Đặc sắc văn hóa cố đô Hoa Lư
Từ ngày 29 - 31.3, Ninh Bình tổ chức kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh, 5 năm thành lập TP Ninh Bình. Trong dịp này, tỉnh sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa với điểm nhấn là Lễ hội truyền thống cố đô Hoa Lư, nhằm bảo tồn, phát huy và quảng bá nét độc đáo của vùng đất cố đô.
|
Thực hiện Nghị quyết Quốc hội Khóa VIII, ngày 1.4.1992, tỉnh Ninh Bình được tái lập. Kỷ niệm 20 năm xây dựng và phát triển, toàn tỉnh Ninh Bình sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nhằm ôn lại truyền thống và khơi dậy niềm tin tưởng, tự hào trong nhân dân về truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương, con người Ninh Bình, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc; đồng thời quảng bá, giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, giá trị văn hóa độc đáo của vùng đất cố đô, nhằm thu hút khách tham quan về với Ninh Bình.
Nói tới Ninh Bình không thể không nhắc tới Hoa Lư - kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền ở Việt Nam với các dấu ấn lịch sử: thống nhất giang sơn, đánh Tống - dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô Hà Nội. Một trong những hoạt động điểm nhấn của lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh chính là lễ hội truyền thống cố đô Hoa Lư - lễ hội lớn nhất trong năm ở Ninh Bình. Năm 2012, lễ hội kỷ niệm 1044 năm Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, sẽ diễn ra tại quảng trường trung tâm Khu di tích cố đô Hoa Lư và các đền đình, chùa phủ, lăng tẩm thuộc Khu di tích, huyện Hoa Lư, Ninh Bình. Các nghi lễ truyền thống của lễ hội gồm: lễ mở cửa đền, lễ dâng hương, lễ rước nước, tế lễ cổ truyền... Trong đó, lễ rước nước sông Hoàng Long là một nghi lễ quan trọng với ý niệm cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ rước nước diễn ra ngay trong buổi sáng ngày khai hội 29.3 (ngày 8.3 ÂL), với đội hình gồm 9 kiệu của các xã: Trường Yên, Ninh Giang, Ninh Xuân và đội múa Lân xã Ninh Vân tham gia rước nước từ sông Hoàng Long đưa về đền vua Đinh, vua Lê. Ngay sau khi đoàn rước nước trở về sân khấu trung tâm lễ hội, sẽ diễn ra lễ tế tại đền vua Đinh, vua Lê và lễ dâng hương tại các di tích: lăng mộ vua Đinh, vua Lê, vua Lý, phủ Đông Vương, phủ Kính Thiên, động Am Tiên và các chùa như chùa Nhất Trụ, chùa Kim Ngân, chùa Duyên Ninh…
Phần hội sẽ sôi động với các trò chơi dân gian: đua thuyền, múa gậy, cờ người, đấu vật... Bên cạnh đó, lễ hội có một số trò chơi đặc trưng như: cờ lau tập trận - trò diễn dân gian nhằm diễn tả lại những buổi tập dượt, rèn luyện của anh hùng Đinh Bộ Lĩnh tuổi niên thiếu; và trò chơi xếp chữ Thái Bình - tưởng nhớ niên hiệu mà vua Đinh đặt khi lên ngôi. Là cái nôi sản sinh nghệ thuật sân khấu chèo, trong khuôn khổ lễ hội còn có Hội thi hát chèo, với sự tham gia của nhiều cá nhân, đoàn nghệ thuật trong vùng; cùng nhiều chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật mang đậm bản sắc truyền thống Ninh Bình.
Năm nay, Lễ hội truyền thống cố đô Hoa Lư cũng được Bộ VH, TT và DL đưa vào sự kiện mở đầu của các tỉnh, thành phố Bắc Trung Bộ trong Năm Du lịch Quốc gia duyên hải Bắc Trung bộ - Huế 2012. Với việc đầu tư tổ chức quy mô cấp quốc gia và kết nối du lịch sẽ là cơ hội lớn để quảng bá vùng đất giàu tiềm năng này.
Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh và 5 năm thành lập TP Ninh Bình còn có nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ, thể thao diễn ra tại trung tâm thành phố, như chương trình bình thơ chủ đề Non nước Ninh Bình tại đền thờ Trương Hán Siêu; trưng bày cổ vật tại Bảo tàng tỉnh; triển lãm ảnh nghệ thuật Non nước Ninh Bình trên nhiều chất liệu; Festival cây cảnh và non bộ Ninh Bình 2012; hội thi ẩm thực Ninh Bình năm 2012...
Theo Ban tổ chức, các hoạt động được tổ chức với nội dung, hình thức kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; chú trọng khai thác, phát huy các không gian văn hóa, danh thắng tiêu biểu, gắn với giao lưu, trao đổi văn hóa du lịch với các địa phương trong và ngoài tỉnh.