Kinh tế

Đại biểu Quốc hội kiến nghị tăng ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe điện

Hà Lan 09/05/2025 14:08

Góp ý dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), nhiều ĐBQH cho rằng cần tăng ưu đãi thuế để thúc đẩy thị trường xe điện và phương tiện xanh tại Việt Nam.

Sáng 9/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Theo ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận), quy định mức thuế thấp cho xe điện trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) là bước đi đúng hướng, nhưng "vẫn chưa đủ mạnh" để tạo chuyển biến thực sự cho thị trường.

dsc_2757.jpg
ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) phát biểu tại hội trường sáng 9/5. Ảnh: Lâm Hiển

Theo dự thảo Luật, xe điện chạy pin được áp dụng thuế suất ưu đãi từ 3% đến 11% tùy thời điểm đến năm 2027, sau đó sẽ tăng trở lại. Ông Thông lo ngại: "Nếu thuế tăng sau năm 2027, thị trường xe điện trong nước có nguy cơ “chết yểu” trước khi kịp phát triển".

Từ đó, ông đề xuất kéo dài chính sách ưu đãi thuế suất thấp (3–5%) ít nhất đến năm 2030 nhằm đồng bộ với các chiến lược chuyển đổi năng lượng và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, ông nhấn mạnh cần có thêm ưu đãi riêng dành cho xe điện sản xuất trong nước, qua đó thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ nội địa.

ĐBQH Nguyễn Hữu Thông cũng đề xuất bổ sung quy định tính thuế dựa trên cả giá xe và giá pin, bộ sạc – trong trường hợp các thiết bị này không được bán riêng theo hóa đơn độc lập. "Việc tách riêng giá pin hoặc trạm sạc có thể dẫn đến gian lận thuế, gây thất thu ngân sách", ông cảnh báo.

Bên cạnh xe điện thuần, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông kiến nghị mở rộng chính sách ưu đãi thuế cho xe hybrid – đặc biệt là dòng xe hybrid tự sạc.

Ông cho biết, phần lớn xe hybrid tại Việt Nam hiện nay là loại tự nạp điện, không phụ thuộc hạ tầng sạc, nhưng vẫn tiết kiệm nhiên liệu và giảm đáng kể lượng khí thải.

"Nhiều nghiên cứu chỉ ra, xe hybrid có thể tiết kiệm 30–50% nhiên liệu và giảm đến 61% lượng CO2 thải ra trong môi trường đô thị. Đây là giải pháp khả thi trong điều kiện hạ tầng còn hạn chế hiện nay", ĐBQH Nguyễn Hữu Thông nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam) cho rằng dự thảo Luật chưa thể hiện rõ ưu đãi thuế cho xe điện và phương tiện sử dụng năng lượng sạch.

DBQH Trần Văn Khải (Hà Nam)
ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam) phát biểu tại phiên thảo luận sáng 9/5. Ảnh: Lâm Hiển

"Chính sách phải đặt người dân vào trung tâm – được tiếp cận phương tiện hiện đại, chi phí vận hành thấp. Nhà nước thì đạt mục tiêu giảm phát thải, phát triển công nghệ cao, còn doanh nghiệp nội địa có cơ hội vươn lên dẫn dắt thị trường xe sạch trong khu vực", ông Khải nói.

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), được Quốc hội thảo luận tại hội trường sáng 9/5, quy định: áp dụng thuế suất cho xe hybrid bằng 70% mức thuế hiện hành đối với xe cùng loại chạy bằng xăng, dầu, không phân biệt xe hybrid tự nạp (HEV) hay xe hybrid có hệ thống nạp điện ngoài (PHEV).

Mức ưu đãi này tương đương với quy định hiện hành. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp sản xuất ô tô, thực tế thời gian qua, chỉ xe hybrid có hệ thống nạp điện ngoài (PHEV) được hưởng ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt 70% trong khi phần lớn xe hybrid đang lưu hành và phổ biến trên thị trường là xe hybrid tự nạp (HEV) lại chưa được ưu đãi.

Tại tọa đàm "“Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe hybrid và xe pick-up”, do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức mới đây, các chuyên gia và ĐBQH cho rằng, cần mức ưu đãi tương xứng hơn nữa cho xe hybrid, nhất là xe hybrid tự nạp (HEV), thay vì ưu đãi 30% thuế suất như dự thảo Luật đề xuất.

Ông Phan Đức Hiếu, ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính, ủng hộ ưu đãi 50% thuế cho các dòng xe hybrid, không phân biệt xe tự nạp (HEV) hay xe có hệ thống nạp điện ngoài (PHEV). "Cần có chính sách thuế đủ hấp dẫn để thay đổi hành vi tiêu dùng", ông Hiếu nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc cho rằng, muốn hướng tới bảo vệ môi trường, tạo thói quen tiêu dùng xanh thì trước mắt cần “hy sinh” nguồn thu ngân sách một chút. Nhưng, xét đến cùng, ưu đãi thuế đó không phải là “hy sinh” mà chính là nuôi dưỡng nguồn thu bởi phần nguồn lực từ ưu đãi thuế lại được đưa vào tiêu thụ, sản xuất... bù lại.

“Đến lúc chúng ta cần cân nhắc để tạo ra “cú hích”. Hiện nay, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam đề xuất thuế tiêu thụ đặc biệt giảm 30% cho xe HEV và giảm 50% cho xe PHEV so với các xe động cơ đốt trong cùng loại. "Nếu bây giờ khuyến khích tất cả, cùng giảm 50% thì rất tốt”, bà Cúc nói.

Theo tính toán của Công ty TNHH Thuế và Tư vấn KPMG, trong giai đoạn 2026 – 2030, nếu được khuyến khích đúng mức, xe hybrid tự nạp (HEV) hay xe hybrid có hệ thống nạp điện ngoài (PHEV) có thể giúp giảm hơn 2,6 triệu tấn CO₂, tương đương khoảng 333 tỷ đồng tín chỉ carbon.

Về kinh tế, chính sách này sẽ khuyến khích đầu tư công nghệ, mở rộng sản xuất trong nước, góp phần phát triển ngành công nghiệp ô tô nội địa. Ước tính, trong năm đầu tiên nếu chính sách được áp dụng, người dân sẽ tiết kiệm được khoảng 26.000 tỷ đồng chi phí nhiên liệu và 28.000 tỷ đồng chi phí nhập khẩu dầu thô.

Về ngân sách nhà nước, dù có thể giảm thu khoảng 5.000 tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, việc mở rộng thị trường xe hybrid sẽ tăng nguồn thu từ sản xuất, tiêu dùng và các ngành công nghiệp phụ trợ, đồng thời giảm áp lực nhập siêu từ nhiên liệu.

Đặc biệt, chính sách này còn phù hợp với điều kiện hạ tầng hiện nay. Khác với xe điện thuần túy, xe hybrid không cần trạm sạc, không thay đổi thói quen sử dụng và vận hành như xe truyền thống, từ đó phù hợp với đa số người tiêu dùng, nhất là trong giai đoạn đầu chuyển đổi.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đại biểu Quốc hội kiến nghị tăng ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe điện
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO