
Nguyên nhân, triệu chứng của bệnh đa u tủy xương
Theo BSCKI Lê Thị Thu Huyền, Khoa Huyết học Lâm sàng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh đa u tủy xương là một trong những bệnh thường gặp trong các bệnh máu ác tính.
Theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu GLOBOCAN 2022 cho thấy có 187.952 ca bệnh mới hàng năm. Bệnh thường gặp ở nam hơn nữ và tuổi trung bình khi chẩn đoán bệnh là 65 – 70 tuổi.
Tuy nhiên, nguyên nhân gây bệnh chưa rõ. Có một số yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ mắc đa u tủy xương, bao gồm: tiếp xúc với tia xạ, hóa chất hữu cơ (benzen), thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu...
Các triệu chứng lâm sàng của bệnh phong phú và đa dạng. Các triệu chứng thường gặp của bệnh nhân đa u tủy xương bao gồm: Đau xương, gãy xương, u xương; táo bón, buồn nôn, nôn; mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt; sốt, ho, khạc đờm, viêm phổi; suy thận, có bệnh nhân suy thận nặng cần thận nhân tạo; chảy máu võng mạc, mũi, …
Các xét nghiệm chính của bệnh đa u tủy xương
- Xét nghiệm tủy xương: tủy đồ, sinh thiết tủy xương, xét nghiệm FISH.
- Điện di miễn dịch, điện di protein huyết thanh.
- Xét nghiệm sinh hóa: Albumin, protein, ure, creatinin, calci huyết thanh, acid uric, LDH, beta2microglobulin, IgG, IgA, IgM, định lượng chuỗi nhẹ kappa và lambda, marker virus viêm gan B, viêm gan C, HIV.
- Xét nghiệm khác: XQ xương, chụp cắt lớp vi tính liều thấp toàn thân, chụp cộng hưởng từ toàn thân, chụp PET/CT, Xquang tim phổi, điện tim, siêu âm tim,…
Bệnh đa u tủy xương được đánh giá giai đoạn, phân nhóm nguy cơ. Việc điều trị phù hợp phụ thuộc vào chẩn đoán bệnh, thể trạng, các bệnh đi kèm cũng như độ tuổi của người bệnh.
Điều trị bệnh đa u tủy xương
BSCKI Lê Thị Thu Huyền cho biết, cùng với những tiến bộ của y học với sự ra đời của các thuốc mới, bệnh nhân cao tuổi vẫn có cơ hội điều trị đạt lui bệnh. Điều trị ban đầu cho bệnh nhân đa u tủy xương mới chẩn đoán: cần dựa vào khả năng thực hiện ghép tế bào gốc tạo máu tự thân và nhóm nguy cơ theo phân loại di truyền cho từng ca bệnh để lựa chọn phác đồ điều trị cho thích hợp và hiệu quả; bao gồm:
- Hóa trị: thường kết hợp các loại thuốc của các nhóm: nhóm thuốc ức chế proteasome, điều hòa miễn dịch, corticoid.
- Liệu pháp miễn dịch: Daratumumab, elotuzumab, …
- Ghép tế bào gốc tạo máu tự thân
- Liệu pháp tế bào CART, kháng thể đặc hiệu kép,…
- Điều trị hỗ trợ: Dự phòng nhiễm trùng, phòng và điều trị huyết khối, trao đổi huyết tương, truyền máu, erythropoietin tái tổ hợp, thuốc ức chế tiêu xương, giảm đau,…
Ngoài ra, sau khi điều trị, bác sĩ sẽ hẹn lịch tái khám để có thể chẩn đoán và điều trị kịp thời nếu bệnh tái phát, bao gồm: hỏi bệnh, khám bệnh và xét nghiệm máu cơ bản trong bệnh đa u tủy xương. Tùy trường hợp, có thể bác sĩ sẽ chỉ định: tủy đồ, sinh thiết tủy xương,…
Nếu bệnh đa u tủy xương tái phát hoặc kháng thuốc, người bệnh sẽ được đánh giá lại các yếu tố nguy cơ và cũng như xét nghiệm khác như ban đầu chẩn đoán để có kế hoạch điều trị phù hợp.
Những lưu ý trong điều trị
Bác sĩ khuyến cáo, đa u tủy xương có nguy cơ nhiễm khuẩn, có thể nhiễm khuẩn tái diễn, là nguyên nhân chính gây tử vong. Vì vậy, trong quá trình điều trị, điều quan trọng là bệnh nhân luôn báo với bác sĩ điều trị về bất kì tác dụng phụ hay vấn đề gặp phải (ví dụ: ho, sốt,…) cũng như tuân thủ hướng dẫn về chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng của bác sĩ và điều dưỡng.
Khi bệnh nhân ra viện, tái khám đúng theo hẹn của bác sĩ. Và bệnh nhân hãy luôn hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị khi dùng bất kì thuốc bổ sung nào, vì chúng có thể ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh hoặc các tác dụng phụ khác.