Đại biểu dân cử với các vấn đề dân số trong tình hình mới

- Thứ Tư, 07/10/2020, 18:13 - Chia sẻ
Ngày 7.10, tại Hà Nội, Ủy ban về các vấn đề Xã hội đã tổ chức Hội thảo khu vực phía Bắc “Đại biểu dân cử với các vấn đề dân số trong tình hình mới” nhằm cung cấp thông tin cho đại biểu dân cử về thực trạng dân số Việt Nam sau Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019. Hội thảo cũng là diễn đàn trao đổi, thảo luận và đưa ra những kiến nghị liên quan để hoàn thiện chính sách, pháp luật về dân số.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Hoàng Mai và Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Naomi Kitahara đồng chủ trì Hội thảo.

Các đại biểu đã nghe báo cáo và thảo luận về: kết quả chủ yếu của tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019; trợ giúp xã hội cho người cao tuổi, thực trạng và đề xuất cho giai đoạn 2021-2025; điều tra quốc gia về bạo lực với phụ nữ ở nước ta năm 2019; dinh dưỡng và phòng chống bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số; thực trạng tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh, mang thai và phá thai ở vị thành niên; tác động của đại dịch Covid-19 đến sức khỏe bà mẹ và kế hoạch hóa gia đình; những vấn đề dân số cần quan tâm trong tình hình mới và kiến nghị chính sách khi xây dựng Luật Dân số; tình hình thực hiện chính sách pháp luật về dân số tại địa phương.

Các đại biểu, chuyên gia cũng nêu rõ một số vấn đề cần có những thay đổi chính sách cho phù hợp để điều chỉnh hoặc cần có chế tài xử lý kịp thời. Đơn cử như tình trạng bạo lực đối với phụ nữ bị che giấu rất cao, phụ nữ hiếm khi nói ra hoặc tìm kiếm bất kỳ sự trợ giúp nào. Báo cáo điều tra quốc gia được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy, cứ 3 phụ nữ thì có khoảng 2 phụ nữ bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời. Chỉ số bạo lực đối với phụ nữ do chồng/bạn tình gây ra ở bất cứ hành vi bạo lực nào ở mức cao 64% trong đời và 32% trong 12 tháng qua, hầu hết phụ nữ bị chồng bạo hành về thể xác và/hoặc tình dục đều không tìm kiếm sự trợ giúp. Ngoài ra, phụ nữ khuyết tật bị các hình thức bạo lực do chồng gây ra cao hơn so với phụ nữ không bị khuyết tật. Cứ 10 phụ nữ thì có 1 người trải qua bạo lực thể xác từ khi 15 tuổi do người khác gây ra. Khi phụ nữ bị bạo lực thể xác do người khác không phải là chồng gây ra, người gây bạo lực chủ yếu là thành viên nam trong gia đình (60,6%) gây ảnh hưởng tới đời sống sức khỏe, gia đình và kinh tế.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng lưu ý về vấn đề đáng lo ngại trong thời gian gần đây về việc trợ giúp xã hội cho người cao tuổi đặc biệt khi đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn tới kinh tế-xã hội. Hơn 1,833 triệu người cao tuổi đã được nhận trợ cấp, với mức hỗ trợ 3 tháng, tương đương 1.500.000 đồng/người. Tuy nhiên hoạt động trợ giúp đột xuất này lại không nằm trong các quy định chính sách xã hội hiện hành. Ngoài ra, Nghị định 136/2013/NĐ-CP quy định 6 gói trợ giúp xã hội đột xuất gồm: hỗ trợ lương thực; hỗ trợ người bị thương nặng; chi phí mai táng; làm nhà ở, sửa chữa nhà ở; hỗ trợ khẩn cấp trẻ em; tạo việc làm, phát triển sản xuất. Các trợ giúp đột xuất nêu trên chỉ mang tính giải quyết phục hồi sau thảm họa, chưa có tính phòng ngừa cũng như không có quy định cụ thể nào cho nhóm người cao tuổi trong trường hợp cần hỗ trợ đột xuất.

Tại Hội thảo cũng đưa ra đề xuất xây dựng các chính sách về dân số, 7 nhóm giải pháp để thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới gồm: tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; đổi mới tuyên truyền, vận động về công tác dân số; hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về dân số; phát triển mạng lưới, nâng cao chất lượng dịch vụ dân số; đảm bảo nguồn lực cho công tác dân số; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực cho cán bộ dân số; tăng cường hợp tác quốc tế. 

Đánh giá cao những ý kiến sâu sắc của các đại biểu tham dự hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Hoàng Mai nhấn mạnh, Hội thảo đã cung cấp thông tin, trao đổi về thực trạng về dân số và ghi nhận được những ý kiến đóng góp quý báu về lĩnh vực dân số và hoàn thiện chính sách, pháp luật về dân số trong thời gian tới. Phó Chủ nhiệm Nguyễn Hoàng Mai mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến từ các đại biểu, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu để Ủy ban hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Hồ Long