Cử tri các tỉnh khu vực Tây Nguyên quan tâm đến việc cải thiện đời sống người dân

- Thứ Sáu, 09/12/2022, 12:53 - Chia sẻ

Những ngày qua, tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum diễn ra kỳ họp thường lệ cuối năm 2022 để tiến hành xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền. Tại các phiên thảo luận, nhiều vấn đề nóng về dân sinh, cải thiện đời sống của người dân được các đại biểu làm rõ, giải đáp, đáp ứng được sự mong đợi của cử tri và Nhân dân khu vực Tây Nguyên.

Gia Lai: Sáng 9.12, trong ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu đã chia thành 5 tổ và tiến hành thảo luận. Các đại biểu tập trung nêu lên một số bất cập, tồn tại của năm 2022, đồng thời thẳng thắn nêu lên những vấn đề nóng đang được cử tri, Nhân dân trên địa bàn tỉnh quan tâm chờ được giải quyết.

Nhiều vấn đề nóng cử tri quan tâm vì một Tây Nguyên phát  -0
Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII, nhiệm kỳ 2021-2026

Những năm gần đây, nạn chặt phá rừng tại Gia Lai vẫn diễn biến phức tạp, tập trung một số nơi còn diện tích rừng tự nhiên lớn. Ngoài ra, nạn phá rừng tự nhiên để chiếm đất làm nương rẫy, cây rừng được bán cho các đầu nậu thu mua băm nhỏ thành gỗ vụn để đưa đi xuất khẩu làm viên gỗ nén vẫn tiếp diễn. Trước áp lực và chịu trách nhiệm cao trong việc giữ rừng và thiếu nhân lực, nhiều cán bộ lâm trường, kiểm lâm đã làm đơn xin nghỉ việc.

Về vấn đề này, Bí thư Huyện ủy Ia Pa Nguyễn Minh Trưởng khẳng định, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách và các biện pháp quyết liệt trong quản lý và bảo vệ rừng. Tuy nhiên, với diện tích rừng lớn, phân bố không tập trung, địa hình chia cắt, hiểm trở, cơ sở hạ tầng còn hạn chế nên đã gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý và bảo vệ rừng. Trong khi đó, lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh còn mỏng, chế độ đãi ngộ còn thấp, áp lực công việc ngày càng lớn. Cần có chế độ, chính sách hợp lý cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng để những cán bộ chuyên trách yên tâm gắn bó với công việc và làm tốt nhiệm vụ giữ màu xanh của rừng.

Nhiều vấn đề nóng cử tri quan tâm vì một Tây Nguyên phát  -0
Nhiều vấn đề nóng được đại biểu nêu tại Kỳ họp HĐND thường lệ cuối năm

Trước tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh tăng ở cả 3 tiêu chí. Giám đốc Công an tỉnh, Thiếu tướng Rah Lan Lâm cho hay: Năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 310 vụ tai nạn giao thông, làm chết 220 người, bị thương 241 người. So với năm 2021, tai nạn giao thông tăng cả 3 chỉ số. Cụ thể, tăng 16,1% số vụ (310/267 vụ), tăng 17,02% số người chết (220/188 người) và tăng 12,62% số người bị thương (241/214 người). 

“Thời gian tới, HĐND tỉnh cần có các chương trình giám sát về an toàn giao thông để nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành. Tỉnh cần bổ sung thêm các loại biển báo giao thông tại một số đoạn đường nguy hiểm và những điểm đen về tai nạn gia thông. Chúng tôi sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát và chung tay cùng hệ thống chính trị để giảm thiểu tai nạn giao thông” - Giám đốc Công an tỉnh nêu giải pháp tại Kỳ họp.

Nhiều vấn đề nóng cử tri quan tâm vì một Tây Nguyên phát  -0
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến các dự án đầu tư, thu ngân sách địa phương

Về tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế chỉ rõ: Năm 2022, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh tăng 9,27% so với năm 2021, vượt chỉ tiêu đề ra. Trong năm 2023, dự kiến, hoạt động du lịch tiếp tục tạo cú hích cho ngành thương mại - dịch vụ và du lịch. Bên cạnh đó, một số dự án điện gió nếu được đưa vào vận hành thương mại cũng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2023.

Kon Tum: Nhiều đại biểu nêu lên vấn nạn phá rừng, ô nhiễm môi trường đang diễn ra tại nhiều địa phương; xử lý ô nhiễm môi trường tại bãi ráccủa huyện Đăk Tô, Nhà máy xử lý chất thải rắn huyện Đăk Hà, lòng hồ thủy điện Ialy tại xã Ya Ly (huyện Sa Thầy); việc xử lý các vụ phá rừng…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp thừa nhận, ở một số nơi chưa quan tâm đúng mức, trách nhiệm của một số cán bộ làm công tác bảo vệ rừng chưa cao. Một số địa bàn còn có tình trạng buông lỏng quản lý, tiếp tay cho các đối tượng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép… Để khắc phục tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp cho biết, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị chủ rừng, lực lượng bảo vệ rừng. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, phát hiện và xử lý các vi phạm, tích cực thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho người dân, cộng đồng…

Về ô nhiễm môi trường tại bãi rác của huyện Đăk Tô, nhà máy xử lý chất thải rắn huyện Đăk Hà và lòng hồ thủy điện Ialy tại xã Ya Ly (huyện Sa Thầy), Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Lộc cho biết, Sở sẽ triển khai lộ trình hạn chế xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp; lựa chọn vị trí quy hoạch và có biện pháp quản lý, vận hành các bãi chôn lấp chất thải rắn. Đồng thời, chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thành phố tiếp tục phổ biến, tuyên truyền kết hợp với tăng cường kiểm tra, giám sát để nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.

Kết luận phiên chất vấn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang đánh giá, phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra sôi nổi, các đại biểu tham gia chất vấn và người được trả lời chất vấn đều thể hiện được tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn. Nhìn chung, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn mang tính xây dựng. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh mong muốn các đại biểu tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm, tích cực nêu vấn đề và tham gia chất vấn tại các Kỳ họp tiếp theo. 

Đắk Lắk: Tiếp tục chương trình làm việc, Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa X của tỉnh, các đại biểu đã tiến hành chia 3 tổ thảo luận, tập trung vào các nhóm vấn đề về kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023; hoạt động của các cơ quan Tư pháp trong năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023; công tác giải ngân vốn đầu tư công; thảo luận, góp ý vào nội dung các dự thảo Nghị quyết.

Qua thảo luận, các đại biểu đề nghị khẩn trương xây dựng và ban hành các nghị quyết của HĐND tỉnh nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột; đẩy nhanh tiến độ khởi công sửa chữa Tỉnh lộ 9 và Tỉnh lộ 12…Trong lĩnh vực nông nghiệp, đa số đại biểu đề nghị cần đề ra nhiều cơ chế, chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao; tạo sự liên kết trực tiếp giữa doanh nghiệp và nông dân; cần xây dựng cơ chế, chính sách để cụ thể hóa và triển khai hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh ủy về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững định hướng đến năm 2030; tiếp tục có thêm nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh xuất khẩu chính ngạch sang thị trường nước ngoài…

Nhiều vấn đề nóng cử tri quan tâm vì một Tây Nguyên phát  -0
Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk Huỳnh Thị Chiến Hòa đề nghị cải thiện môi
trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp tại địa phương

Trên địa bàn Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng, cây cà phê luôn được xác định là cây trồng chủ lực và chiến lược của tỉnh, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển KT-XH của địa phương, tuy nhiên hiện nay tình trạng người dân chặt bỏ cây cà phê sang trồng các loại cây ăn trái cho năng suất, thu nhập cao khác đang xảy ra ở nhiều địa phương, do vậy rất cần có các chính sách hỗ trợ khuyến khích người dân đầu tư trồng, giữ cây cà phê theo hướng bền vững.

Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Chiến Hòa nhấn mạnh: Để thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ thời gian tới, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp ngay từ đầu năm 2023 nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, thu ngân sách, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp; đề xuất những cơ chế, chính sách, giải pháp và tập trung nguồn lực để thực hiện các Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, của HĐND tỉnh trên các lĩnh vực; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư; tăng cường quản lý, điều hành thu, chi ngân sách; nâng cao chất lượng cải cách hành chính… 

Lâm Đồng: Tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Khóa X các đại biểu đã tiến hành bầu bổ sung chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh đối với ông Võ Ngọc Hiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Kết quả, 54/55 đại biểu HĐND tỉnh tham dự đã bỏ phiếu thống nhất bầu ông Võ Ngọc Hiệp giữ chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Nhiều vấn đề nóng cử tri quan tâm vì một Tây Nguyên phát  -0
54/55 đại biểu HĐND tỉnh tham dự đã bỏ phiếu thống nhất bầu ông Võ Ngọc
Hiệp giữ chức danh Phó Chủ tịch UBND Lâm Đồng nhiệm kỳ 2021 – 2026

Cũng tại Kỳ họp, HĐND tỉnh đã xem xét cho thôi làm đại biểu HĐND tỉnh đối với ông Trần Duy Hùng - nguyên Bí thư Thành ủy Đà Lạt, ông Nguyễn Văn Triệu - nguyên Bí thư Thành ủy Bảo Lộc.  

HĐND tỉnh tiến hành xem xét, quyết định, miễn nhiệm Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khóa X đối với ông Tôn Thiện Đồng để nhận công tác mới, giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Bảo Lộc.

Miễn nhiệm ông Nguyễn Văn Phương thôi giữ chức Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Khóa X để bố trí nhận công tác mới, giữ chức vụ Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc.

Miễn nhiệm Phó Chủ tịch UBND tỉnh đối với ông Đặng Trí Dũng để chuyển công tác về Thành ủy Đà Lạt, giữ chức vụ Bí thư Thành ủy. 

Quang Huy
#