Giáo dục

Đại học Quốc gia Hà Nội mở rộng hợp tác với Học viện Hành chính công và kinh tế quốc dân Nga (RANEPA)

Nguyễn Liên 13/05/2025 11:54

Trong khuôn khổ chuyến công tác của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Liên bang Nga, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng Học viện Hành chính công và kinh tế quốc dân Nga trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga (RANEPA) đã ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác.

Ngày 12/5, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội GS Lê Quân và Giám đốc RANEPA GS Alexey Gennadievich Komissarov đã có buổi gặp gỡ, trao đổi để thúc đẩy các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ thỏa thuận đã ký.

VNU - RENEPA (LB Nga) (5)
Lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội và RANEPA gặp gỡ, trao đổi để thúc đẩy các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ thỏa thuận đã ký. Ảnh: Tuấn Anh

Nhiều nội dung hợp tác quan trọng

Theo văn bản thỏa thuận, Đại học Quốc gia Hà Nội và RANEPA sẽ triển khai các hình thức hợp tác về học thuật, nghiên cứu, khoa học, giáo dục, giao lưu văn hóa giữa hai bên, bao gồm xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo ngắn hạn chung.

Hai bên sẽ xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo nâng cao năng lực trình độ, bồi dưỡng dành cho cán bộ lãnh đạo và quản lý; nâng cao trình độ bồi dưỡng dành cho công chức, viên chức thông qua các chương trình đào tạo ngắn hạn của RANEPA, với số lượng người học lên đến 100 công viên chức của Việt Nam trong giai đoạn từ 2025 đến 2030; tổ chức các sự kiện chung về giáo dục, trao đổi khoa học và giao lưu văn hóa.

Phát biểu tại buổi làm việc, GS Alexey Gennadievich Komissarov đã chia sẻ lại một số nội dung trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại RANEPA vào ngày 10/5 vừa qua, trong đó Tổng Bí thư mong muốn Học viện mở rộng hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học tại Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực hành chính công, kinh tế quốc tế và quan hệ quốc tế.

GS Alexey Gennadievich Komissarov bày tỏ tin tưởng, việc triển khai hợp tác giữa RANEPA và Đại học Quốc gia Hà Nội không chỉ thể hiện vị thế của các đại học hàng đầu mỗi nước mà còn góp phần tăng cường hợp tác giáo dục và khoa học công nghệ, đáp ứng kỳ vọng của lãnh đạo cấp cao Nga và Việt Nam.

Ông đánh giá cao chương trình trải nghiệm do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức dành cho sinh viên RANEPA vào hồi đầu năm 2025. Chương trình không chỉ mang đến trải nghiệm văn hóa mà còn mở ra cơ hội học thuật và hợp tác bền vững giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và RANEPA.

Thông qua các hoạt động trao đổi sinh viên, giảng viên và các chương trình nghiên cứu chung, các bên đã và đang tạo ra “nhịp cầu hợp tác” về đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và thúc đẩy quốc tế hoá giáo dục và hội nhập quốc tế.

Cùng với hợp tác trong phát triển các chương trình đào tạo và dự án nghiên cứu chung, GS Alexey Gennadievich Komissarov mong rằng hai đại học sẽ mở rộng các hoạt động trải nghiệm, thực tập, thực tế cho sinh viên.

Đề xuất RANEPA tiếp nhận giảng viên, nhà khoa học trẻ Đại học Quốc gia Hà Nội sang trao đổi, giảng dạy

Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân bày tỏ vui mừng khi được đến thăm, làm việc và kết nối hợp tác với các cơ sở giáo dục hàng đầu của Liên bang Nga, trong đó có RANEPA nhằm tăng cường hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu cũng như đóng góp vào việc tăng cường mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga, đặc biệt trong bối cảnh hai nước đang cùng nhau kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

VNU - RENEPA (LB Nga) (4)

VNU - RENEPA (LB Nga) (3)
GS Lê Quân cùng đoàn công tác của ĐHQGHN thăm RANEPA, nơi lưu giữ luận án của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Tuấn Anh

Theo GS Lê Quân, trong suốt những năm qua, sự đóng góp của nền giáo dục và khoa học Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay đối với Việt Nam có ý nghĩa to lớn và giá trị cơ bản sâu sắc.

Từ những năm 1950 đến nay, Liên Xô và nước Nga, đã đào tạo hàng trăm ngàn cán bộ giảng dạy và nghiên cứu khoa học cho Việt Nam. Trong số đó, có hàng trăm cán bộ giảng dạy, giáo chức lão thành của Đại học Quốc gia Hà Nội đã được đào tạo cơ bản và chuyên sâu, có đóng góp không nhỏ cho nền khoa học và giáo dục đại học Việt Nam.

Có thể kể đến GS Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, GS Viện sĩ Nguyễn Văn Đạo - Giám đốc đầu tiên của Đại học Quốc gia Hà Nội, GS Nguyễn Tài Cẩn - người đầu tiên đã đem ngôn ngữ Việt Nam tới Liên Xô như một chuyên ngành khoa học. Ngoài ra, còn rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã và đang làm rạng danh nền khoa học Xô Viết ngay tại Việt Nam.

GS Lê Quân chia sẻ, trong bối cảnh toàn cầu hóa và quốc tế hóa mạnh mẽ, Đại học Quốc gia Hà Nội đang ngày càng khẳng định vai trò là trung tâm học thuật tiên phong, đồng thời là cầu nối chiến lược thúc đẩy hợp tác quốc tế sâu rộng, đặc biệt với các đối tác truyền thống, trong đó có Liên bang Nga.

Với bề dày quan hệ hợp tác giáo dục - nghiên cứu lâu đời giữa Việt Nam và Liên bang Nga, Đại học Quốc gia Hà Nội không chỉ kế thừa mà còn chủ động phát triển các mô hình liên kết bền vững, hiện đại và đa chiều.

Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá cao sáng kiến của hai đại học trong phối hợp thiết kế và tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu dành cho cán bộ, công chức Việt Nam.

Các chương trình này sẽ do các chuyên gia và giảng viên của RANEPA trực tiếp giảng dạy, tập trung vào những nội dung như quản trị công, hoạch định chính sách, lãnh đạo và quản lý trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số.

Việc tổ chức các khóa đào tạo có thể được thực hiện linh hoạt dưới hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc kết hợp, nhằm đảm bảo chất lượng và đáp ứng nhu cầu thực tiễn của Việt Nam.

Đồng thời, hai bên phối hợp xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo liên kết trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ trong các lĩnh vực như quản trị đại học, chính sách công, phát triển bền vững và chuyển đổi số.

GS Lê Quân mong rằng RANEPA sẽ tiếp nhận các giảng viên, nhà khoa học trẻ của Đại học Quốc gia Hà Nội sang trao đổi, giảng dạy và kết nối thực hiện các dự án nghiên cứu chung. Ông cũng gửi lời mời trân trọng tới GS Alexey Gennadievich Komissarov và các nhà khoa học của RANEPA tham dự Hội thảo quốc tế Việt Nam học do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức vào tháng 10 năm nay.

GS Alexey Gennadievich Komissarov nhất trí với những đề xuất hợp tác của Giám đốc Lê Quân cũng như bày tỏ vui mừng, vinh dự nhận lời mời tham dự hội thảo của Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông cho biết, không chỉ cử các nhà khoa học, chuyên gia, cá nhân ông cũng sẽ tham dự Hội thảo này của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Học viện Hành chính Công và Kinh tế quốc dân trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga (RANEPA) là cơ sở giáo dục đại học lớn nhất Liên bang Nga với hơn 50 chi nhánh trên toàn quốc nằm ở Tây Nam thủ đô Moskva.

RANEPA được biết đến là cơ sở giáo dục danh tiếng và truyền thống, không chỉ là nơi đào tạo các chuyên gia quản lý cho đất nước Nga rộng lớn mà còn có lịch sử gắn liền với rất nhiều nhà lý luận tư tưởng cộng sản lớn của Việt Nam.

RANEPA hay còn gọi là Học viện Tổng thống, có lịch sử từ năm 1921 - khi Lãnh tụ V.I Lenin ký sắc lệnh thành lập “Học viện Giáo sư Đỏ”. Trong suốt lịch sử của mình, Học viện đã nhiều lần đổi tên. Tuy nhiên, nhiệm vụ đặt ra cho Học viện không thay đổi là đào tạo cũng như nâng cao năng lực cho các nhà tư tưởng và chuyên gia quản lý đất nước.

Thời kỳ Liên Xô, từ tháng 8/1946 đến năm 1991, Học viện có tên gọi Viện Khoa học Xã hội trực thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (AON) và đó cũng là giai đoạn Việt Nam cử nhiều nhà lý luận tư tưởng sang học tập và nghiên cứu.

Trong danh sách hiện còn lưu trữ tại Học viện Tổng thống có tên nhiều nhà tư tưởng, lý luận chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong số này, nhiều người đã giữ các cương vị cao như nguyên Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, nguyên Bộ trưởng Y tế - Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Nguyên Phương; nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin Phạm Quang Nghị; nguyên Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản - Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn… và đặc biệt là cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

RANEPA cung cấp một hệ thống chương trình đào tạo đa dạng và linh hoạt từ bậc cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ đến các chương trình nâng cao năng lực hành chính và lãnh đạo. Học viện hiện giảng dạy hơn 110 chương trình cử nhân, hàng trăm chương trình thạc sĩ và gần 70 chương trình nghiên cứu chuyên sâu trong các lĩnh vực như kinh tế học, tài chính công, luật, quản trị doanh nghiệp, công nghệ chính sách và cải cách hành chính.

Đặc biệt, RANEPA là đơn vị tiên phong trong việc phát triển và triển khai các chương trình thạc sĩ hành chính công (MPA) - mô hình đã chứng minh hiệu quả trong việc nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đại học Quốc gia Hà Nội mở rộng hợp tác với Học viện Hành chính công và kinh tế quốc dân Nga (RANEPA)
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO