Tại Phiên họp Ủy ban Chính trị có 4 dự thảo Nghị quyết được đưa ra thảo luận, gồm: Dự thảo Nghị quyết thông qua báo cáo kết quả của Hội nghị lần thứ 13 giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và AIPA tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 45 vừa qua; dự thảo Nghị quyết về sử dụng công nghệ số toàn diện vào việc xây dựng sự vững mạnh cho các quốc gia trong khu vực; dự thảo Nghị quyết về thúc đẩy hợp tác cộng đồng chính trị bền vững ASEAN thông qua hội nhập, liên kết và tăng trưởng bao trùm; dự thảo Nghị quyết về thúc đẩy sự tham gia của người dân vào việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.
Tại Phiên họp Ủy ban Kinh tế có 8 dự thảo Nghị quyết được thảo luận, trong đó có các dự thảo như dự thảo Nghị quyết về tăng cường khả năng đối phó trên không gian mạng thông qua hợp tác của Nghị viện ASEAN hướng tới nền kinh tế kỹ thuật số an toàn và sôi động; dự thảo Nghị quyết về vai trò của Nghị viện trong hỗ trợ thực hiện các khuyến nghị của ASEAN thúc đẩy đầu tư có trách nhiệm vào các lĩnh vực nông nghiệp, lương thực và lâm nghiệp; dự thảo Nghị quyết về vai trò của Nghị viện trong thúc đẩy huy động vốn để phát triển kết nối cơ sở hạ tầng khu vực nhằm đạt được Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN vào năm 2025 và hơn thế nữa; dự thảo Nghị quyết về vai trò của Nghị viện trong thúc đẩy hội nhập công nghệ số trong ASEAN hướng tới đạt được Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN 2025 và xa hơn...
Tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ (YPA), các dự thảo nghị quyết tập trung vào những thách thức chính mà thanh niên ASEAN đang đối mặt, bao gồm giáo dục, việc làm, sức khỏe tinh thần và phát triển kỹ năng số. Những dự thảo Nghị quyết này phù hợp với các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), tạo động lực để thanh niên tích cực đóng góp vào nỗ lực bảo vệ môi trường và xây dựng khả năng phục hồi kinh tế.
Hội nghị Nghị sĩ trẻ đã thông qua 3 Nghị quyết, gồm: Trao quyền cho thanh niên trong xây dựng Cộng đồng ASEAN an toàn, bền vững và hòa nhập (do Lào đề xuất); Thúc đẩy sự tham gia của các nghị sĩ trẻ trong việc thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững số 3 tại ASEAN (do Thái Lan đề xuất); và Trao quyền cho Nghị sĩ trẻ ASEAN trong việc triển khai Tuyên bố Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9.
Nghị quyết thứ 3 của Việt Nam, liên quan đến Tuyên bố Hà Nội (tháng 9.2023) từ Hội nghị Nghị sĩ Trẻ lần thứ 9.
Việc đề xuất thực hiện các nghị quyết này tại YPA tái khẳng định cam kết của Việt Nam đối với các mục tiêu đã đề ra tại Tuyên bố Hà Nội, đồng thời thể hiện hy vọng sẽ mang lại những tác động tích cực, thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ của thanh niên trong việc xây dựng một ASEAN an toàn, bền vững và hoà nhập.
Tại Phiên họp Ủy ban Xã hội, các đại biểu đã thảo luận và thông qua 5 Nghị quyết quan trọng, tập trung vào các vấn đề xã hội cấp thiết của khu vực: Tăng cường vai trò của Nghị viện trong giải quyết các vấn đề ma túy, thực hiện hóa ASEAN không ma túy (do Campuchia đề xuất); Hành động hướng tới sáng kiến toàn cầu về giảm thải nhựa tại ASEAN (do Malaysia đề xuất); Thúc đẩy vai trò của Nghị viện trong đổi mới y tế thông minh (do Lào đề xuất, Việt Nam đồng bảo trợ); Tăng cường quyền, phúc lợi xã hội và cơ hội việc làm cho người cao tuổi trong khu vực ASEAN (do Việt Nam đề xuất); Tăng cường hợp tác để thúc đẩy kiểm soát thuốc lá và nicotine ở ASEAN (do Lào đề xuất).
Tại các phiên họp và hội nghị, các đại biểu đã tập trung nghiên cứu và thảo luận, đóng góp các ý kiến chi tiết và đưa ra các khuyến nghị để đi tới sự thống nhất cao trước khi Chủ tọa thông qua.
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham gia tích cực, đóng góp nhiều ý kiến trong quá trình hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết.
Các ý kiến của Đoàn Việt Nam tập trung vào việc làm rõ sự cần thiết, nhấn mạnh nội hàm của nội dung, tăng tính khả thi, hài hòa, cũng như đảm bảo sự phù hợp với các cam kết và mục tiêu chung của ASEAN. Điều này thể hiện rõ nét vai trò và trách nhiệm của Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác nghị viện khu vực, vì một cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh và thịnh vượng, và đã nhận được sự đánh giá cao từ các nước thành viên.
Ngoài ra, với nghị quyết do Lào đề xuất và Việt Nam đồng bảo trợ, Đoàn Việt Nam đã chủ động thảo luận chuyên sâu, thể hiện sự đồng hành cùng Quốc hội Lào trong việc hoàn thiện sáng kiến này, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước.
Các nghị quyết được thông qua tại các phiên họp đều hướng đến mục tiêu tăng cường vai trò của Nghị viện trong thúc đẩy kết nối và tăng trưởng toàn diện của ASEAN, phù hợp với chủ đề của Đại hội đồng AIPA-45 năm 2024.