Đại biểu Quốc hội Thái Văn Thành: Giao quyền quản lý biên chế cho Bộ GD-ĐT sẽ khắc phục được “điểm nghẽn” của ngành Giáo dục

Theo GS.TS Thái Văn Thành, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, việc giao quyền quản lý biên chế cho Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đáng ra phải được tiến hành sớm hơn thì sẽ khắc phục được những tồn tại, bất cập và điểm nghẽn lâu nay trong ngành Giáo dục.

Dự thảo Luật Nhà giáo đang trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV.

Một trong những điểm mới của Dự thảo Luật Nhà giáo là giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Trong đó, Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng, nội dung thực hành sư phạm trong thi/xét tuyển nhà giáo; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao.

Các cơ quan quản lý giáo dục chủ trì (hoặc phân cấp cho cơ sở giáo dục) thực hiện tuyển dụng, điều động, bố trí, đánh giá, bổ nhiệm nhà giáo.

Việc giao quyền quản lý biên chế cho Bộ GD-ĐT đáng ra phải tiến hành sớm hơn

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, GS.TS Thái Văn Thành, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cho rằng, quy định Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan “chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định” được nêu trong Dự thảo Luật Nhà giáo là phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.

Theo ông, việc giao quyền quản lý biên chế cho Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đáng ra phải được tiến hành sớm hơn thì sẽ khắc phục được những tồn tại, bất cập và điểm nghẽn lâu nay trong ngành Giáo dục. Đây cũng là mong mỏi của phần lớn cử tri và đặc biệt là hơn 1,6 triệu nhà giáo trên toàn quốc. Nhà giáo rất mong mỏi, kỳ vọng vào Dự án Luật Nhà giáo lần này.

bna-z3460837186650-1813f8ba935dc5abfc1bba2e99bb4810-2730-n1.jpg
GS.TS Thái Văn Thành, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An

GS.TS Thái Văn Thành chia sẻ, thực tế hiện nay, ngành Giáo dục không được chủ trì trong việc tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Điều này dẫn tới những điểm nghẽn.

“Vì sao ngành Giáo dục thiếu khoảng 120.000 giáo viên, trong đó 72.000 người là chưa tuyển dụng được? Nguyên nhân công tác tuyển dụng chậm trễ là bởi chúng ta có nhiều khâu, nhiều tầng lớp, dẫn đến “ách tắc”, ông Thành nhìn nhận.

Bên cạnh đó, việc ngành Giáo dục không được chủ trì, chủ động trong quản lý biên chế cũng khiến ngành không xây dựng được quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo. Khi có quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo mới xác định được nguồn đầu vào đào tạo giáo viên, thu hút được những học sinh phổ thông xuất sắc, học sinh giỏi yêu quý nghề dạy học vào học sư phạm; hoặc thực hiện Nghị định 116 về hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm. Lâu nay, ngành Giáo dục khó thực hiện bởi khi đào tạo, đặt hàng sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường rồi, nhưng biên chế không nắm được.

Đại biểu Quốc hội Thái Văn Thành cho rằng, khi giao quyền quản lý biên chế cho Bộ GD-ĐT, ngành Giáo dục không chỉ được chủ động trong quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo mà còn được chủ động trong việc sử dụng, điều động, biệt phái, đánh giá, sàng lọc đội ngũ giáo viên.

Ông phân tích, nghề dạy học có những đặc trưng, đặc thù riêng, khác với tất cả ngành nghề khác.

Mục đích của lao động sư phạm là đào tạo ra những học sinh phát triển toàn diện, những công dân tốt, đóng góp cho sự phát triển xã hội. Đối tượng lao động sư phạm là những học sinh có nhân cách đang hình thành và phát triển. Sản phẩm lao động là những con người, những nhân cách được phát triển toàn diện. Nhờ giáo dục đào tạo, chúng ta có những công dân tốt, nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu đất nước hiện nay, như Tổng Bí thư Tô Lâm nói về “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Với việc được giao quyền chủ động trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo, ngành Giáo dục có thể điều động giáo viên từ cơ sở giáo dục hay nói ngắn gọn là từ trường này sang trường khác, từ huyện này sang huyện khác và từ tỉnh này sang tỉnh khác. Điều này ở hiện tại ngành Giáo dục không thể thực hiện.

“Giao cho ngành Nội vụ quản lý thì sẽ đóng khung trong từng huyện. Ngay cả trong một tỉnh thì huyện này thừa huyện kia thiếu giáo viên bộ môn, nhưng không điều động được”, ông Thành cho hay.

Ngoài ra, ngành Giáo dục cần đầu tư cho những trường trọng điểm chất lượng cao hay trường tiên tiến, có mô hình trường học chất lượng. Đây sẽ là những trường có nhiệm vụ tiên phong, dẫn dắt, làm “đầu tàu” để lan tỏa cho tất cả các trường cùng cấp học trong huyện. Tại những trường này, về mục tiêu giáo dục, nội dung, phương pháp giảng dạy, kỹ thuật dạy học, hình thức đánh giá theo phẩm chất năng lực, xây dựng mô hình nhà trường,... đều phải làm tốt.

Như vậy, ngành giáo dục phải được chủ động trong việc điều động những giáo viên có năng lực, tài năng và đạo đức, tư cách, tâm huyết với nghề sang làm cốt cán cho trường trọng điểm. Với cơ chế hiện nay, chúng ta không thể thực hiện.

Về công tác đánh giá, theo GS.TS Thái Văn Thành, khi được giao quyền chủ động trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo, ngành Giáo dục sẽ đánh giá và có sàng lọc về giáo viên, đưa ra quyết định những giáo viên yếu thì phải bố trí như thế nào, phải đào tạo, bồi dưỡng ra sao; những giáo viên vi phạm phẩm chất đạo đức nhà giáo thì có thể sàng lọc, đưa ra khỏi biên chế,...

Dự thảo Luật Nhà giáo thấm đậm rất sâu sắc Kết luận 91 của Bộ Chính trị

GS.TS Thái Văn Thành nhìn nhận, Dự thảo Luật Nhà giáo được xây dựng một cách bài bản, khoa học, rất công phu, lấy ý kiến của phần lớn đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cũng như cán bộ quản lý ở các cơ sở giáo dục. Có thể nói, Dự thảo Luật đã thấm đậm rất sâu sắc Kết luận 91 của Bộ Chính trị và Nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đổi mới quản lý giáo dục.

Ông cho rằng, khi Luật này ra đời sẽ đáp ứng được việc thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước một cách sâu sắc và sớm đi vào thực tiễn giáo dục.

Ông cho biết thêm, những điểm mới được đưa ra trong Dự thảo Luật Nhà giáo đều là những chính sách rất hay, thể hiện sự đổi mới của Đảng, Nhà nước đối với vấn đề phát triển giáo dục nói chung và nhà giáo nói riêng.

Tuy nhiên, nên rà soát lại với một số Luật khác liên quan đến nhà giáo để tránh sự chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót quản lý nhà nước về nhà giáo.

Bên cạnh đó, cần xác định rõ nguồn lực để thực hiện các chính sách đối với nhà giáo (như tiền lương, phụ cấp, chế độ thu hút, ưu đãi…), nguồn lực của Trung ương và nguồn lực của địa phương như thế nào để khi Luật đưa vào thực tiễn cuộc sống có thể bảo đảm điều kiện thực hiện các chính sách mà Luật đề ra.

Giáo dục

Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X: Sáng kiến tủ sách tiếng Việt đạt giải Nhì
Giáo dục

Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X: Sáng kiến tủ sách tiếng Việt đạt giải Nhì

Tối 03.12.2024, đã diễn ra Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X. Tác phẩm Tủ sách tiếng Việt (dành cho người Việt Nam ở nước ngoài) của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (Bộ Giáo dục và đào tạo) đã đạt Giải Nhì – Hạng mục Sáng kiến sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại.

“Siết” chỉ tiêu xét tuyển sớm: Những trường áp dụng tỷ lệ lớn xét tuyển học bạ sẽ bị ảnh hưởng
Giáo dục

“Siết” chỉ tiêu xét tuyển sớm: Những trường áp dụng tỷ lệ lớn xét tuyển học bạ sẽ bị ảnh hưởng

Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Thương mại cho rằng những trường đại học vốn áp dụng tỷ lệ rất lớn cho phương thức xét tuyển bằng học bạ sẽ bị ảnh hưởng bởi quy định ràng buộc chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20%, đặc biệt là các trường tốp dưới.

Học viện Ngoại giao tròn 65 năm thành lập và phát triển
Giáo dục

Học viện Ngoại giao tròn 65 năm thành lập và phát triển

Ngày 2.12, Học viện Ngoại giao tổ chức lễ Kỷ niệm 65 năm thành lập. Trong suốt 65 năm xây dựng và phát triển Học viện là cơ sở nghiên cứu khoa học, đào tạo về quan hệ quốc tế hàng đầu Việt Nam, góp phần đắc lực vào sự nghiệp đối ngoại và hội nhập quốc tế của đất nước.

Tổng giảng viên dạy tiến sĩ phải công bố ít nhất 50 bài báo khoa học để mở ngành đào tạo
Giáo dục

Tổng giảng viên dạy tiến sĩ phải công bố ít nhất 50 bài báo khoa học để mở ngành đào tạo

Đây là một trong những điểm mới trong Thông tư số 16/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18.1.2022 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.