Đã xác định được điểm “nghẽn”, nhưng tháo gỡ thế nào?
Sau hơn 6 năm thực hiện Pháp lệnh Giám định tư pháp mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng công tác giám định tư pháp vẫn còn nhiều hạn chế, thậm chí có sự mâu thuẫn, xung đột giữa các kết luận giám định gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng, khiến nhiều vụ án bị kéo dài. Những tồn tại, hạn chế này trở thành điểm nghẽn làm ách tắc nhiều hoạt động tố tụng. Việc ban hành Luật Giám định tư pháp nhằm tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cũng như bước phát triển mới mang tính đột phá cho hoạt động giám định tư pháp ở nước ta, góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động tố tụng...
Chủ tịch HĐDT K’Sor Phước: Nên tiếp tục duy trì tổ chức giám định pháp y trong cơ quan công an
Nên tiếp tục duy trì tổ chức giám định pháp y trong cơ quan công an cấp tỉnh là vì qua thực tiễn, nếu nói về giám định pháp y là rất rộng chứ không phải đơn giản chỉ có xét nghiệm mà còn làm rất nhiều việc kể cả trong tranh chấp về thừa kế. Theo tôi hiểu là giám định pháp y trong lực lượng công an chủ yếu là các vụ án hình sự mà cán bộ làm giám định pháp y vừa làm chuyên môn về giám định pháp y, đồng thời có vai trò quan trọng trong vấn đề và định hướng công tác điều tra nhất là giai đoạn đầu của hiện trường. Cho nên rất cần cán bộ pháp y tham gia ngay từ đầu. Quan điểm của tôi rất muốn duy trì pháp y của công an tỉnh và phải củng cố. Tôi đề nghị có lẽ làm rõ thêm công an tỉnh làm ở mức độ nào, phạm vi nào là chủ yếu, còn những giám định khác tập trung cho ngành y tế; mối quan hệ giữa pháp y ngành y tế quản lý ở cấp tỉnh với pháp y của công an, hai cái này phải có phối hợp quan hệ chặt chẽ với nhau.
Về xã hội hóa công tác này, quan điểm tôi đồng ý, nhưng khi đọc ở Khoản 1, Điều 19 thì thấy toàn diện quá, có tất tần tật, nhà nước cần có cái gì thì có cái đó. Tôi rất lấn cấn vấn đề này. Theo tôi vấn đề này phải có bước đi như thế nào đó. Tôi đề nghị văn phòng giám định tư pháp cần phải thận trọng thêm. Ta nói phát huy về vốn, nhưng đó chỉ là một việc. Thực ra còn có cái quan trọng hơn vốn đó là tri thức của xã hội...
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa: Xã hội hóa là cần thiết những phải có lộ trình
Vấn đề thứ nhất là xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp. Chúng tôi rất đồng tình với quan điểm của Ủy ban Tư pháp trong Báo cáo thẩm tra là nên thực hiện một cách có lộ trình để thực hiện theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị bởi những lý do như sau: thứ nhất, trong Báo cáo của Chính phủ đánh giá về tình hình giám định tư pháp hiện nay có thể nói còn rất nhiều mặt yếu từ nhận thức đến quản lý nhà nước, đến đội ngũ, cơ sở vật chất và kết quả giám định tư pháp; khẳng định đây là một điểm nghẽn làm ách tắc nhiều hoạt động tố tụng. Trong mục tiêu Tờ trình của Chính phủ đặt ra là phải tạo cơ sở cho một bước phát triển mới mang tính đột phá, bền vững cho hoạt động giám định tư pháp ở nước ta. Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện pháp lệnh nói rất rõ rồi, nhưng muốn tạo ra bước đột phá trên tình hình hiện nay và đã xác định được điểm nghẽn như thế thì chọn khâu đột phá ở chỗ nào? Dường như khâu đột phá đó là xã hội hóa, trong khi chúng ta có một hệ thống tổ chức tư pháp công lập đồng bộ từ trên xuống dưới nhưng hiện nay đang yếu về nhiều mặt. Điểm nghẽn là do hệ thống này hay điểm nghẽn ở đâu? Nếu điểm nghẽn trong hệ thống này thì phải củng cố tạo ra bước phát triển mới của chính hệ thống đó. Thứ hai là cơ chế chính sách. Theo tôi đây là vấn đề quan trọng nhất. Phải có chính sách thu hút nguồn lực đầu tư, trong đó có cả nguồn lực về tài chính, nguồn lực về nhân lực. Phải thu hút được các chuyên gia trong tất cả các lĩnh vực vào hoạt động đối với các tổ chức giám định tư pháp công lập để tạo nên sức mạnh chứ không nhất thiết cứ phải biên chế vào đó mới có cái đó. Mặt khác, phải có chính sách về đầu tư, thu hút các nguồn đầu tư để tăng cường khả năng bảo đảm kịp thời, chính xác, chính quy hiện đại đối với các tổ chức giám định công lập. Theo tôi khâu đột phá là khâu đó.
Vấn đề thứ hai là tổ chức giám định pháp y của công anh tỉnh. Quan điểm của chúng ta là phải củng cố cái hiện hành. Tôi đề nghị Chính phủ và Ban soạn thảo nên có tổng kết để đánh giá cho rõ về mặt thực tế. Mục tiêu là hiệu quả hoạt động chứ không phải là chỗ này nhiều, chỗ kia ít, chỗ kia phát triển, vì “ông này” phát triển mà xóa “ông kia” mà vì mục tiêu đấu tranh phòng chống tội phạm, vấn đề là ở chỗ đó.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý: Tính thống nhất của của dự án luật này với các luật khác như thế nào?
Tôi muốn nói về tính thống nhất các quy định của dự án luật này với các luật, các văn bản quy phạm pháp luật khác, đặc biệt là một số văn bản quy phạm pháp luật trong tố tụng. Luật này liên quan nhiều đến các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật tố tụng hành chính; Luật Cán bộ công chức; Luật Viên chức; Bộ luật Lao động và một phần Luật Doanh nghiệp nữa. Do vậy, đề nghị rà soát lại và so sánh, đối chiếu, nếu có gì sửa mà trong này quy định khác, đặc biệt là khác với Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Hành chính mà QH vừa thông qua ở kỳ trước. Đề nghị cân nhắc thận trọng. Trong này tôi thấy nhiều điều sửa lại, quy định khác so với các văn bản trước đó. Ví dụ Điều 52, Điều 53 sửa đổi, bổ sung các điều, khoản của Bộ luật tố tụng hình sự, dân sự cũng như hành chính.
Liên quan đến vấn đề tính thống nhất này, chúng tôi nhất trí với Ủy ban Tư pháp, tức là quy định trong Điều 8 là không phù hợp. Điều 8 quy định nếu trường hợp có sự khác nhau trong quy định của luật này với các văn bản pháp luật khác thì áp dụng luật này là không phù hợp. Bởi vì Điều 83 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định văn bản của cùng một cơ quan có thẩm quyền về cùng một vấn đề, văn bản nào sau thì chúng ta áp dụng theo văn bản đó. Văn bản này sau là sau ở giai đoạn này nhưng vài tháng nữa lại có văn bản khác, do đó không thể giữ theo văn bản pháp y này được. Hơn nữa như ý kiến của Ủy ban Tư pháp là cần cân nhắc nếu như theo quy định của luật này thì các quy định khác của Bộ luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự như thế nào? Do đó đề nghị xem lại Điều 8 và theo chúng tôi nên bỏ điều đó.
Vấn đề tiếp theo cũng liên quan đến các quy định khác của pháp luật. Ví dụ Điều 19 quy định văn phòng giám định pháp y có thể được thành lập và hoạt động với hình thức công ty hợp danh nhưng chỉ có thành viên hợp danh mà không có thành viên góp vốn. Điều này trái với quy định của Luật Doanh nghiệp. Hơn nữa, nếu quy định như luật này sẽ gây khó khăn cho những người có thể có kiến thức bảo đảm về mặt giám định nhưng lại không có vốn thì không thành lập được, ngược lại tôi có vốn nhưng lại không có kiến thức giám định, hai điểm này không gặp nhau, tiền và tri thức không gặp nhau cho nên chúng tôi đề nghị cân nhắc quy định này.
Một vấn đề nữa về tổ chức giám định pháp y công lập, chúng tôi cũng nhất trí là trong luật không nên quy định cụ thể về tổ chức nhưng tại sao trong luật này chúng tôi ủng hộ nên quy định tổ chức vì đây là cơ quan bổ trợ tư pháp, nó liên quan đến hoạt động tố tụng. Về phía tố tụng quy định rất chặt chẽ các cơ quan tố tụng với các cơ quan có liên quan, đây là cơ quan bổ trợ tư pháp, đồng thời cũng nhằm để bảo đảm giá trị của giám định để đưa vào việc xác định chứng cứ.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu: Xã hội hóa không chỉ đơn giản một mặt hay một khía cạnh về vấn đề tài chính
Về vấn đề tổ chức giám định pháp y của công an, ý kiến của Bộ Tư pháp với công an sẽ cân nhắc, nếu đánh giá việc pháp y của công an triển khai, pháp y của y tế việc làm ít đi vì lẽ này mà chúng ta sắp xếp lại thì phải cân nhắc. Nếu xét về hiệu quả công việc mà pháp y của công an vẫn triển khai thông suốt, y tế khả năng hiệu quả không cao hơn thì cũng xem lại y tế cho rõ ràng hơn. Theo tôi điểm đó cần đánh giá chính xác.
Thứ hai, việc thành lập văn phòng giám định tư pháp ngoài công lập. Trong Tờ trình của Chính phủ đã nói xã hội hóa để huy động nguồn lực. Tôi nghĩ khác, nếu xem như hoạt động ngoài công lập thì xem đây như một dịch vụ. Đã là dịch vụ thì có cạnh tranh, nhìn nhận theo tư tưởng đó, còn ở góc độ huy động về vật chất hay gì đó để hình thành tổ chức đó tốt hơn thì chưa thấy gì tốt, cái cuối cùng là đạt mục tiêu, làm công tác giám định tư pháp để phục vụ cho nhu cầu của xã hội. Tôi nghĩ xã hội hóa mục tiêu là như vậy chứ không phải xã hội hóa đơn giản chỉ một mặt hay một khía cạnh về vấn đề tài chính. Theo tôi tư tưởng xã hội hóa là làm thế nào để hoạt động của những dịch vụ này càng ngày càng tốt hơn, phục vụ xã hội ngày càng tốt hơn. Do vậy cần cân nhắc, nếu khẳng định dịch vụ này sẽ phục vụ nhân dân, nhu cầu của xã hội tốt hơn, phục vụ các bộ luật khác tốt hơn, an toàn hơn, hiệu quả hơn thì tôi nghĩ cũng được.
Trong này có một nội hàm bên trong là lực lượng giám định viên. Tôi hình dung giống như ngành y tế hiện nay cũng có một thời kỳ người ta tranh luận sôi nổi và mất nhiều năm, thậm chí có thời kỳ đặt ra nếu trong thời kỳ này thì dịch vụ của người đang làm công lập, phục vụ tại công lập thì hiệu quả không bằng làm dịch vụ đó nhưng ngoài công lập. Chúng ta cũng có bài học thực tiễn nhưng tôi nghĩ hoạt động này không rộng lớn, không phổ biến như hoạt động của các dịch vụ khác như dịch vụ y tế. Tuy nhiên nếu như qúa độ thực hiện chương trình cải cách tư pháp, xét khía cạnh này tôi cũng rất đồng thuận với ý kiến của Ủy ban Tư pháp là từng bước làm một số lĩnh vực mang tính chất chuyên ngành nhưng tinh thần và mục tiêu là dịch vụ này phục vụ tốt hơn cho nhu cầu xã hội, tránh độc quyền, bởi vì đã cho thực hiện ngoài công lập thì mang tính chất thương mại, cạnh tranh.