Đặc xá là chính sách khoan hồng đặc biệt

Hà An 12/06/2018 07:46

Thảo luận về dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) trong Phiên họp sáng qua, nhiều ĐBQH tán thành với việc cần thiết sửa đổi nhằm bảo đảm đây thực sự là chính sách khoan hồng đặc biệt của Nhà nước đối với người bị kết án phạt tù. Tuy nhiên, để phân biệt với các chính sách khoan hồng khác thì đặc xá chỉ nên áp dụng với một số đối tượng nhất định, đặc biệt.

Vừa mở rộng vừa thu hẹp

Không nên giới hạn đối tượng đặc xá chỉ là những người đã lập công lớn, người mắc bệnh hiểm nghèo vì quy định này “không có ý nghĩa và có thể làm cho thẩm quyền của Chủ tịch Nước không bằng thẩm quyền của thẩm phán”. Thực tế, tòa án hiện vẫn thường xuyên thực hiện thẩm quyền này, không cần vào ngày lễ, không có giới hạn về thời gian chấp hành án, thậm chí chỉ cần lập công, chứ không cần lập công lớn.

ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình)

Liên quan đến điều kiện được đề nghị đặc xá - một trong những sửa đổi quan trọng nhất của dự thảo trình QH lần này, cũng là vấn đề còn ý kiến khác nhau. Luật Đặc xá hiện hành quy định hai loại là đặc xá nhân ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước và đặc xá trong trường hợp đặc biệt. Trong dự thảo Luật chỉ tập trung sửa đổi về đặc xá nhân ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước. Lý lẽ là bởi Chính phủ cho rằng, do quy định của Luật nên số lượng người được đặc xá trong mỗi đợt là quá lớn, và quy định về đặc xá phải khác biệt cơ bản so với các chính sách khoan hồng khác. Tuy nhiên, theo ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) thì Chính phủ không thể hiện rõ quan điểm là sửa đổi theo hướng mở rộng hay thu hẹp điều kiện đối với người được đặc xá, vì vậy, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng “vừa mở rộng một số điều kiện, đồng thời cũng thu hẹp một số điều kiện”.

Câu hỏi đặt ra là: Sửa đổi như vậy liệu đã đi đúng hướng?

Thực tế cho thấy, với số lượng người được đặc xá trong mỗi đợt đặc xá khoảng 10.000 người, lần ít thì 4.000 người, và không phải năm nào cũng đặc xá. Tuy con số tuyệt đối này là lớn, nhưng so với tổng số người phải chấp hành án phạt tù hàng năm khoảng 150.000 người và so với số giảm án, tha tù tòa án tiến hành thường xuyên hàng năm là 80.000 người thì con số này cũng không phải lớn, chưa kể số được tha tù trước thời hạn sẽ thực hiện mỗi năm 3 lần vào những thời gian tới đây, ĐB Nguyễn Mạnh Cường phân tích.

Mặt khác, theo ĐB Nguyễn Mạnh Cường, nếu vẫn cho rằng con số trên là quá lớn, thì cần xác định rõ: Đó có phải là lỗi của Luật hay không? Thực tế cho thấy, có lần chúng ta đặc xá 20.000 người, nhưng cũng có lần gần đây nhất đặc xá chỉ có 4.000 người. Tại sao số lượng khác nhau như vậy trong khi điều kiện về đặc xá được Luật quy định không thay đổi? Chỉ ra thực tế này, ĐB Nguyễn Mạnh Cường cho rằng: Vấn đề nằm ở chỗ quyết định về đặc xá của Chủ tịch Nước có thể mở rộng, hoặc thu hẹp các đối tượng được đặc xá, điều kiện được đặc xá. Nói cách khác, Luật đã trao cho người đứng đầu nhà nước quyền linh hoạt, chủ động trong việc quyết định về thời điểm đặc xá, nghĩa là ngày lễ lớn nào, cách bao nhiêu năm, 5 năm, 7 năm, 10 năm và thu hẹp hay mở rộng các điều kiện đối với người đặc xá…

Vậy nên, nếu cho rằng số lượng người được đặc xá quá nhiều thì lỗi trước tiên phải là lỗi của bộ phận tham mưu, giúp việc đã không nắm sát tình hình, chứ không phải lỗi của Luật”, ĐB Nguyễn Mạnh Cường thẳng thắn.

Từ thực tiễn nêu trên, ĐB Nguyễn Mạnh Cường cho rằng sửa đổi điều kiện đối với người được đặc xá, trước hết phải đặt trong sự so sánh giữa các chính sách khoan hồng khác nhau, như đại xá của QH, đặc xá của Chủ tịch Nước, giảm án và tha tù trước thời hạn có điều kiện của Tòa án. Thứ hai, phải bảo đảm sự chủ động, linh hoạt cần thiết và bảo đảm thẩm quyền đặc biệt cho Chủ tịch Nước. Thứ ba, phải bảo đảm đồng bộ với hệ thống pháp luật và phù hợp với thực tiễn.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) phát biểu tại hội trường Ảnh: Quang Khánh
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) phát biểu tại hội trường
Ảnh: Quang Khánh

Tránh trùng lặp đối tượng đặc xá

Chỉ rõ điều kiện đặc xá được quy định tại dự thảo Luật là chưa hợp lý, ĐBQH Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho rằng, đặc xá là hình thức ân giảm được áp dụng “trong từng trường hợp đặc biệt với từng con người cụ thể với những lý do đặc biệt và trong hoàn cảnh đặc biệt”. Trong khi đó, điều kiện đặc xá được quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 10 của dự thảo Luật được tiếp cận theo hướng tương tự như các điều kiện về tha tù trước thời hạn có điều kiện quy định tại Điều 66 Bộ luật Hình sự, miễn chấp hành hình phạt quy định tại Điều 62 Bộ luật Hình sự và giảm hình phạt đã tuyên quy định tại Điều 63 Bộ luật Hình sự. Sự khác biệt ở đây, theo ĐB Nguyễn Văn Hiển, chỉ là sự “nới lỏng”, hoặc quy định chặt chẽ một số điều kiện so với các quy định về miễn, giảm hình phạt tha tù trước thời hạn có điều kiện. Điều này có thể dẫn tới, đối tượng được đặc xá bị trùng với các đối tượng đã được áp dụng các chế định nêu trên.

Cho rằng Khoản 1 Điều 10 của dự thảo Luật quy định một số điều kiện cụ thể đặc xá “cơ bản giống” điều kiện tha tù trước thời hạn và có điều kiện quy định tại Điều 66 Bộ luật Hình sự, ĐBQH Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) đề nghị, cần quán triệt đúng quan điểm: Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch Nước quyết định. Theo đó, cần phân định rành mạch tính chất đặc trưng của đặc xá so với các chính sách khoan hồng khác để khắc phục tình trạng đặc xá với số lượng lớn cũng như chưa thể hiện được tính đặc biệt trong việc hưởng ân huệ của người đứng đầu nhà nước đối với người phạm tội. Đặc biệt, cần đặt ra trong bối cảnh Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện. Do vậy, “đề nghị chỉ nên quy định đặc xá đối với trường hợp quy định tại Khoản 2, Điều 10 dự thảo Luật là phù hợp”, ĐB Hoàng Văn Hùng chỉ rõ.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đặc xá là chính sách khoan hồng đặc biệt
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO