Đa dạng hóa kênh phân phối nông sản
Nhằm tạo đầu ra ổn định cho nông sản, ngành nông nghiệp Đồng Nai đã chủ động triển khai đa dạng nhiều kênh phân phối như chợ truyền thống, các sàn thương mại điện tử cũng như đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường khó tính.
Kết nối giao thương nhằm tăng lượng tiêu thụ
Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại Đồng Nai (Sở Công Thương), tháng 5 và tháng 6.2024 vừa qua, Sở Công Thương phối hợp với Công ty CP bất động sản Thống Nhất - đơn vị quản lý chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (huyện Thống Nhất) đã tổ chức hội nghị kết nối giao thương giữa các tổ hợp tác, hợp tác xã, tiểu thương chợ truyền thống trên địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh với chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây.

Chương trình nhằm hỗ trợ tiểu thương các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh tìm nguồn hàng nông sản sạch, giá cả hợp lý thông qua chợ nông sản, thực phẩm Dầu Giây. Ngoài ra, tiểu thương các chợ truyền thống trong tỉnh sẽ được tham quan, trao đổi, kết nối giao thương với tiểu thương chợ nông sản, thực phẩm Dầu Giây. Qua đó, thiết lập được kênh phân phối hàng hóa giữa chợ nông sản, thực phẩm Dầu Giây với tiểu thương các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh.
Theo đề án "Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030" về đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản phải gắn với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình xây dựng nông thôn mới và ứng dụng khoa học công nghệ.
Bên cạnh kênh tiêu thụ chợ truyền thống, ngành nông nghiệp Đồng Nai còn đẩy mạnh phân phối, bắt kịp xu hướng thị trường bằng cách tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử. Theo đề án "Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030" về đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản phải gắn với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình xây dựng nông thôn mới và ứng dụng khoa học công nghệ, từ năm 2021, Đồng Nai đã cho ra mắt sàn thương mại điện tử ecdn.vn nhằm kết nối, hỗ trợ miễn phí cho doanh nghiệp, hợp tác xã… quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Đây là sàn thương mại điện tử đầu tiên ở các địa phương trên cả nước ứng dụng, tích hợp thanh toán trực tuyến, kết hợp với dịch vụ logistics…
Cùng với vận hành, các sở, ngành chức năng sẽ xem xét nâng cấp chức năng mua sắm hàng hóa trên thiết bị điện thoại di động (Android, iOS) đối với các giao dịch trên sàn thương mại điện tử Đồng Nai, cũng như xây dựng phương án vận hành, nguồn nhân lực phù hợp, hiệu quả, đúng quy định để phát triển ecdn.vn.
Đồng thời đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về sàn thương mại điện tử Đồng Nai; tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhất là các chủ thể OCOP trên địa bàn đưa hàng hóa lên sàn; thường xuyên tổ chức các chương trình, lớp tập huấn nhằm xây dựng thương hiệu và cách thức quảng bá sản phẩm hiệu quả trên môi trường trực tuyến; nâng cao kỹ năng quản trị gian hàng trên sàn thương mại điện tử Đồng Nai; nâng cao việc kinh doanh online hiệu quả trên các kênh thương mại điện tử phổ biến hiện nay.
Các chuyên gia thương mại nhận định việc tiêu thụ nông sản của địa phương trên sàn thương mại điện tử đang tạo ra "làn sóng" mới trong thói quen tiêu dùng bởi sự tiện lợi khi mua sắm và tiết kiệm chi phí cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân. Kênh bán hàng trực tuyến không những giúp các hộ nông dân giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trong và ngoài nước mà còn hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản thuận lợi hơn, tránh bị thương lái ép giá khi thị trường có biến động mà còn gián tiếp mang đến làn sóng mới trong sản xuất kinh doanh, sẵn sàng thay đổi và thích ứng với chuyển đổi số.
Đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch
Tính đến hết tháng 4.2024, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai xuất khẩu 4 loại nông sản là cà phê, nhân hạt điều, hạt tiêu và cao su được hơn 625 triệu USD. Hiện nay, Đồng Nai là một trong 5 địa phương xuất khẩu cà phê lớn nhất Việt Nam. Có nhiều doanh nghiệp ngành cà phê trong và ngoài nước đã đặt kho, nhà máy chế biến tại Đồng Nai để bảo quản, sản xuất và xuất khẩu một cách thuận lợi.
Thời gian qua, Đồng Nai đã đi đầu trong xuất khẩu chính ngạch một số mặt hàng nông sản, thực phẩm như: chuối, sầu riêng, hạt tiêu, cà phê, thịt gà... Thị trường xuất khẩu chính là: Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu. Trong đó, các loại trái cây tươi chủ yếu vẫn xuất sang Trung Quốc. Tháng 6.2023, Đồng Nai xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng chính ngạch đầu tiên với 360 tấn sang Trung Quốc. Trong năm 2023, tỉnh cũng đã xuất khẩu 20 nghìn tấn sầu riêng sang thị trường này.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi nhấn mạnh, sầu riêng là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh. Do đó, thời gian qua địa phương tập trung xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất theo chuẩn thị trường xuất khẩu. Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai mong muốn, các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng đầy đủ yêu cầu kỹ thuật của các thị trường thế giới, đưa sầu riêng và các loại trái cây khác của tỉnh ngày càng vươn xa ra thị trường quốc tế.
Theo Bộ Công Thương, Trung Quốc là thị trường còn nhiều tiềm năng để Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành phố trên cả nước xuất khẩu các loại trái cây tươi. Tuy nhiên, hiện đã qua thời ồ ạt xuất khẩu trái cây tươi vào thị trường Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Vì thế, nông sản muốn vào thị trường này phải đảm bảo chất lượng, số lượng, truy xuất được nguồn gốc. Từ nhiều năm nay, Đồng Nai đã quy hoạch các vùng chuyên canh lớn và áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại để tăng năng suất, chất lượng, kết nối 5 nhà gồm: nhà nông - nhà khoa học - ngân hàng - doanh nghiệp - Nhà nước để sản phẩm có thể xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc và nhiều nước khác. Bước đầu, Đồng Nai gặt hái được một số kết quả là trái chuối, sầu riêng, xoài, thịt gà đã xuất khẩu chính ngạch qua một số quốc gia, vùng lãnh thổ.