Khoảng 10.600 trẻ em có nguy cơ tham gia lao động
Luật Trẻ em năm 2016 quy định trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động; không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Theo đó, mọi trẻ em đều có quyền được sống, học tập và làm việc, phát triển trong môi trường an toàn, lành mạnh. Tuy nhiên, một thực tế đáng quan tâm hiện nay là do điều kiện kinh tế khó khăn, nhận thức của cha mẹ còn hạn chế, nhiều gia đình lạm dụng sức lao động trẻ em, bắt trẻ tham gia lao động cực nhọc ở tuổi thiếu niên, nhi đồng. Trẻ lao động nặng quá sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cơ thể đang phát triển, trẻ dễ bị chấn thương cột sống, bị giảm sút về sức khỏe, trí lực...
Những năm qua, cùng với việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, TP. Đà Nẵng đã không ngừng chăm lo các vấn đề an sinh xã hội, triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Thành phố hiện đang tiếp tục hoàn thiện các hệ thống trợ giúp và bảo vệ trẻ em, góp phần đem lại một môi trường xã hội lành mạnh, bảo đảm cho sự phát triển toàn diện của trẻ em. Tuy nhiên, trong thời đại hội nhập toàn cầu, cùng với những đổi thay nhanh chóng của thế giới công nghệ số, những hệ lụy của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh... đã tiềm ẩn, phát sinh và gia tăng những nguy cơ đối với sự an toàn của trẻ em; đòi hỏi các tổ chức, cơ quan, cộng đồng phải hành động tích cực để bảo vệ trẻ em.
Tại Đà Nẵng hiện có khoảng 10.600 trẻ em có nguy cơ tham gia lao động. Đa số các em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em không nơi nương tựa. Điều này đặt ra bài toán trong việc phát hiện, hỗ trợ, can thiệp kịp thời trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trái quy định của pháp luật.
Phòng ngừa, giảm thiếu trẻ em lao động trái pháp luật
Ngày 15.4.2022, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 1012/QĐ-UBND về việc phê duyệt tiếp nhận dự án Phòng chống các hình thức lao động trẻ em trong môi trường làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, bao gồm bóc lột tình dục trẻ em trong môi trường mạng và vi phạm các điều kiện lao động tối thiểu tại Đà Nẵng do Tổ chức World Vision International tại Việt Nam tài trợ. Dự án nhằm góp phần xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em trong môi trường nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm, bao gồm bóc lột tình dục trẻ em trong môi trường mạng và vi phạm các điều kiện lao động tối thiểu.
Dự án sẽ bao gồm các hoạt động hỗ trợ cho nạn nhân của lao động trẻ em, bạo lực tình dục trong môi trường mạng. Tăng cường công tác báo cáo về lao động trẻ em trong môi trường nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm, bao gồm bóc lột tình dục trẻ em trong môi trường mạng và vi phạm các điều kiện lao động tối thiểu tại các địa bàn thuộc dự án. Tăng cường quan hệ đối tác để đẩy nhanh việc giải quyết vấn đề lao động trẻ em, bạo lực tình dục trong môi trường mạng và vi phạm các điều kiện lao động tối thiểu.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng phòng Bảo trợ xã hội và Trẻ em, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Đà Nẵng cho biết, quá trình triển khai đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận như giúp cán bộ, người dân nâng cao năng lực thực thi luật pháp, chính sách; Nâng cao năng lực, chất lượng cung cấp dịch vụ hỗ trợ (tập huấn cho hơn 500 lượt người tham dự); Đào tạo giảng viên nguồn; Học tập, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với địa phương khác; Nâng cao nhận thức các cấp, các ngành, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em (60 sự kiện truyền thông, tiếp cận được 11.673 thành viên cộng đồng); Truyền thông cho khu vực kinh tế phi chính thức (tuyên truyền đến 435 hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ); Phát triển sản phẩm, tài liệu truyền thông; Triển khai quy trình, mạng lưới sàng lọc, phát hiện LĐTE và trẻ em có nguy cơ; Hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em có nguy cơ và gia đình trẻ.
“Những thông tin này đã giúp chúng tôi xây dựng kế hoạch can thiệp và hỗ trợ trẻ em có nguy cơ lao động trẻ em tại địa phương, đồng thời hỗ trợ địa phương trong việc triển khai Chương trình phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật tại thành phố” bà Hà cho biết thêm.
Kết quả dự án được kỳ vọng sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý các trường hợp lao động trẻ em trong môi trường nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm, bao gồm bóc lột tình dục trẻ em trong môi trường mạng và vi phạm các điều kiện lao động tối thiểu. Tăng cường việc thực thi các chính sách và khung pháp lý liên quan đến các hình thức lao động trẻ em trong môi trường nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm, bao gồm bóc lột tình dục trẻ em trong môi trường mạng và vi phạm các điều kiện lao động tối thiểu.