Đặc sắc thổ cẩm Dao Tiền
Ẩn sau nét hoa văn của thổ cẩm người Dao Tiền là nghề thủ công truyền thống cùng những tích xưa truyện cũ đầy ắp giá trị nhân sinh của đồng bào dân tộc.
Dệt nên bản sắc
Trang phục truyền thống của người Dao Tiền lấy hai màu chủ đạo là chàm và đen để trang trí, thế nhưng không phải vì vậy mà kém phần đặc sắc. Bởi hai gam màu này khi kết hợp với nhiều hình dáng hoa văn trên vải tạo nên bộ trang phục độc đáo. Đối với người Dao Tiền, phục trang không đơn thuần là đồ để mặc mà ẩn chứa văn hóa, phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan, những tập tục lâu đời của dân tộc.

Điểm khác biệt nổi bật ở trang phục của người Dao Tiền là phần phía sau cổ áo bao giờ cũng được xâu một số đồng bạc trắng. Theo quan niệm của người Dao Tiền, bạc tượng trưng cho ánh sáng, đeo bạc không chỉ làm đẹp mà còn thể hiện nét văn hóa trong đời sống tâm linh. Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa, người Dao cư trú trên đồi núi rậm rạp, thường xuyên ốm đau, bệnh tật. Mọi người nghĩ đồng tiền bạc có thể giúp trừ tà yêu nên đã cài sau cổ áo. Khi đeo như vậy ai nấy đều cảm thấy người nhẹ nhõm, khỏe khoắn hẳn ra. Cái tên Dao Tiền cũng ra đời từ đó, như một điểm nhận diện khi so sánh với cộng đồng dân tộc khác.
Không chỉ xâu đồng bạc trắng, trên áo người Dao Tiền thường thêu hoa văn gắn với những tích xưa. Chẳng hạn hoa văn con chó để bày tỏ niềm biết ơn và tình cảm đặc biệt mà người Dao Tiền dành cho loài vật này. Xưa kia có ông vua của người Dao sinh được 12 cô con gái. Khi giặc sang xâm lược, vua liền truyền rằng ai đánh thắng giặc, vua sẽ gả cả cho 12 cô con gái, và vua cầu khấn trời để xin. Một buổi chiều xuất hiện con chó mình rồng 5 màu (long khuyển ngũ sắc), có 12 chiếc đuôi, chạy đến xin vua cho đánh giặc. Thắng giặc, chó trở về. Theo đúng lời hứa, vua gả các con gái cho con chó và con chó được vua truyền ngôi báu. Để nhớ ơn con chó đã có công dẹp giặc cứu dân tộc, đồng bào Dao Tiền thêu hình con chó và 4 chiếc chân chó ở sau áo.
Hay hoa văn phượng hoàng thường được người Dao Tiền thêu lên áo hoa, khăn đội đầu của chú rể trong ngày cưới. Ngoài ra, khi cô gái Dao Tiền muốn thêu khăn làm kỷ vật tặng người yêu cũng sử dụng họa tiết chim phượng hoàng. Người Dao Tiền ví chim phượng hoàng như người đưa thư giữa hai cõi trần gian và thượng giới. Phượng hoàng giúp những người đang ở trần thế kết nối với những người trên thượng giới, như một thông điệp rằng dù không thể chạm tới nhưng sự kết nối tâm linh giữa hai chốn vẫn luôn bền chặt…
Từ đôi bàn tay khéo léo
Cho tới ngày nay, phụ nữ Dao Tiền vẫn giữ thói quen tự may quần áo cho bản thân và người thân trong gia đình. Đôi bàn tay chai sạn vì đi nương làm rẫy vẫn khéo léo nuôi chàm, nhuộm vải và thoăn thoắt từng đường kim, mũi chỉ để tạo ra những họa tiết tinh xảo, nhắc nhớ câu chuyện văn hóa bao đời của cha ông.

Nghệ nhân Lý Thị Nhất, xóm Sưng, Cao Sơn, Đà Bắc, Hòa Bình, cho biết con gái Dao Tiền từ 8 - 10 tuổi đã được bà, mẹ chỉ dạy cách tạo nên trang phục của dân tộc mình, từ công đoạn đầu tiên là trồng, chăm sóc cây chàm, đến thực hiện tỉ mỉ từng chi tiết trên trang phục. Với phụ nữ Dao Tiền, ai có áo váy đẹp đều là người đáng trân trọng, con gái chưa chồng mà biết làm váy áo giỏi sẽ được nhiều người con trai mong ước lấy làm vợ.
Nuôi, nhuộm chàm là công đoạn đầu tiên song cũng phức tạp nhất. Người Dao Tiền trồng cây chàm trên nương và thu hoạch vào khoảng tháng 5 - 7 âm lịch. Sau khi cắt về ngâm nước, trải qua quá trình bỏ bã, đánh vôi và lắng đọng để thu cốt chàm. Cốt chàm hòa với nước lọc tro để tạo thành chàm nhuộm vải. Theo nghệ nhân Lý Thị Nhất, vải nhuộm tốt là khi màu chàm lên ánh đỏ, càng mặc càng đẹp, bền lâu. “Vải được ngâm trong nước chàm rồi vớt ra vắt nước đem phơi nắng, công đoạn này được lặp đi lặp lại đến khi có được màu ưng ý mới thôi và thường phải kéo dài từ 20 - 30 ngày mới có được tấm vải màu đẹp”.
Không giống với nhiều dân tộc khác dùng chỉ màu để tạo nên nét ấn tượng riêng có của bộ trang phục, phụ nữ Dao Tiền lại dùng vải nhuộm chàm và sáp ong để tạo nên hoa văn trên váy, áo của mình. Nghiên cứu trang phục các dân tộc cho thấy, chỉ có người Mông và Dao Tiền có cách thức in hoa văn trên trang phục bằng sáp ong. Theo đó, khi vẽ, sáp ong được cho vào bát hoặc đĩa nhỏ để trên bếp than hoa và dùng công cụ in là cây trúc vót mỏng uốn thành khung nhỏ, ống nứa tròn nhỏ và lá đồng hình chữ thập, chấm vào sáp ong để in họa tiết trên vải. Sáp ong phải tốt, đường in tỉ mỉ, cẩn trọng từng nét để đều, đẹp.
Lớn lên anh theo cha đi cày nương/Em theo mẹ nhuộm chàm thêu hoa trên váy mới. Như câu hát của người Dao, thổ cẩm tới nay vẫn còn được phụ nữ Dao Tiền trân trọng, gìn giữ và truyền lại qua từng thế hệ như một cách để bảo tồn văn hóa đặc sắc của dân tộc.