Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường: “Miễn viện phí cần cân đối nguồn lực hợp lý”
Nhận định về mục tiêu hướng tới miễn viện phí cho tất cả người dân giai đoạn từ 2030 - 2035, GS.TS. Hoàng Văn Cường - Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho rằng quá trình miễn viện phí cần cân đối các nguồn lực một cách hợp lý.
Miễn viện phí toàn dân giúp giảm thiểu tổn thất chung của toàn xã hội
Dẫn chứng từ thực tế, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng nhiều trường hợp vì điều kiện kinh tế eo hẹp, không đủ khả năng duy trì hoạt động khám sức khoẻ định kỳ, phát hiện sớm các biểu hiện của bệnh. Đến khi bệnh nặng, trở thành yếu tố đe doạ tính mạng thì người dân lại càng lao đao bởi không đủ khả năng chi trả.
“Làm tốt khâu chăm sóc, chẩn đoán sớm và khám sức khoẻ định kỳ hàng năm, miễn viện phí cho toàn dân không chỉ giúp từng cá nhân phòng tránh được bệnh tật mà còn giảm thiểu tổn thất chung của toàn xã hội về gánh nặng y tế. Có thể nói miễn viện phí toàn dân sẽ mang lại nền tảng phát triển tốt cho từng cá nhân cũng như toàn xã hội”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhận định.

Cân đối nguồn lực ngân sách
Chia sẻ với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng hiện nay những người thuộc đối tượng tự do chưa có thẻ BHYT hoặc phải tự mua thẻ BHYT là nhóm đối tượng trong tương lai cần hướng đến, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Từ góc nhìn của mình, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội đánh giá miễn viện phí toàn dân đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn. Do đó, để chủ trương này được triển khai hiệu quả, bền vững cần sự chung tay của toàn xã hội.
“Những người còn đang lao động, làm việc tại các cơ quan, công sở có đóng góp về kinh phí cho việc mua thẻ BHYT, thì nghĩa vụ của các tổ chức cơ quan này trong tương lai sẽ phải chuyển phần đó đóng góp cho việc chăm sóc sức khoẻ người lao động của tổ chức, cơ quan đó sử dụng.
Bên cạnh đó nguồn lực cho chủ trương miễn viện phí toàn dân vẫn phải huy động chính từ nguồn đầu tư của ngân sách vào lĩnh vực y tế”, đại biểu Hoàng Văn Cường chia sẻ.

Thực tế, cân đối nguồn lực để hiện thực hoá chủ trương miễn viện phí toàn dân là bài toán không hề dễ dàng bởi nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, chủ chốt trong đó là nguồn thu ngân sách. Khi nguồn thu ngân sách lớn thì khả năng đầu tư vào y tế nói chung và khám chữa bệnh nói riêng sẽ cao hơn. Ngược lại, nếu nguồn lực hạn hẹp thì giới hạn hay tiến độ triển khai chính sách khám chữa bệnh miễn phí cho người dân sẽ giảm đi phần nào.
“Giai đoạn đầu có thể cân nhắc trang trải chi phí khám chữa bệnh ở những mức độ cơ bản, sau đó nâng dần lên. Đây cũng là cách để chúng ta thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tăng nguồn thu ngân sách, tăng phần tích luỹ để phục vụ cho an sinh xã hội”, đại biểu Cường nhấn mạnh.
Giữa rất nhiều yếu tố chi phối, việc tính toán phân bổ nguồn ngân sách ra sao, ưu tiên cho lĩnh vực nào sẽ là bài toán cần được cân nhắc kỹ lưỡng và thận trọng.
Huy động nguồn lực xã hội
Đánh giá về vai trò của các thành tố trong xã hội, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng triển khai miễn viện phí toàn dân đòi hỏi sự chung tay của ngành Y tế và cả hệ thống chính trị. Lúc này bệnh viện công lập hay bệnh viện tư nhân đều cần nhập cuộc.

Bên cạnh đó, bệnh viện công hay tư đều bình đẳng trong các chính sách của đất nước hiện nay về đặt hàng khám chữa bệnh. Do đó nếu Nhà nước sử dụng ngân sách để chi trả cho việc khám chữa bệnh miễn phí thì dù người dân đến bệnh viện nào cũng đều nhận được phần ngân sách nhà nước cấp bù cho các bệnh viện đó.
“Các bệnh viện dù công lập hay tư nhân nếu làm tốt, được người dân lựa chọn đều có thể trở thành nơi khám chữa bệnh miễn phí và nhận được nguồn kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước thực hiện trang trải theo quy định.
Bản thân các bệnh viện cũng có thể sử dụng các nguồn kinh phí tích luỹ của mình dành cho những hoạt động mang tính chất xã hội. Đó là cách để các bệnh viện tham gia vào chính sách chung của đất nước”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương): "Việc miễn viện phí không chỉ mang đến lợi ích cho cá nhân hay hộ gia đình, mà là lợi ích to lớn chung của toàn xã hội. Bởi một quốc gia muốn phát triển, sánh vai với cường quốc năm châu cần có những người dân khỏe mạnh và hạnh phúc."
Đại biểu Quốc hội - TS.BS Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) nhận định: "Miễn viện phí toàn dân là chủ trương rất lớn, thể hiện rõ tính ưu việt của chế độ ta trong việc chăm nom sức khỏe cho người dân. Đây cũng là minh chứng cho cam kết “không để ai bị bỏ lại phía sau” mà Việt Nam theo đuổi, đồng thời thể hiện tinh thần của một nhà nước vì dân, lấy chất lượng sống của nhân dân làm trung tâm."