Xuất khẩu 2 tháng tăng 19,2%
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 2 ước đạt 48,54 tỷ USD, giảm 25,8% so với tháng trước và giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 113,96 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 19,2%; nhập khẩu tăng 18%.
Cụ thể, xuất khẩu tháng 2 ước đạt 24,82 tỷ USD, giảm 28,1% so với tháng trước và giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 59,34 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 16,14 tỷ USD, tăng 33,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 43,2 tỷ USD, tăng 14,7%. Hai tháng đầu năm có 11 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 75,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52,5%).
Chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa tháng 2 ước đạt 23,72 tỷ USD, giảm 23,2% so với tháng trước và tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 54,62 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 19,67 tỷ USD, tăng 27,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 34,95 tỷ USD, tăng 13,3%. Hai tháng đầu năm có 13 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 71% tổng kim ngạch nhập khẩu; trong đó có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 41,3%.
Kết quả hai tháng cho thấy, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 17,4 tỷ USD. Xuất siêu sang Hoa Kỳ 2 tháng ước đạt 15,2 tỷ USD tăng 36,6% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 20,9 tỷ USD. Nhập siêu từ Trung Quốc trong hai tháng đầu năm là 12,8 tỷ USD, tăng 98,2%.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 2 ước xuất siêu 1,1 tỷ USD, tính chung 2 tháng xuất siêu 4,72 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 3,5 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,53 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 8,25 tỷ USD.
Tận dụng FTA, đa dạng thị trường
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Đỗ Thị Ngọc cho biết, xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng cao góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước, tạo động lực tăng trưởng cho cả 3 khu vực là nông lâm thủy sản, công nghiệp xây dựng và dịch vụ. Đây cũng chính là những động lực thúc đẩy tăng trưởng.
Theo các chuyên gia kinh tế, tăng trưởng xuất 2 tháng đầu năm là dấu hiệu tích cực về triển vọng phát triển bền vững trong thời gian tới. Bên cạnh đó, trong báo cáo mới đây, SSI Research dẫn, dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay sẽ ở mức 5,5%. Do có mối quan hệ thương mại chặt chẽ giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm hơn sẽ có tác động tiêu cực đến cầu ở cả khu vực. Tăng trưởng khu vực sản xuất, chế tạo chậm lại ở Trung Quốc sẽ làm giảm thương mại khu vực, đặc biệt với các nền kinh tế mở, hướng mạnh vào xuất khẩu như Malaysia và Việt Nam…
Vì vậy, SSI Research khuyến cáo cần tận dụng có hiệu quả hơn các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, nhằm tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới, cũng như mở rộng các thị trường xuất khẩu, nhằm khơi thông đầu ra hiệu quả, bền vững cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các nhóm hàng hóa có đóng góp lớn và tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu. Song song với đó là khai thác bài bản, hiệu quả thị trường nội địa, để giúp các doanh nghiệp “xuất khẩu” tại chỗ tốt hơn.
Để tạo động lực cho xuất khẩu, Việt Nam nên cố gắng đa dạng hóa thị trường, xuất khẩu sang càng nhiều quốc gia càng tốt để không chỉ tập trung vào 3 thị trường lớn như hiện nay là Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc, bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới khuyến cáo. Cụ thể, Việt Nam có thể mở rộng thị trường xuất khẩu nhiều hơn sang các nước ASEAN, Nam Á, châu Mỹ Latin… Tất cả sẽ tạo ra khả năng phục hồi mới cho nền kinh tế của Việt Nam trong năm 2024.
Về phía Tổng cục Thống kê cũng đề xuất Bộ Công thương tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo môi trường vĩ mô thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa; xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách kinh tế, thương mại cần thực hiện đồng bộ và thường xuyên; tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng và minh bạch. Bên cạnh đó, ngành công thương phát triển xuất khẩu bền vững đi liền với đa dạng hóa thị trường hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý với các đối tác. Thực tế cho thấy, Việt Nam đang phụ thuộc chủ yếu vào một số thị trường xuất khẩu lớn. Vì vậy, khi các quốc gia này rơi vào giai đoạn khủng hoảng, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đối mặt với những cú sốc lớn và bị gián đoạn.