Đại biểu Quốc hội Khóa XIII Bùi Thị An: "Để Bộ GD-ĐT chủ động tuyển giáo viên là phù hợp với điều kiện thực tiễn"

Đại biểu Quốc hội Khóa XIII Bùi Thị An nhìn nhận, việc Bộ GD-ĐT không được quản lý chung về vấn đề biên chế, không được chủ động tuyển giáo viên, phải chờ phân bổ chỉ tiêu từ Bộ Nội vụ và ủy ban nhân dân cấp tỉnh là không phù hợp với điều kiện thực tiễn. Điều này dẫn đến tình trạng có nơi thừa, có nơi thiếu giáo viên; thậm chí ngay trong một trường cũng có tình trạng bộ môn này thừa giáo viên nhưng bộ môn kia lại thiếu.

Việc giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo là một trong những điểm mới của Dự thảo Luật Nhà giáo, đang trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu.

Trong đó, Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng, nội dung thực hành sư phạm trong thi/xét tuyển nhà giáo; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao.

Các cơ quan quản lý giáo dục dục chủ trì (hoặc phân cấp cho cơ sở giáo dục) thực hiện tuyển dụng, điều động, bố trí, đánh giá, bổ nhiệm nhà giáo.

Theo Đại biểu Quốc hội Khóa XIII Bùi Thị An, quy định Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan “chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định” được nêu trong Dự thảo Luật Nhà giáo là phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam hiện nay.

Bà An nhìn nhận, giai đoạn vừa qua, Bộ GD-ĐT không quản lý chung về vấn đề biên chế, không được chủ động tuyển giáo viên, phải chờ phân bổ chỉ tiêu từ Bộ Nội vụ và ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Điều này không phù hợp với điều kiện thực tiễn, dẫn đến tình trạng có nơi thừa, có nơi thiếu giáo viên; thậm chí ngay trong một trường cũng có tình trạng bộ môn này thừa giáo viên nhưng bộ môn kia lại thiếu. Như vậy, chất lượng đào tạo sẽ kém, kéo theo ảnh hưởng tới chất lượng nguồn lực.

“Việc quản lý của Bộ Nội vụ cũng tốt nhưng tôi cho rằng chưa phù hợp với sự phát triển của giáo dục, của từng địa phương. Bởi nơi nắm chắc nhất nhu cầu về giáo viên là Bộ GD-ĐT và địa phương đó. Bộ GD-ĐT với chức năng ngành, họ sẽ biết ở đâu thừa, ở đâu thiếu, ở đâu có nhu cầu giáo viên. Do đó, việc giao Bộ GD-ĐT chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ, các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo là rất thích hợp”, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII Bùi Thị An nói.

bui-thi-an-1.jpg
Đại biểu Quốc hội Khóa XIII Bùi Thị An

Tuy nhiên, bà nhấn mạnh nên bổ sung thêm và quy định rõ khâu “chịu trách nhiệm toàn bộ” cho Bộ GD-ĐT trong vấn đề này, bên cạnh việc “chủ trì, phối hợp”. Bộ GD-ĐT phải nghiên cứu rất kỹ đề án, nhu cầu của từng địa phương, nhu cầu của từng trường và có điều chỉnh thích hợp.

“Theo tôi, việc quản lý chung về số lượng giáo viên vẫn do Bộ Nội vụ; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vẫn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền lương. Nhưng vấn đề tuyển dụng cụ thể ở từng nơi như thế nào thì Bộ GD-ĐT phải được thực hiện. Nếu làm được như vậy sẽ rất tốt”, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII Bùi Thị An bày tỏ quan điểm.

Bà cũng cho rằng, giao quyền cho Bộ GD-ĐT chủ động nhưng Chính phủ vẫn cần quản lý chung, tức là vẫn phải có sự kiểm tra, giám sát, đánh giá.

Theo Đại biểu Quốc hội Khóa XIII Bùi Thị An, Dự thảo Luật Nhà giáo đã bước đầu thể hiện được tinh thần của Kết luận 91 của Bộ Chính trị (Kết luận 91 nêu: “Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo trong việc quyết định biên chế, tổ chức bộ máy, chính sách đối với nhà giáo và phân bổ ngân sách nhà nước cho ngành giáo dục…”). Tuy nhiên, chúng ta cần xem xét qua thực tiễn quá trình tổ chức thực hiện mới có thể đánh giá Dự thảo đã thực hiện đầy đủ và đúng tinh thần Kết luận 91 hay chưa.

Bởi trên thực tế, quá trình thực hiện sẽ có thể nảy sinh các vấn đề. Từ văn bản, giấy tờ, lý thuyết đến thực tiễn có khoảng cách xa.

“Chúng ta vẫn luôn khẳng định giáo dục là quốc sách hàng đầu, vẫn quan tâm đến đội ngũ giáo viên nhưng phải nói có những lúc, có những nơi, có những giai đoạn, có những địa phương chất lượng giáo dục không như mong muốn. Như vậy tức là có vấn đề trong đội ngũ giảng dạy cũng như trong việc tổ chức quản lý giáo dục. Cho nên đây chỉ là bước đầu để thực hiện tinh thần này, phải xem xét qua thực tiễn, qua quá trình tổ chức thực hiện như thế nào, nếu đánh giá thời điểm này là hơi sớm”, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII Bùi Thị An nhìn nhận.

Bày tỏ thêm các ý kiến góp ý liên quan đến Dự thảo Luật Nhà giáo, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII Bùi Thị An đề xuất nên đưa quy định làm rõ trách nhiệm của người làm công tác quản lý giáo dục.

Trên thực tế, công tác quản lý giáo dục rất nặng nề; có rất nhiều vấn đề có thể nảy sinh mà đều là vấn đề vô cùng quan trọng. Nếu không làm hết sức, không làm hết tâm, không làm hết thời gian sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng quản lý giáo dục. Từ đó, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn lực của quốc gia.

“Tôi đề nghị các đồng chí đã chuyển sang công tác quản lý thì nên tập trung toàn bộ sức lực, tận tâm, hết lòng cho quản lý giáo dục. Không thể để xảy ra tình trạng trách nhiệm quản lý làm không hết nhưng lại đi tham gia thêm công tác giảng dạy hay những công việc khác. Chúng ta cần đội ngũ quản lý giáo dục vừa có trình độ, vừa có có tâm, vừa hết lòng và dành hết thời gian cho nhiệm vụ quản lý”, bà An nêu quan điểm.

Giáo dục

Tạo điều kiện cho trường nghề đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Thời sự Quốc hội

Tạo điều kiện cho trường nghề đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Chiều 1.4, dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Đinh Công Sỹ, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội về thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, giai đoạn 2021 - 2024.

Viện CFA, Hoa Kỳ trao giấy chứng nhận đối tác cho Đại học Kinh tế Quốc dân
Giáo dục

Viện CFA, Hoa Kỳ trao giấy chứng nhận đối tác cho Đại học Kinh tế Quốc dân

Sáng 1.4, Viện CFA (Hoa Kỳ) đã trao giấy chứng nhận đối tác cho các chương trình đào tạo Tài chính Doanh nghiệp Chất lượng cao và Tài chính Tiên tiến của Đại học Kinh tế Quốc dân, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc khẳng định chất lượng đào tạo chuẩn quốc tế của nhà trường.

Chuyên gia đề xuất miễn trách nhiệm hình sự trước rủi ro trong nghiên cứu khoa học công nghệ
Giáo dục

Chuyên gia đề xuất miễn trách nhiệm hình sự trước rủi ro trong nghiên cứu khoa học công nghệ

Phát biểu tại hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sáng tạo, Trường Đại học Ngoại thương đề xuất xem xét quy định miễn trách nhiệm hình sự của tổ chức, cá nhân trước các rủi ro trong hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với những điều kiện cụ thể.

Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ thay đổi công thức quy đổi điểm xét tuyển như thế nào?
Giáo dục

Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ thay đổi công thức quy đổi điểm xét tuyển như thế nào?

Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Phong Điền cho biết, năm nay, nhà trường áp dụng thêm một tổ hợp mới gồm toán, ngữ văn và một trong các môn lý, hóa, sinh, tin học cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Công thức điểm xét sẽ áp dụng theo quy tắc điểm toán nhân hệ số 3, điểm ngữ văn hệ số 1 và một trong các môn lý, hóa, sinh, tin sẽ có hệ số 2.

Học sinh thuộc hệ thống trường Tuệ Đức trong một bữa ăn. Ảnh: fb Haseca Food...
Giáo dục

Vụ học sinh trường Tuệ Đức bị nghi ngộ độc thực phẩm: Công ty Cổ phần Quốc tế Haseca Mekong trúng thầu cung cấp suất ăn những trường nào?

Công ty Cổ phần Quốc tế Haseca Mekong liên quan đến vụ việc 33 học sinh bị nghi ngờ ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn tại 2 cơ sở ở TP. Thủ Đức của hệ thống trường Tuệ Đức hiện cung cấp suất ăn học sinh nhiều trường; đáng chú ý, công ty này từng trượt thầu vì hồ sơ vi phạm điều cấm của Luật An toàn thực phẩm.