Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long): Tinh gọn bộ máy, bảo đảm sự gần gũi giữa chính quyền với người dân
Phát biểu thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) đã chỉ ra nhiều kinh nghiệm từ quốc tế trong sắp xếp, thu gọn đầu mối đơn vị hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành. Qua đó, tăng cường hiệu quả quản lý, giảm chi phí hành chính mà vẫn bảo đảm sự gần gũi giữa chính quyền với người dân.
Mô hình chính quyền hai cấp từ kinh nghiệm quốc tế
Mở đầu nội dung thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh nhấn mạnh, cử tri, nhân dân cả nước hết sức quan tâm, đồng tình, dành nhiều kỳ vọng lớn đối với những chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về việc thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy. Đây là một tầm nhìn chiến lược mang tính lâu dài, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của tình hình thực tiễn của đất nước.

Bày tỏ sự nhất trí cao với quy trình sửa đổi Hiến pháp, ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh đánh giá cao sự thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học trong quá trình thực hiện. Đồng thời, cho biết đặc biệt ấn tượng với việc các địa phương trên cả nước đang tích cực tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa và nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, tiêu biểu là hệ thống VneID để thu thập ý kiến của nhân dân.
Dẫn chứng cụ thể tại Vĩnh Long, chỉ trong 3 ngày đã có trên 2.500 lượt ý kiến tham gia, đại biểu nhấn mạnh: đây không chỉ là bước tiến mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính mà còn thể hiện quyết tâm xây dựng một Chính phủ điện tử thực sự phục vụ Nhân dân, phát huy tinh thần "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng".
Bên cạnh các nội dung sửa đổi, bổ sung phục vụ đến việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hướng tới tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh cũng thống nhất cao với việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội. Điều này phù hợp với yêu cầu đổi mới mạnh mẽ về tổ chức, phương thức hoạt động và trách nhiệm chính trị trong giai đoạn phát triển mới; tạo điều kiện để nhân dân trực tiếp tham gia giám sát, phản biện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của mình.
Về tổ chức chính quyền 2 cấp, theo đại biểu, nhiều quốc gia trên thế giới như Pháp, Nhật, Thụy Điển đã thực hiện sắp xếp, thu gọn đầu mối đơn vị hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành giúp tăng cường hiệu quả quản lý, giảm chi phí hành chính mà vẫn bảo đảm chính quyền gần dân, sát dân.
Thực tiễn ở Việt Nam cũng đã thực hiện nhập một số đơn vị hành chính trên cả nước cho thấy khả năng đảm bảo hiệu quả quản lý đối với đơn vị hành chính có quy mô lớn hơn. Việc nghiên cứu không tổ chức cấp huyện là cần thiết trong hiện nay và phù hợp với xu thế của các nước phát triển. Qua theo dõi thì đa số cán bộ, đảng viên, Nhân dân ủng hộ chủ trương này của Bộ Chính trị và Ban Bí thư.
Phân cấp, phân quyền thực chất, gắn với trách nhiệm giải trình
Theo dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), 90/99 nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện sẽ được chuyển giao về cấp xã và 9 nhiệm vụ, quyền hạn còn lại của cấp huyện sẽ được phân cấp cho cấp tỉnh. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Quốc hội, các cơ quan chức năng cần cân nhắc bổ sung các điều kiện, nguồn lực để đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ sau phân cấp. Đồng thời, cũng đặc biệt lưu ý đến việc quy định rõ trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền khi được phân cấp thực hiện nhiệm vụ cũng như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, theo dõi, kiểm tra để nâng cao hiệu quả giám sát giữa các cấp và tăng cường vai trò giám sát của người dân và các tổ chức.
.jpg)
Cũng liên quan đến tổ chức chính quyền địa phương, ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh bày tỏ sự thống nhất cao với nội dung phân cấp, phân quyền và ủy quyền. Đồng thời, nhấn mạnh phân cấp không chỉ đơn thuần là chuyển giao nhiệm vụ mà còn là trao quyền thực chất; đồng thời, phải đi kèm với việc kiểm soát quyền lực một cách công khai, minh bạch, nhằm phục vụ tốt nhất cho sự phát triển của người dân và địa phương.
Cuối cùng, về vấn đề chế độ, chính sách hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố dôi dư do sáp nhập đơn vị hành chính, ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết, mức trợ cấp hiện tại theo Nghị định 29 của Chính phủ còn thấp so với phụ cấp hàng tháng của các đối tượng này. Vì vậy, để thực hiện Kết luận số 137-KL/TW ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Bộ Nội vụ cần sớm tham mưu Chính phủ sớm tham mưu Chính phủ xem xét hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố được hưởng chế độ bằng 2 lần mức trợ cấp theo quy định. Hỗ trợ thêm chế độ mỗi một năm công tác bằng 3 tháng nhân với 2 lần mức trợ cấp hiện hưởng, thời gian tối đa không quá 60 tháng. Song song đó, bổ sung chế độ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người hoạt động không chuyên trách thôi việc.