Hiến pháp “Dân định” chứ không phải là Hiến pháp “Khâm định” (các từ này là của tôi dùng - Vũ Đình Hòe). Hiến pháp ấy - lời các tác giả bức thư hướng “theo như những lý tưởng dân quyền”. Nghĩa là bên trong, bảo đảm mọi quyền con người và quyền công dân, đồng thời “biết tôn sùng sự làm ăn” (tức tôn sùng lao động - Vũ Đình Hòe), bên ngoài “kính trọng những cái thiểu số của chủng loại, nghĩa là không xâm phạm đến những dân tộc nhỏ như Lào, Cao Miên, cốt để lập nên một nền Đông Dương liên bang dân chủ”.
Ta có thể nhận thấy tư tưởng Hiến chính của Nguyễn Ái Quốc đã nảy mầm là do sự kết hợp công lý và pháp lý Đông Tây qua sự quan sát thực tế chế độ dân chủ ở các nước Tây Phương lẫn đất nước của Lênin. Quý hơn nữa do đó mà vững vàng hơn. Tư tưởng pháp quyền dân chủ của ông Nguyễn bắt rễ sâu vào truyền thống “Lệ làng” của dân tộc ta. Ông khẳng định với Hội Vạn quốc rằng: “Nước Nam trước ngày Pháp sang cướp (...) tuy là quân chủ thật, nhưng chẳng khác gì dân chủ cả, DÂN ĐƯỢC TỰ TRỊ (tôi viết nhấn mạnh - Vũ Đình Hòe), sự giáo dục được phổ cập các hạng người trong nước, quyền chuyên chế của mọi quý tộc và của nhà tôn giáo, dân chủ chúng tôi đều không có cả” (2).
Chúng ta chú ý cụm từ “Dân được tự trị” mà ông Nguyễn nêu lên như một chân lý của lịch sử dân tộc ta, mà ngày nay các nhà sử học đều nhất trí coi là một định chế cổ truyền độc đáo, cao quý làm một sức mạnh đại đoàn kết chống ngoại xâm và chống thiên tai khai thác và mở mang lãnh thổ, đó là chế độ tự quản của cộng đồng làng xã Việt Nam.
Minh Phương giới thiệu
__________________
1. Yêu cầu ca - báo Nhân dân số ra ngày 30.1.1977
2. Theo tài liệu của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, ký hiệu H.T.G/S01: các câu trong ngoặc kép ở trên là trích từ thư gửi Hội Vạn quốc.