Nhịp cầu

Sớm chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch

- Thứ Sáu, 11/06/2021, 06:12 - Chia sẻ
Những ngày này, nông dân huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đang bước vào thu hoạch lúa vụ xuân, cũng là thời điểm tình trạng đốt rơm rạ tái diễn, gây nhiều hệ lụy đến môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều xã trên địa bàn huyện, bà con nông dân đốt rơm rạ sau thu hoạch, chủ yếu vào chiều tối, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, cuộc sống của các hộ gia đình sinh sống ven những cánh đồng, nhất là vào thời điểm nắng nóng kéo dài. Không chỉ tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe cộng đồng, khói rơm rạ còn gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Điển hình tại các xã như: Phù Lỗ, Mai Đình, Phú Cường, Thanh Xuân, Tiên Dược... việc người dân đốt rơm rạ gần Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài đã làm ảnh hưởng đến tầm nhìn của máy bay khi cất, hạ cánh. Cảng vụ Hàng không miền Bắc hàng năm đều phải gửi công văn đề nghị huyện Sóc Sơn có biện pháp ngăn chặn tình trạng này.

Từ trung tuần tháng 5.2021, UBND huyện Sóc Sơn đã sớm có văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn kiểm tra, nhắc nhở, lập hồ sơ xử lý vi phạm với các đối tượng cố tình đốt rơm rạ. Tuy nhiên, nhiều người dân chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của việc đốt rơm rạ đối với môi trường. Bên cạnh đó, do thu nhập của một số hộ dân còn thấp nên chưa tự đầu tư kinh phí xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học. Mặt khác, chế tài xử lý người đốt rơm rạ còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, việc xử lý vi phạm cũng còn gặp nhiều khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Quang Ngọc cho biết: Sở dĩ bà con nông dân vẫn đốt rơm rạ do đây được coi là giải pháp rẻ tiền và có thể giải phóng được khối lượng rơm rạ lớn, trong thời gian ngắn để kịp cho vụ mới. Vì vậy, bên cạnh tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh về việc không tuốt lúa, phơi, đốt rơm rạ trên địa bàn, huyện cũng tích cực vận động, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn hướng dẫn người dân sử dụng rơm rạ, phụ phẩm để trồng nấm, ủ làm phân bón, lót chuồng, làm thức ăn cho gia súc hoặc cày ấp để phân hủy và xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học. Với phương pháp làm đơn giản, việc dùng các chế phẩm sinh học sẽ giúp bà con tận dụng được nguồn rác thải nông nghiệp, đem lại lợi ích kinh tế và góp phần cải tạo đất trồng, bảo vệ môi trường.

“Đặc biệt, huyện đã giao các phòng ban chuyên môn tổ chức kiểm tra công tác chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn, xử lý tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch. Chủ tịch UBND xã, thị trấn sẽ phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện về việc để xảy ra tình trạng đốt rơm rạ mà không có biện pháp xử lý”, ông Ngọc nhấn mạnh.

Theo thống kê của UBND huyện Sóc Sơn, diện tích gieo trồng lúa vụ Xuân 2021 trên địa bàn khoảng 9.500ha. Khối lượng rơm rạ phát sinh sau thu hoạch ước khoảng 57.000 tấn. Việc sớm chấm dứt tình trạng này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân mà còn bảo đảm an ninh hàng không.

Trần Tâm