Báo cáo khẳng định: Những thắng lợi to lớn của cách mạng, kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng và những bài học kinh nghiệm của các thời kỳ vận động cách mạng của Đảng. Thắng lợi của cách mạng và kháng chiến đã khẳng định đường lối, chính sách của Đảng nói chung là đúng; cán bộ, đảng viên của Đảng là những chiến sĩ dũng cảm, tận tụy hy sinh, được quần chúng tin yêu... Song, cũng có những khuyết điểm cần sửa chữa như: chưa hăng say học tập chủ nghĩa Mác-Lênin; tư tưởng một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa vững vàng, còn quan liêu, mệnh lệnh, hẹp hòi, công thần.
Báo cáo nêu mục tiêu phấn đấu trong nhiệm kỳ là: Tiêu diệt thực dân Pháp và đánh bại bọn can thiệp Mỹ, giành thống nhất độc lập hoàn toàn, bảo vệ hòa bình thế giới.
Để đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, Báo cáo chỉ rõ: Cần đẩy mạnh việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân về mọi mặt; củng cố và phát triển Mặt trận dân tộc thống nhất; phát huy tinh thần yêu nước và đẩy mạnh thi đua ái quốc; triệt để giảm tô, giảm tức, tịch thu ruộng đất của thực dân và Việt gian chia cho dân cày nghèo...
Muốn làm tròn những nhiệm vụ nêu trên cần có một Đảng mạnh, hoạt động công khai, tổ chức phù hợp với tình hình thế giới và trong nước để lãnh đạo toàn dân kháng chiến đến thắng lợi. Vì vậy, Đại hội quyết định thành lập Đảng Lao động Việt Nam và hoạt động công khai nhằm kế thừa truyền thống của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Trung ương gồm 19 Ủy viên chính thức gồm:
1. Hồ Chí Minh
2. Trường Chinh
3. Nguyễn Chí Thanh
4. Lê Duẩn
5. Võ Nguyên Giáp
6. Phạm Văn Đồng
7. Phan Đình Khải (Lê Đức Thọ)
8. Nguyễn Lương Bằng
9. Hoàng Quốc Việt
10. Chu Văn Tấn
11. Tôn Đức Thắng
12. Lê Văn Lương
13. Trần Đăng Ninh
14. Hoàng Văn Hoan
15. Trần Quốc Hoàn
16. Lê Thanh Nghị
17. Nguyễn Duy Trinh
18. Phạm Hùng
19. Nguyễn Văn Khiêm
Và 10 ủy viên dự khuyết gồm:
1. Nguyễn Khang
2. Nguyễn Văn Trân
3. Hà Huy Giáp
4. Hồ Viết Thắng
5. Văn Tiến Dũng
6. Tố Hữu
7. Hồ Tùng Mậu
8. Nguyễn Văn Kỉnh
9. Nguyễn Chánh
10. Hoàng Anh
Ban Chấp hành đã cử ra Bộ Chính trị gồm 7 ủy viên chính thức: Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Hoàng Quốc Việt, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Chí Thanh và một ủy viên dự khuyết là Lê Văn Lương. Chủ tịch Đảng là Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư là Trường Chinh.
Đây là lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương của Đảng được bầu hợp thức trong một Đại hội toàn quốc. Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp trong tháng 9 và tháng 10.1951 đã ra các Nghị quyết về “Tình hình và nhiệm vụ chung”, “Về nhiệm vụ kinh tế tài chính trước mắt”, “Về nhiệm vụ và phương châm công tác vùng tạm chiến”.
Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp từ ngày 22 đến 28.4.1952 đã đề ra 4 công tác chính gồm:
a. Đẩy mạnh sản xuất
b. Đẩy mạnh đấu tranh vùng sau lưng địch;
c. Nâng cao sức chiến đấu của quân đội;
d. Xây dựng Đảng, coi công tác chỉnh đảng, chỉnh quân là công tác trung tâm.
Họp hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp từ ngày 25 - 30.1.1953 đã quyết định:
“Thực hiện chính sách ruộng đất của Đảng, tiêu diệt chế độ sở hữu ruộng đất của thực dân Pháp và của bọn đế quốc xâm lược khác ở Việt Nam, xóa bỏ chế độ phong kiến sở hữu ruộng đất của địa chủ Việt Nam và ngoại kiều, thực hiện chế độ sở hữu ruộng đất của nông dân”.
Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng diễn ra vào tháng 11.1953 giữa lúc cuộc Tổng tiến công chiến dịch Đông Xuân bắt đầu Hội nghị quyết định phát động quần chúng triệt để giảm tô và tiến hành cải cách ruộng đất, thực hiện khẩu hiệu “Người cày có ruộng” và thông qua Cương lĩnh ruộng đất của Đảng.
Ngày 7.5.1954, cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 kết thúc 9 năm kháng chiến gian khổ bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “Vang dội năm châu, chấn động địa cầu”. Hôm sau, ngày 8.5.1954, Hội nghị Genève về Đông Dương khai mạc.
Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (mở rộng) của Đảng họp từ ngày 15 - 17.7.1954 nhận định: Đế quốc Mỹ là một trợ lực chính ngăn cản việc lập lại hòa bình ở Đông Dương... Vì vậy, “Đế quốc Mỹ... hiện đang trở thành kẻ thù chính trực tiếp của nhân dân Đông Dương”.
Hội nghị Genève về lập lại hòa bình ở Đông Dương kết thúc. Ngày 10.10.1954 Hà Nội được giải phóng, Đảng và Chính phủ trở lại Thủ đô để chỉ đạo cách mạng cả nước.
Đặc điểm lớn nhất của cách mạng Việt Nam từ tháng 9.1954 là đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền, tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược, nhưng đều có một mục tiêu chung là hoàn thành giải phóng dân tộc. Tháng 3.1955, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 3 (mở rộng) đã xác định: "Kẻ thù cụ thể trước mắt của toàn dân ta là đế quốc Mỹ, phái thực dân Pháp phản Hiệp định và Ngô Đình Diệm, đế quốc Mỹ là kẻ thù đầu sỏ và nguy hiểm nhất".
Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (mở rộng) họp tháng 8.1955 nhấn mạnh: “Muốn thống nhất nước nhà điều cốt yếu là phải ra sức củng cố miền Bắc, đồng thời giữ vững và đẩy mạnh cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam", “củng cố miền Bắc là bồi dưỡng lực lượng cơ bản của ta xây dựng chỗ dựa vững chắc cho nhân dân cả nước giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất”.
Hội nghị lần thứ 9 của Trung ương họp tháng 6.1956 đã khẳng định đường lối cách mạng nước ta trong lúc này là: “Củng cố Miền Bắc, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ bằng phương pháp hòa bình, song cần phải luôn luôn cảnh giác, ra sức củng cố quốc phòng, sẵn sàng đối phó với mọi tình thế”.
Tháng 8.1956, Ban Chấp hành Trung ương họp Hội nghị lần thứ 10 bàn về đấu tranh thống nhất nước nhà và cải cách ruộng đất.
Hội nghị nhận định: “Cuộc cải cách ruộng đất của ta giành được những thắng lợi to lớn và căn bản. Song chúng ta đã phạm sai lầm nghiêm trọng và kéo dài. Hội nghị đã đề ra nhiệm vụ phải kiên quyết sửa sai trên cơ sở bảo đảm lợi ích của nhân dân lao động và đoàn kết nội bộ nông dân, phát huy kết quả và thắng lợi đã đạt được”.
Năm 1958, miền Bắc bắt đầu thực hiện kết hoạch 3 năm (1958-1961) cải tạo xã hội chủ nghĩa, bước đầu phát triển văn hóa. Tháng 12.1958, Hội nghị lần thứ 14 của Trung ương chủ trương: “Đẩy mạnh cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế cá thể của nông dân, thợ thủ công và cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thành phần kinh tế tư bản tư doanh, đồng thời ra sức phát triển thành phần kinh tế tư bản tư doanh, đồng thời ra sức phát triển thành phần kinh tế quốc doanh là lực lượng lãnh đạo toàn bộ nền kinh tế quốc dân".
Trong khi miền Bắc đang bắt tay thực hiện kế hoạch 3 năm (1958-1960) thì cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam chống Mỹ - Diệm diễn ra ngày càng quyết liệt.
Tháng 1.1959, Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (mở rộng) nhận định: Cách mạng Việt Nam lúc này phải thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Miền Nam. Hai nhiệm vụ chiến lược do khác nhau về tính chất, nhưng quan hệ hữu cơ với nhau, song song tiến hành, ảnh hưởng sâu sắc lẫn nhau, trợ lực mạnh mẽ cho nhau, nhằm phương hướng chung là giữ vững hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà, tạo điều kiện thuận lợi để đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Hội nghị Trung ương lần thứ 15 là một cột mốc quan trọng và có ý nghĩa to lớn trong quá trình nhận thức và phát triển đường lối cách mạng ở miền Nam, đáp ứng nhu cầu bức thiết của quần chúng cách mạng, góp phần tạo nên phong trào đồng khởi, bước chuyển biến nhảy vọt của cách mạng miền Nam trong năm 1959-1960.
Thắng lợi của phong trào “Đồng khởi” của nhân dân miền Nam năm 1959-1960 và việc hoàn thành kế hoạch ba năm cải tạo xã hội chủ nghĩa, phục hồi và bước đầu phát triển kinh tế và văn hóa ở miền Bắc đã khẳng định ý chí sắt đá và nguyện vọng tha thiết của nhân dân là kiên quyết giải phóng miền Nam và xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, thực hiện thống nhất đất nước.