Đời sống đồng bào từng bước được cải thiện
Tỉnh Bắc Giang xác định phát triển kinh tế và xã hội (KT - XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, chính vì vậy từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình MTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, Bắc Giang đã hỗ trợ nhà ở cho 566 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 2.345 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 4.420 hộ dân; đầu tư xây dựng 18 công trình nước sinh hoạt tập trung, đến nay có 7/18 công trình hoàn thành. Cải tạo, nâng cấp 8 công trình trạm y tế xã; xây mới, cải tạo nâng cấp 8 chợ. Thực hiện cứng hóa đường giao thông đến trung tâm xã, đường liên xã; đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp một số hạng mục thuộc 9 trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú... Các công trình đầu tư xây dựng đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Bên cạnh đó, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị như thực hiện hỗ trợ khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng; hỗ trợ các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển sản xuất cộng đồng cho 2.800 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ làm kinh tế giỏi. Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động; bên cạnh đó, bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư tại chỗ các thôn, bản.
Theo thống kê, qua 3 năm triển khai thực hiện Chương trình (từ năm 2022 - 2024) diện mạo nông thôn vùng DTTS và miền núi của tỉnh có những thay đổi căn bản, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào vùng DTTS từng bước cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể trong vùng dân tộc, tỷ hộ nghèo người DTTS giảm bình quân 2,7%/năm, tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 4,16%/năm. Có những xã đặc biệt khó khăn giảm trên 10% như: xã Yên Định, huyện Sơn Động, xã Phú Nhuận, huyện Lục Ngạn; đến nay, có 6 xã khu vực III, 4 xã khu vực II hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, thoát khỏi tình trạng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Trên địa bàn tỉnh có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 100% các trường phổ thông dân tộc nội trú đạt chuẩn quốc gia; 100% thôn, bản của các xã vùng DTTS có nhân viên y tế thôn bản hoạt động; 100% người DTTS thuộc các xã vùng khó khăn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; 100% trạm y tế các xã vùng dân tộc, miền núi của tỉnh có bác sĩ; 100% các xã có y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh.
Tại huyện Lục Nam, theo thống kê từ các nguồn vốn, giai đoạn 2019 - 2024, toàn huyện có 65 công trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi được triển khai xây mới. Cụ thể, tại 15 xã vùng DTTS và miền núi của huyện có 37 công trình giao thông (đường, cầu, ngầm), 8 công trình thủy lợi, 9 nhà văn hóa thôn, 8 trường học, 2 chợ và 1 trạm y tế được xây mới; tổng nguồn vốn đầu tư hơn 52,6 tỷ đồng.
100% các xã vùng DTTS và miền núi có đường nhựa hoặc đường bê tông qua trung tâm; 100% xã có trạm y tế; hệ thống thủy lợi được đầu tư xây dựng, tu sửa bảo đảm tưới tiêu chủ động hơn 90% diện tích đất canh tác lúa và hoa màu…
Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS
Bên cạnh những kết quả tích cực, tuy nhiên vùng đồng bào DTTS vẫn là vùng khó khăn nhất của tỉnh Bắc Giang, kinh tế phát triển chậm; khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo giữa vùng dân tộc và các vùng khác trong tỉnh, giữa các thành phần dân tộc còn cao. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng đồng bào DTTS chậm chưa theo kịp các vùng khác, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh chưa cao; lao động chủ yếu vẫn làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao, kết quả giảm nghèo chưa bền vững. Kết cấu hạ tầng mặc dù đã được đầu tư, song chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu. Bản sắc văn hóa truyền thống của một số dân tộc dần mai một, trình độ dân trí không đồng đều... thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường sẽ ảnh hưởng tác động đến đời sống của đồng bào DTTS. Do đó, cần tiếp tục cần triển khai đồng bộ các chính sách đầu tư cho vùng DTTS và miền núi.
Dự kiến đến hết năm 2025, tỉnh Bắc Giang phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS từ 1,5 - 2,5%/năm; 13 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 122 thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt 100%. Tỷ lệ trường lớp học được xây dựng kiên cố đạt 97,2%.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó tập trung ưu tiên đầu tư cho địa bàn đặc biệt khó khăn trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là đầu tư hỗ trợ cho các xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi; hộ gia đình, cá nhân người DTTS; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế, xã hội hoạt động ở vùng DTTS và miền núi.