Ngày 5.2, Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội có thông tin chính thức về việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực (HSA) năm 2025.
Theo đó, đối tượng dự thi là học sinh đang học lớp 12, có nguyện vọng thi HSA, tuân thủ quy định phòng dịch của chính quyền địa phương (nếu có). Kỳ thi năm 2025 được tổ chức làm 6 đợt, đợt thi sớm nhất diễn ra vào hai ngày 15.3 và 16.3; đợt muộn nhất diễn ra vào hai ngày 17.5 và 18.5.
Thời gian và địa điểm thi cụ thể như sau:
Thí sinh lập tài khoản dự thi tại http://khaothi.vnu.edu.vn/ hoặc http:/hsa.edu.vn/ và chọn ca thi tương ứng. Hệ thống chỉ cho phép tài khoản đăng nhập và thao tác trên một thiết bị máy tính tại cùng thời điểm.
Thí sinh chỉ được lựa chọn 1 ca thi duy nhất trong các đợt thi từ 9h ngày 23.2 đến 16h30 ngày 2.3. Hệ thống sẽ mở cho thí sinh lựa chọn ca thi thứ hai (nếu có nguyện vọng) từ 9h ngày 3.3 đến khi trước ngày thi chính thức 14 ngày.
Lệ phí đăng ký và dự thi nộp trực tuyến trong 96 giờ kể từ khi hoàn thành đăng ký ca thi. Sau 96 giờ thí sinh không nộp lệ phí, ca thi sẽ tự động hủy. Chi tiết hướng dẫn đăng ký dự thi và nộp phí đăng ký dự thi xem tại http://khaothi.vnu.edu.vn/.
Hệ thống cho phép thí sinh đăng ký tối đa 2 lượt thi/năm (tính đến ngày 31/12/2025). Hai lượt thi liên tiếp cách nhau tối thiểu 28 ngày. Ca thi sẽ tự động đóng trước 14 ngày thi chính thức.
Theo Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội, lệ phí dự thi từ năm 2025 là 600.000 đồng/thí sinh/lượt thi. Lệ phí đã nộp không hoàn lại với bất kỳ lí do gì. Thí sinh đọc kỹ hướng dẫn và cân nhắc kỹ trước khi nộp lệ phí. Giấy báo dự thi được chuyển qua email và thông báo trên tài khoản dự thi trước ngày thi chính thức 7 ngày.
Kể từ ngày 15.2, kỳ thi đánh giá năng lực (HSA) do Viện Đào tạo số và Khảo thí trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức. Các đợt thi diễn ra từ ngày 15.3 đến ngày 18.5 tại Hà Nội, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Thanh Hóa,... Công tác tổ chức thi đảm bảo chống dịch bệnh và kế hoạch học tập của học sinh niên khóa 2022-2025.
Kỳ thi đánh giá năng lực là kỳ thi độc lập do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, được xây dựng dựa trên các tiêu chí chuẩn quốc tế nhằm đo lường năng lực cốt lõi của học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Kết quả kỳ thi không chỉ được sử dụng để xét tuyển vào các trường đại học tại Việt Nam mà còn hướng đến khả năng áp dụng trong môi trường giáo dục quốc tế.
Bài thi đánh giá năng lực làm trên máy tính, thời gian từ 195-199 phút, gồm 2 phần thi bắt buộc về các lĩnh vực Toán học & Xử lí số liệu (50 câu hỏi, 75 phút) và Văn học - Ngôn ngữ (50 câu hỏi, 60 phút). Phần thi thứ ba (50 câu hỏi, 60 phút) thí sinh lựa chọn phần Khoa học hoặc Tiếng Anh. Đề thi tham khảo đã được công bố tại cổng thông tin khảo thí http://khaothi.vnu.edu.vn/. Trong mỗi phần thi có thể xuất hiện thêm 1 câu hỏi thử nghiệm không tính điểm.
Sau khi dự thi, thí sinh tra cứu kết quả thi và nhận Giấy chứng nhận kết quả thi sau 14 ngày dự thi. Giấy chứng nhận kết quả được gửi qua đường thư bảo đảm theo địa chỉ và số điện thoại khai báo tại tài khoản đăng ký thi HSA.
Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, năm 2025, cấu trúc bài thi được điều chỉnh khoảng 15% so với cấu trúc bài thi giai đoạn 2021 -2024 và tập trung chủ yếu ở phần thứ ba - phần thi Khoa học.
Bài thi đánh giá năng lực có ba phần: Toán học và Xử lý số liệu, Văn học - Ngôn ngữ, Khoa học. Điểm nổi bật của bài thi năm 2025 là thí sinh được lựa chọn phần thi thứ ba theo sở trường, năng lực chuyên biệt.
Cụ thể, phần thi thứ ba được cải tiến với 50 câu hỏi thi trong 60 phút. Để hoàn thành phần thi này, thí sinh có hai cách lựa chọn: phần thi Khoa học hoặc tiếng Anh. Ở phần thi Khoa học, thí sinh được lựa chọn 3 trong 5 chủ đề vật lí, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lí. Phần thi này phát huy sở trường các bạn lựa chọn môn học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Ngoài ra, thí sinh cũng có thể chọn phần thi tiếng Anh thay thế phần thi Khoa học để xét tuyển vào các ngành đào tạo ngoại ngữ, văn hóa và ngôn ngữ nước ngoài.
Bài thi Đánh giá năng lực đánh giá thí sinh theo thang Bloom từ mức độ nhớ - hiểu, vận dụng, phân tích, đánh giá và có thể đến tận cấp độ sáng tạo. Các câu hỏi thiết kế để đạt được mục tiêu đánh giá năng lực thí sinh theo cấp độ trên. Điểm của bài thi được tính dựa theo số câu hỏi trả lời đúng. Câu hỏi trả lời sai không tính điểm.
Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, năm 2025, dự kiến sẽ có gần 100 trường đại học, học viện sử dụng kết quả thi Đánh giá năng lực (HSA) để xét tuyển.