Đặc sắc nghi lễ Tống cựu nghinh tân tại Hoàng thành Thăng Long

Sáng 22.1, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức chương trình giới thiệu và trình diễn tái hiện nghi lễ Tống cựu nghinh tân tại Khu Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

Tôn vinh, phát huy giá trị văn hóa cung đình

Trong Hoàng cung Thăng Long xưa, vào dịp Tết đến Xuân về, những nghi lễ được tổ chức tôn nghiêm, trang trọng thể hiện sự hưng thịnh của quốc gia, sự bình an, no ấm cho nhân dân. Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang, các lễ trước Tết với ý nghĩa tống cựu nghinh tân - tiễn cái cũ đi để đón năm mới về, góp phần tạo nên sức sống trường tồn cho các di sản văn hóa lịch sử truyền thống.

Nhằm tôn vinh truyền thống văn hóa của dân tộc, phát huy giá trị văn hóa cung đình của khu di sản Hoàng thành Thăng Long, nhân dịp chào đón mùa xuân mới - xuân Ất Tỵ 2025, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức chương trình trình diễn nghi lễ Tống cựu nghinh tân nhằm tái hiện các nghi thức, phong tục dân gian và cung đình độc đáo.

Theo PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tết Nguyên đán là lễ tiết truyền thống lớn nhất và thiêng liêng nhất trong năm của dân tộc Việt Nam, đánh dấu thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, khép lại những việc đã trải qua trong năm cũ và chờ đón những điều tốt đẹp trong năm mới. Đây là một trong những lễ tiết có nhiều phong tục độc đáo và mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa của người Việt trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Đặc biệt, tại mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến, văn hóa Tết Nguyên đán lại càng phong phú và đặc sắc, hội tụ và giao thoa giữa văn hóa cung đình và văn hóa dân gian truyền thống.

PGS.TS Trần Đức Cường cho rằng, việc nghiên cứu, tái hiện nghi lễ cung đình ngày Tết cổ truyền tại Hoàng thành Thăng Long cần được phát huy, để khơi gợi những mạch nguồn văn hóa truyền thống, gắn kết giữa quá khứ và hiện tại, truyền thống và đương đại, từ đó khích lệ sự quan tâm của du khách và các bạn trẻ đối với văn hóa truyền thống dân tộc.

Mở đầu chuỗi nghi lễ dịp Tết

Chương trình tái hiện các phong tục Tết dân gian truyền thống và sân khấu hóa các nghi lễ tết cung đình. Các nghi lễ Tống cựu nghinh tân, khép lại năm cũ và đón chào mùa xuân mới với mong ước an vui, sum vầy, bao gồm lễ cúng ông Công ông Táo, lễ tiến lịch, lễ dựng nêu... Đây là các nghi lễ truyền thống trong cung đình xưa, mở đầu cho chuỗi nghi lễ được nhà vua và triều đình thực hiện trong dịp Tết nguyên đán, diễn ra từ cuối tháng Chạp đến rằm Tháng Giêng.

Trong đó, lễ tiến lịch và ban lịch thể hiện sự coi trọng của triều đình phong kiến đối với việc làm lịch cũng như quan tâm đến các hiện tượng thời tiết, khí hậu, ngày giờ tốt, vấn đề thiên thời địa lợi để phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt hàng ngày của triều đình và nhân dân.

Ngay từ thời Lý đã cho xây dựng đài quan sát thiên văn, tính toán giờ khắc. Năm 1029, Đại việt sử ký toàn thư chép: “khi quy hoạch lại Thăng Long, phía trước làm điện Phụng Thiên, trên điện dựng lầu Chính Dương làm nơi trông coi tính toán giờ khắc”…

Lịch triều hiến chương loại chí, Lê triều hội điển đều cho biết: hàng năm vào tháng trọng xuân, Tư Thiên Giám tiến hành tra cứu, tính toán lịch công của năm sau, biên soạn thành bản thảo lịch của năm mới. Vào sớm ngày 24 tháng Chạp hàng năm, tại sân rồng điện Kính Thiên, triều đình long trọng tổ chức nghi lễ tiến ngự lịch lên Hoàng đế và ban lịch cho bách quan, muôn dân…

Theo ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, nghi lễ Tống cựu nghinh tân là một nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của người Việt, khởi đầu một mùa lễ hội Tết Nguyên đán của Việt Nam, giúp thắt chặt hơn sự gắn kết với tổ tiên và nhắc chúng ta về những phong tục truyền thống chào năm mới. Lễ Tống cựu nghinh tân sẽ cho chúng ta được chìm vào kho tàng di sản văn hóa trù phú của Việt Nam, mà nổi bật chính là phong tục truyền thống về ngày Tết Nguyên đán. Hoạt động này sẽ góp phần đề cao giá trị của di sản phi vật thể và đưa các giá trị đó vào đời sống hiện đại.

Một số hình ảnh trong chương trình:

dscf0245.jpg
Tái hiện lễ tiến lịch
dscf0266.jpg
Lễ ban lịch
dscf0276.jpg
Các đại biểu làm lễ dâng hương
dscf0296.jpg
Thực hiện sân khấu hóa cúng ông Công ông Táo và thả cá chép
dscf0320.jpg
Làm nghi lễ dựng cây nêu
dscf0366.jpg
Thực hiện sân khấu hóa lễ đổi gác

Văn hóa - Thể thao

Họa sắc xưa, tinh thần nay
Văn hóa - Thể thao

Họa sắc xưa, tinh thần nay

Không chỉ là di sản, lưu giữ ký ức ngàn đời, tranh dân gian vẫn đang viết tiếp câu chuyện của mình khi trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận trong cuộc sống hiện đại.

Khắc họa chân dung của mùa Xuân
Văn hóa - Thể thao

Khắc họa chân dung của mùa Xuân

Khi các nghệ nhân làng đào tất bật tỉa tót những gốc đào chuẩn bị mùa Tết, họa sĩ Nguyễn Hữu Khoa lại chuyên tâm chăm chút từng bông hoa đào phơi phới trong hội họa; anh tâm sự mình đã tìm tòi, thể nghiệm qua nhiều đề tài khác nhau nhưng chỉ đến khi vẽ hoa đào mới mang lại cho anh nhiều xúc cảm hơn cả.

95 mùa xuân và các kỷ nguyên của dân tộc
Văn hóa - Thể thao

95 mùa xuân và các kỷ nguyên của dân tộc

Chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 3.2.2025), chương trình chính luận nghệ thuật “Mãi mãi niềm tin theo Đảng” lần thứ 19 với chủ đề “95 mùa xuân và các kỷ nguyên của dân tộc” sẽ diễn ra vào 20h10, ngày 22.1, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.