"Đại bàng cất cánh"

- Chủ Nhật, 10/01/2021, 02:51 - Chia sẻ
Sau hơn một năm chuẩn bị, sáng qua (9.1), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khởi công xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Phát biểu tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Để hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 nêu trong dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng lần thứ XIII, nhất định phải dựa vào tri thức, khoa học công nghệ và đặc biệt là đổi mới, sáng tạo.

Bởi thế, với tổng vốn đầu tư 740 tỷ đồng, diện tích sử dụng 35 nghìn m2, NIC - có biểu tượng đại bàng cất cánh - không phải chỉ là một tòa nhà vật lý. Sứ mệnh của Trung tâm này là thúc đẩy chuyển giao và phát triển công nghệ; thúc đẩy hoạt động nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; đồng thời là nơi thử nghiệm các chính sách, thể chế vượt trội và tạo môi trường pháp lý đủ sức cạnh tranh trong khu vực để thu hút nhân tài, thu hút đầu tư đổi mới sáng tạo.

Muốn thực hiện được sứ mệnh ấy, NIC phải thu hút được các nhà khoa học và công ty công nghệ hàng đầu đến đây, nghiên cứu và phát triển các công nghệ tiên tiến. Nhưng làm cách nào lôi kéo được các tài năng thế giới và tiền của đổ về, nhất là khi các trung tâm đổi mới sáng tạo đang xuất hiện ngày một nhiều ở các quốc gia. Chẳng hạn, Trung Quốc dự định sẽ thành lập 40 Trung tâm đổi mới sáng tạo vào năm 2025. Các nước ASEAN cũng vậy! Năm 2018, Thái Lan thành lập True Digital Park ở Bangkok. Singapore cũng đang phát triển khu Thung lũng Silicon của mình tại Punggol sau khi đã xây dựng thành công khu đổi mới sáng tạo One-North từ năm 2001.

Thực tế cho thấy, yếu tố quyết định đưa các nhà đầu tư đến với một trung tâm đổi mới sáng tạo nào đó không phải là vẻ ngoài hiện đại, bắt mắt của tòa nhà trụ sở hay các công trình phụ trợ mà ở các thể chế, chính sách vượt trội.

Từ bài học kinh nghiệm này, tháng 8.2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2020/NĐ-CP quy định Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia được hưởng các ưu đãi đầu tư cao nhất, thuận lợi nhất theo quy định hiện nay. Theo đó, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hoạt động tại Trung tâm sẽ được hỗ trợ các thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh, giấy phép lao động, xác lập quyền sở hữu công nghiệp; được hỗ trợ văn phòng làm việc và các điều kiện cần thiết; được tạo thuận lợi trong các thủ tục đấu thầu theo quy định hiện hành; được huy động và nhận tài trợ từ các chương trình tài trợ nghiên cứu của Chính phủ, cá nhân, tổ chức; được hưởng các ưu đãi về thuế theo quy định hiện hành…

Chừng đó ưu đãi liệu đã đủ?

Nhìn sang Công viên khoa học Zhongguangcun, khi thành lập năm 1988 đã nhận được nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ như thủ tục cấp phép nhanh chóng, tín dụng không cần tài sản thế chấp, tài trợ của Chính phủ cho R&D, cấp visa nhiều lần, thời gian dài cho các chuyên gia, học giả, nới lỏng quy định về điều kiện cung cấp dịch vụ tuyển dụng đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài… Nhờ đó, nơi này được ví như Thung lũng Silicon của Trung Quốc và đã tạo ra những công ty rất lớn về công nghệ như Lenovo, Baidu, Xiaomi…

Dù đã có Nghị định 94 thì ngay sau lễ khởi công xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, các bộ, ngành liên quan vẫn cần tiếp tục nghiên cứu và đề xuất chính sách, cơ chế cụ thể hơn, hấp dẫn hơn nhằm mời gọi được những công ty công nghệ lớn nhất thế giới hội tụ về đây. Có như vậy, "đại bàng" Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia mới có thể "cất cánh" thúc đẩy hệ sinh thái, đổi mới sáng tạo Việt Nam vươn xa, góp phần hiện thực hóa giấc mơ đưa Việt Nam thành nền kinh tế nghìn tỷ đô la...

Hà Lan