Với kết quả này, ông Philemon Yang sẽ trở thành Chủ tịch tiếp theo trong phiên họp thứ 79 của Đại hội đồng vào tháng 9 tới. Ngay sau kết quả bỏ phiếu, Chủ tịch Đại hội đồng đương nhiệm Dennis Francis đã gửi lời chúc mừng người kế nhiệm. Theo ông Francis, ông Philemon Yang từng giữ chức Chủ tịch Ủy ban các nhân vật xuất sắc châu Phi của Liên minh châu Phi, được đánh giá là người cống hiến hết mình cho các nguyên tắc hòa bình, phát triển bền vững và phẩm giá con người. Ông Francis khẳng định: “Ông Yang luôn thể hiện cam kết với đối thoại, hợp tác và bao trùm - những nguyên tắc thiết yếu cho công việc của Đại hội đồng”.
Chúc mừng tân Chủ tịch Đại hội đồng, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho rằng ông Philemon Yang cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong các chương trình nghị sự sắp tới của Đại hội đồng cũng như thúc đẩy các nỗ lực của LHQ trong việc giải quyết các thách thức mà cộng đồng thế giới đang phải đối mặt. Ông António Guterres đã chỉ ra những thách thức, bao gồm các cuộc xung đột vẫn tiếp diễn, thảm họa khí hậu ngày càng trầm trọng hơn, nghèo đói và bất bình đẳng tràn lan, sự nghi ngờ và chia rẽ đang kéo mọi người ra xa nhau. Bên cạnh đó, các mục tiêu Phát triển bền vững đang đi chệch hướng một cách đáng kể. Các nước đang phát triển bị bỏ lại mà không có sự hỗ trợ cần thiết để đầu tư cho người dân của họ. Người đứng đầu LHQ kêu gọi mọi người không đánh mất mục tiêu chung về một thế giới hòa bình và bền vững hơn.
Dự kiến kỳ họp thứ 79 của Đại hội đồng sẽ khai mạc vào ngày 10.9, với phiên thảo luận chung cấp cao của cơ quan này bắt đầu vào ngày 24.9. Chủ đề và thông điệp chính của ông Philemon Yang tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sắp tới sẽ là sự thống nhất trong đa dạng, vì sự tiến bộ của hòa bình, phát triển bền vững và phẩm giá con người cho mọi người ở muôn nơi.
Cùng ngày, Đại hội đồng LHQ cũng bỏ phiếu bầu 5 nước ủy viên không thường trực mới của HĐBA, với nhiệm kỳ 2 năm. Theo kết quả bỏ phiếu, 5 ủy viên không thường trực mới gồm Pakistan, Somalia, Panama, Đan Mạch và Hy Lạp. Các nước ủy viên này sẽ bắt đầu nhiệm kỳ 2 năm từ ngày 1.1.2025, thay cho Nhật Bản, Mozambique, Ecuador, Malta và Thụy Sĩ.
Một nước ứng cử viên phải nhận được sự ủng hộ của 2/3 số quốc gia thành viên LHQ có mặt và bỏ phiếu tại phiên họp Đại hội đồng để đảm bảo một ghế không thường trực trong HĐBA. Điều này có nghĩa là nước đó cần nhận được tối thiểu 129 phiếu thuận để giành được một ghế nếu tất cả 193 quốc gia thành viên đều có mặt và bỏ phiếu. Các nước thành viên bỏ phiếu trắng được coi là không bỏ phiếu.
Tất cả năm thành viên mới được bầu đều đã từng là thành viên của HĐBA. Pakistan đã tham gia cơ quan này 7 lần, Panama 5 lần, Đan Mạch 4 lần, Hy Lạp hai lần và Somalia một lần.
HĐBA có 15 thành viên, trong đó có 5 thành viên thường trực gồm: Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ. 10 ghế không thường trực của Hội đồng được phân bổ theo khu vực địa lý, với 5 ghế được thay thế mỗi năm.
Năm quốc gia mới được bầu đại diện cho Châu Phi, Châu Á - Thái Bình Dương, Châu Mỹ Latin và Caribe, Tây Âu và các nhóm khác. Nhóm Đông Âu không tham gia tranh cử trong năm nay vì một ghế của nhóm này hiện do Slovenia nắm giữ cho đến năm 2025 sẽ được bầu cử hai năm một lần.
HĐBA được coi là cơ quan quyền lực nhất của LHQ, có nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, có thể đưa ra các quyết định mang tính ràng buộc về mặt pháp lý và có quyền áp đặt các biện pháp trừng phạt cũng như cho phép sử dụng vũ lực.