Giáo dục

Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển 300 ứng viên gửi đi đào tạo ở nước ngoài

Nguyễn Liên 22/05/2025 14:24

Đại học Quốc gia Hà Nội vừa ban hành một số chương trình, đề án quan trọng nhằm phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học, nhóm nghiên cứu mạnh, chuẩn quốc tế.

Lộ trình để trở thành giảng viên, nhà khoa học chất lượng cao

Chương trình phát triển nguồn giảng viên, nhà khoa học giai đoạn 2026-2031 nhằm phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học kế cận có trình độ cao, được đào tạo bài bản trong và ngoài nước, đáp ứng tiêu chuẩn hội nhập, làm nòng cốt cho các lĩnh vực khoa học cơ bản, khoa học công nghệ, lĩnh vực ưu tiên chiến lược của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Mục tiêu cụ thể là tuyển chọn khoảng 300 ứng viên để đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước theo lộ trình trở thành giảng viên, nhà khoa học chất lượng cao của Đại học Quốc gia Hà Nội trong tương lai.

Đồng thời, phát triển quan hệ hợp tác lâu dài với các đại học danh tiếng đã có cam kết hỗ trợ Đại học Quốc gia Hà Nội đào tạo giảng viên, nhà khoa học như: Đại học Tokyo (Utokyo), Đại học Kyoto (KU), Đại học Quốc gia Seoul (SNU), Đại học Bắc Kinh (PKU), Đại học Thanh Hoa (Tsinghua U), Đại học Hạ Môn (XMU), Đại học Nam Kinh, Đại học Quốc gia Moskva, Đại học Paris-Saclay, Đại học Sơn Đông, Học viện Ngoại giao Moskva (MGIMO), Đại học RUDN, Đại học Năng lượng Moskva, Đại học Kinh tế Cao cấp (HSE), Đại học Khoa học và Công nghệ Moskva (MISiS),...

Tăng cường hợp tác giữa các giảng viên, nhà khoa học thông qua cơ chế đồng hướng dẫn tiến sĩ; phát triển mô hình đào tạo kết hợp nghiên cứu, hợp tác quốc tế, thực tập nước ngoài và gắn kết với các nhóm nghiên cứu mạnh tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

z6597049145118_5353cd17c6431dd9ce11654da48cbe4f.jpg
Các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu khoa học tại một phòng thí nghiệm của ĐHQGHN.Ảnh: VNU

Đối tượng tuyển chọn là học sinh, sinh viên có kết quả học tập xuất sắc, có tài năng và đam mê giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Ưu tiên học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, có tinh thần vượt khó và có nguyện vọng trở thành giảng viên, nhà khoa học.

Các ứng viên tham gia Chương trình phát triển nguồn giảng viên, nhà khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội giai đoạn 2026-2031 sẽ được ký hợp đồng đào tạo giảng viên, nghiên cứu viên nguồn/hợp đồng lao động của Đại học Quốc gia Hà Nội và được gửi đi đào tạo tại các đối tác quốc tế của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Các ứng viên cũng được tài trợ một phần hoặc toàn bộ học phí, sinh hoạt phí, chi phí đi lại, thực tập, học tập và nghiên cứu trong và ngoài nước; được hỗ trợ học ngoại ngữ, hỗ trợ chỗ ở trong thời gian học tập, nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, đối tác của Đại học Quốc gia Hà Nội ở trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, được tiếp cận, sử dụng các nguồn lực học thuật, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm trọng điểm, nhóm nghiên cứu mạnh thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội; được hỗ trợ tham gia hội thảo, tập huấn, trao đổi học thuật trong và ngoài nước; được tư vấn, hướng dẫn chuyên môn và xây dựng kế hoạch phát triển sự nghiệp cá nhân trong suốt thời gian tham gia Chương trình; tham gia mạng lưới các nhà khoa học trẻ trong và ngoài nước do Đại học Quốc gia Hà Nội thiết lập và hỗ trợ phát triển.

Đặc biệt, ứng viên được tạo điều kiện tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu cùng cán bộ khoa học (giảng viên, nghiên cứu viên) của Đại học Quốc gia Hà Nội tại các nhóm nghiên cứu mạnh, trung tâm nghiên cứu trọng điểm, phòng thí nghiệm trọng điểm. Sau khi hoàn thành Chương trình và đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định, ứng viên được tuyển dụng chính thức vào vị trí giảng viên, nghiên cứu viên tại các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đầu tư phát triển nhà khoa học xuất sắc, nhóm nghiên cứu mạnh chuẩn quốc tế

Song song với Chương trình phát triển nguồn giảng viên, nhà khoa học giai đoạn 2026-2031, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng ban hành Đề án “Đầu tư phát triển nhà khoa học xuất sắc, nhóm nghiên cứu mạnh chuẩn quốc tế”.

Theo Đề án này, giai đoạn 2024-2025, Đại học Quốc gia Hà Nội đặt mục tiêu phát triển đội ngũ 200 nhà khoa học xuất sắc, mỗi người có tối thiểu 4 bài báo công bố trên các tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus, qua đó tăng số lượng công bố quốc tế lên 400 -500 bài so với năm 2023.

Đồng thời, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ thành lập Câu lạc bộ Nhà khoa học xuất sắc VNU200 nhằm kết nối, hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái nghiên cứu chất lượng cao. Về phát triển nhóm nghiên cứu mạnh, Đại học Quốc gia Hà Nội đầu tư 50 nhóm nghiên cứu theo hai định hướng: Nhóm nghiên cứu gắn với sản phẩm ứng dụng và chuyển giao công nghệ nhằm thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu; Nhóm nghiên cứu tập trung công bố quốc tế đỉnh cao, nâng cao vị thế học thuật của Đại học Quốc gia Hà Nội.

ai7i2526_1.jpg
Giai đoạn 2024-2025, Đại học Quốc gia Hà Nội đặt mục tiêu phát triển đội ngũ 200 nhà khoa học xuất sắc. Ảnh: VNU

Ngân sách khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2025 được phân bổ ưu tiên hỗ trợ các nhóm nghiên cứu mạnh, phòng thí nghiệm trọng điểm, nhà khoa học xuất sắc và tiến sĩ trẻ. Đồng thời, nguồn lực được tập trung đầu tư cho các đề tài có sản phẩm ứng dụng, hỗ trợ công bố quốc tế, đăng ký sở hữu trí tuệ và thành lập doanh nghiệp spin-off. Các chương trình khoa học công nghệ trọng điểm về kinh tế biển, khoa học sức khỏe, công nghệ chip - bán dẫn cũng tiếp tục được triển khai, bên cạnh việc mở rộng sang các lĩnh vực công nghiệp văn hóa, kinh tế đổi mới sáng tạo, máy gia tốc và sinh học.

Giai đoạn tiếp theo từ 2026 đến 2030 được kỳ vọng trở thành bước đột phá toàn diện khi Đại học Quốc gia Hà Nội đặt mục tiêu trở thành đại học nghiên cứu chuẩn quốc tế và lọt vào nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế. Mục tiêu công bố quốc tế trung bình đạt 1,8 bài báo mỗi giảng viên, phát triển câu lạc bộ 500 nhà khoa học xuất sắc và 1.000 nhà khoa học tiềm năng được đặt ra rõ ràng.

Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến đầu tư và phát triển 100 nhóm nghiên cứu mạnh, ưu tiên các chương trình đào tạo quốc gia trọng điểm, đồng thời phát triển 15-20 lĩnh vực khoa học được xếp hạng quốc tế và xây dựng hệ thống tạp chí khoa học chuẩn quốc tế. Ngoài ra, hệ sinh thái doanh nghiệp spin-off và startup trong đại học cũng được xây dựng vững chắc, tạo môi trường nghiên cứu gắn kết chặt chẽ giữa khoa học và ứng dụng thực tiễn.

Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phạm Bảo Sơn cho biết, một trong những điểm nhấn trong Đề án là các chính sách tài chính và ưu đãi vượt trội nhằm thu hút và giữ chân nhà khoa học xuất sắc. Thu nhập của các nhà khoa học được thiết kế theo cơ chế lương cứng kết hợp thu nhập tăng thêm dựa trên hiệu suất công việc (KPI-based Salary), đảm bảo mức thu nhập tối thiểu gấp 3 lần đối với nhà khoa học chuẩn Đại học Quốc gia Hà Nội và gấp 5 lần đối với nhà khoa học chuẩn quốc tế.

Ngoài ra, Đại học Quốc gia Hà Nội còn triển khai cơ chế thưởng công trình đột phá với mức thưởng hấp dẫn cho các bài báo khoa học thuộc top 1% ngành (200-300 triệu đồng/bài), bài báo nhóm Q1 (100 triệu đồng/bài), cùng thưởng cao cho sáng chế quốc tế, với mức thưởng lên tới 1 tỷ đồng cho mỗi sáng chế được cấp bằng bảo hộ. Đặc biệt, các nhà khoa học còn được hưởng phần trăm doanh thu từ việc thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, tạo động lực mạnh mẽ cho hoạt động nghiên cứu gắn với thực tiễn.

Chính sách thu hút tài trợ từ doanh nghiệp và các quỹ nghiên cứu tư nhân được thiết lập chặt chẽ, thông qua cơ chế “doanh nghiệp bảo trợ nhà khoa học” và việc cho phép cá nhân, tổ chức đóng góp trực tiếp vào Quỹ phát triển khoa học xuất sắc. Nhà khoa học xuất sắc còn được ưu tiên tham gia các chương trình khoa học công nghệ trọng điểm của đất nước và đại học, được tài trợ chi phí tham dự hội nghị quốc tế hàng năm, cấp học bổng cho nghiên cứu sinh do họ hướng dẫn, và có cơ chế nghỉ nghiên cứu tại các trung tâm khoa học hàng đầu thế giới như Harvard, MIT, Oxford.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển 300 ứng viên gửi đi đào tạo ở nước ngoài
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO